Quyết định trốn học, ăn trộm một chiếc thuyền của ngư dân rồi bơi ra biển chơi, 6 bé trai không thể ngờ đã tạo ra bi kịch và quãng thời gian đáng nhớ nhất cuộc đời.
Năm 1954, nhà văn William Golding đã cho xuất bản cuốn tiểu thuyết với tựa đề "Lord of the Flies" (Chúa Ruồi), kể về một nhóm thiếu niên bị mắc kẹt trên đảo hoang sau một tai nạn máy bay. Chẳng mấy chốc, cuốn tiểu thuyết đã trở nên nổi tiếng, trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc của thế kỷ 20, được dịch ra hơn 30 thứ tiếng khác nhau, thậm chí còn được chuyển tải thành phim.
Không ai có thể ngờ rằng hơn 10 năm sau, đã có một câu chuyện đời thực gần như giống hệt tác phẩm "Lord of the Flies" đã xảy ra. Đến tận bây giờ, khi đã hơn 50 năm trôi qua, những nhân vật chính của câu chuyện này vẫn còn vẹn nguyên ký ức khi nhắc đến những ngày tháng sinh tồn trên đảo hoang, không biết ngày nào mới được trở về nhà.
6 cậu bé bị mắc kẹt trên đảo Ata tạo thành "Lord of the Flies" phiên bản đời thực.
Câu chuyện bắt đầu vào tháng 9/1966, khi thuyền trưởng Peter Warner cùng đoàn của mình đang lênh đênh trên đại dương thì vô cùng bất ngờ khi thấy có vài cột khói bốc lên trên một hòn đảo hoang gần Tonga, phía nam Thái Bình Dương. Đây vốn là một hòn đảo không có người ở nên việc nhìn thấy cột khói thật sự là điều kỳ lạ. Do đó, thuyền trưởng Peter đã quyết định tới gần để tìm hiểu.
Khi chuẩn bị cập bến để lên đảo, ông Peter đã sững sờ khi nhìn thấy một cậu bé tuổi teen hoàn toàn trần truồng, tóc dài như thổ dân, lao xuống từ một vách đá và bơi đến gần con thuyền của ông. Một lúc sau, 5 cậu bé khác cũng xuất hiện trong bộ dạng vô cùng hoang dã.
Ban đầu, ông Peter tưởng rằng đây là một nhóm thổ dân bản địa. Nhưng sau đó, một trong số 6 cậu bé đã hét lớn bằng tiếng Anh: "Tên cháu là Stephen. Bọn cháu có khoảng 6 người và nghĩ rằng đã mắc kẹt trên đảo này khoảng 15 tháng rồi". Từ đó, câu chuyện về 6 cậu bé bị mắc kẹt trên đảo hoang mới được mở ra.
Đảo hoang Ata, nơi 6 cậu bé bị mắc kẹt suốt 15 tháng.
Hành trình dũng cảm giữa đại dương
Tháng 6/1965, 6 cậu bé trong độ tuổi từ 13 - 16 tuổi, bao gồm Sione Fataua, Fatai Latui (còn gọi là Stephen), Tevita Fifita Sioloa (còn gọi là David), Kolo Fekitoa, Mano Fotau và Luke Veikoso, đã trốn học khỏi trường công giáo tại thủ đô Nuku'alofa, Vương quốc Tonga. Sau đó, chúng đã ăn trộm một chiếc thuyền của ngư dân để bơi ra biển dạo chơi. Kế hoạch của 6 cậu bé là bơi đến Fiji hoặc New Zealand, không lường trước được những hiểm nguy đang chờ đợi phía trước.
Trong lúc vội vã trốn đi, 6 cậu bé chỉ kịp mang theo 2 bao chuối, vài quả dừa và một vòi đốt khí nhỏ, không hề mang theo nước uống. Do không có nhiều kinh nghiệm đi biển, 6 cậu bé không biết phương hướng rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy, họ thấy một cơn bão đang đến gần mà không thể làm gì. Cuối cùng, cơn bão đã đánh tan cánh buồm, phá vỡ bánh lái và cuốn con thuyền đi.
Thuyền trưởng Peter Warner, người đã tìm thấy và cứu sống 6 đứa trẻ.
6 cậu bé đã lênh đênh trên biển suốt 8 ngày mà gần như không có thức ăn và nước uống, phải hứng nước mưa ít ỏi vào vỏ dừa rỗng, phân chia nhau mỗi người chỉ được uống một ngụm vào buổi sáng và buổi tối. Tới ngày thứ 9, tất cả vui mừng khi nhìn thấy Ata và cố gắng bơi thuyền về hướng đó. Đáng tiếc, đây là một hòn đảo hoang, người cuối cùng ở đây cũng đã chuyển đi vào năm 1863 nên gần như chẳng có gì để hy vọng.
Ata cách thủ đô Nuku'alofa những gần 170 km theo đường chim bay, chỉ có những cồn cát trắng, đá và cây cọ, gần như không thể sống được. Thế nhưng bằng bản năng sinh tồn vô cùng mạnh mẽ và ý chí muốn được sống, 6 cậu bé này đã có một cuộc hành trình vô cùng đáng khâm phục.
Không biết bao giờ mới được giải cứu, chúng phải chấp nhận việc sống tạm trên đảo hoang này. 6 cậu bé bắt đầu tìm một hang động để ở tạm, sau đó sử dụng con dao duy nhất mang đi để dựng lều. Sau khi tạo ra được lửa, chúng đã dùng nó để nấu nướng, sưởi ấm và bảo vệ bản thân khỏi động vật hoang dã tấn công ban đêm. Vì không có nước uống, chúng phải uống máu từ những con chim biển. 6 cậu bé cũng bắt cá, ăn trứng chim và rau dại.
Tại thời điểm thuyền trưởng Peter tìm thấy 6 đứa trẻ, ông nhận thấy chúng đã biến một góc nho của hòn đảo hoang thành một ngôi nhà với những vườn rau, thân cây rỗng để chứa nước mưa, thậm chí có cả sân thể dục chỉ bằng một con dao cũ và sức lực của bản thân.
Ông Peter Warner (thứ 3 từ trái sang) cùng 6 đứa trẻ mà ông đã cứu sống.
Không chỉ cố gắng sống sót, 6 cậu bé còn tự tạo niềm vui tinh thần bằng cách tạo ra một cây đàn guitar từ khúc gỗ lũa, vỏ dừa và mảnh dây thép được gỡ ra từ con thuyền của mình. Mỗi ngày, chúng đều bắt đầu bằng một bài hát và cầu nguyện cho đến ngày được trở về.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi một lần, Stephen đã trèo lên một vách đá nhưng chẳng may trượt chân rơi xuống và bị gãy chân. Không bỏ mặc bạn, 5 cậu bé còn lại đã nhanh chóng cứu Stephen lên, sau đó nẹp chân cho bạn bằng cành cây và lá. "Đừng lo lắng, chúng tớ sẽ ở bên cậu. Cậu chỉ cần nằm đó như một vị vua thôi", 5 cậu bé an ủi Stephen.
Cuộc giải cứu kỳ diệu
Khi thuyền trưởng Peter Warner tìm thấy 6 đứa trẻ trên đảo Ata, ông không thể tin được những lời chúng nói vì quá vô lý nên đã sử dụng đài phát thanh hai chiều của mình để liên lạc với nhà chức trách ở Nuku‘alofa. Sau 20 phút chờ đợi, ông nhận được phản hồi đầy bất ngờ: "Ông đã tìm thấy chúng. Mọi người đều tưởng rằng 6 cậu bé đã chết, thậm chí còn tổ chức tang lễ. Nếu ông tìm được chúng, đây thực sự là một phép màu".
Không chỉ sống sót, 6 cậu bé vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, không những không bị bỏ đói tới hốc hác mà còn rèn được cơ thể cơ bắp. Cái chân bị gãy của Stephen cũng bình phục một cách khó tin. Gia đình của 6 cậu bé đã bất ngờ tới mức không nói nên lời khi biết con mình vẫn còn sống.
Ông Peter đã chuyển tới Tonga sinh sống, kết hôn và sinh con tại đây.
Tưởng rằng mọi chuyện đã êm đẹp nhưng ngay sau khi được giải cứu, 6 cậu bé lại phải đối mặt với một thử thách khi bị người chủ của chiếc thuyền mà chúng đã trộm đi kiện cáo. May thay, ông Peter đã rộng lượng trả cho người chủ này 150 bảng Anh (hơn 4 triệu đồng) để 6 cậu bé được thả ra. Cuối cùng, 6 cậu bé đã cùng nhau trở về nhà. Ngày hôm đó, hơn 900 người đã ra chào đón chúng.
Để cảm ơn ông Peter vì đã giải cứu 6 đứa trẻ, vua Taufa‘ahau Tupou IV của Vương quốc Tonga đã triệu tập ông để tỏ lòng biết ơn và mong muốn đáp ơn bất cứ thứ gì mà ông Peter muốn. Ông Peter chỉ trả lời đơn giản: "Tôi muốn bẫy tôm và bắt đầu kinh doanh tại đây".
Ông Mano Fotau là một trong 6 đứa trẻ bị mắc kẹt trên đảo hoang năm xưa.
Sau này, ông Peter đã từ chức tại công ty của bố mình ở thành phố Sydney (Úc) để đến Tonga. Ông đã mua một chiếc thuyền đánh cá, thuê toàn bộ 6 cậu bé trên làm thuyền viên cho mình. Không giống như cái kết đau buồn trong tiểu thuyết "Lord of the Flies", 6 cậu bé tại Tonga đã có một cái kết viên mãn nhờ sự cứu giúp của một người đàn ông xa lạ và hơn hết là sự dũng cảm, đoàn kết và quyết tâm của mình.
Ông Mano Fotau, năm nay 73 tuổi, một trong 6 đứa trẻ bị mắc kẹt năm xưa, vẫn không thể nào quên được những năm tháng ấy. Ông chia sẻ: "Đó là một quãng đời đáng nhớ. Chúng tôi đã rất sợ hãi. Mọi người thường nghe câu chuyện phiêu lưu của chúng tôi thật sống sống nhưng thực tế vô cùng khắc nghiệt. Chẳng ai vui được khi không biết mình đang ở đâu, không có bất cứ thành viên gia đình nào bên cạnh, không biết ngày mai mình còn sống hay đã chết... Thế nhưng chúng tôi đã không ngừng hy vọng và đó vẫn là một trải nghiệm khó quên".