Sau mỗi chuyến đi, bà Nhiệm lại trở về nhà với những sinh linh bé nhỏ không may bị vứt bỏ trên tay. Mỗi lần như vậy, bà lại thầm ước có một ngày được quay về… tay không.
Tuy nhiên, ngày đó rất xa vời khi những số phận bị cha mẹ ruột mặc kệ sống chết vẫn được bà phát hiện. Vì thế, bà tận tụy đi, tìm kiếm và sung sướng không thể diễn tả bằng lời mỗi lần cứu được một thân phận phải chịu nỗi bi ai từ thuở lọt lòng.
Bà Nhiệm ngày nào cũng thăm nom những “ngôi nhà chung”. Ảnh TG
Ly kỳ cuộc “cấp cứu” trong đêm
Nghe tới “nghề” nhặt xác thai nhi xấu số, ai cũng nghĩ về cảm giác đau buồn, tang thương. Ít ai biết rằng, chính trong những hoàn cảnh đó, niềm hân hoan cứu được một kiếp người của những người “nhặt xác” càng nhân lên gấp bội. Bà Nhiệm là một trong số đó. Bà kể, mỗi lần phát hiện có cháu bé còn sống, bà đều lập tức gọi taxi đưa ngay đến Bệnh viện Nhi Trung ương để cấp cứu. Bà hồi tưởng lại một trường hợp đáng nhớ: “Hôm ấy là ngày 26/9/2011, dù trời đã muộn nhưng tôi vẫn gắng đạp xe trên một tuyến phố ở Hà Nội để đến điểm thu nhận xác thai nhi như mọi lần. Tôi cẩn thận xem xét thì phát hiện thai nhi đó vẫn thở. Ý nghĩ cứu sống được cháu bé lướt nhanh qua đầu, tôi nhấc bé lên và giật mình cảm nhận từng nhịp tim đập. Lúc đó, tôi bối rối không biết làm thế nào, chỉ đành nhìn quanh xem có ai giúp không”.
Không thấy bóng dáng ai đi qua, tâm tư bà Nhiệm rối bời. Đúng lúc đó, bà nhớ đến một người thanh niên tên Bình, vốn thường cùng vợ làm công tác từ thiện. Chính Bình từng dặn bà nếu phát hiện em bé nào còn sống hãy gọi ngay cho mình, phòng khi gọi taxi quá lâu hoặc không có. “Thế là, tôi lần tìm số điện thoại rồi gọi Bình tới trợ giúp. Chỉ ít phút sau, cháu Bình đến. Vừa xuống xe, Bình đã lập tức chạy tới xem xét tình hình. Rất nhanh chóng, Bình và tôi cùng đưa em bé tới Bệnh viện Nhi Trung ương”.
Vào đến nơi, bà Nhiệm vội vã trình bày với các bác sỹ trực và bé ngay lập tức được đưa vào cấp cứu. Ngoài ngoài hành lang chờ đợi, dù chỉ là một người xa lạ, bà vẫn lo lắng, đứng ngồi không yên. Chốc chốc, bà lại chạy ra nghe ngóng, cố nhìn qua cánh cửa xem tình hình các bác sỹ chữa trị thế nào. Sau đó, em bé được nuôi và theo dõi trong lồng kính. Tận đến lúc này, bà Nhiệm và người thanh niêm mới như trút được tảng đá lớn đè nặng, hai người nhìn nhau bằng ánh mắt đồng cảm, san sẻ và tràn đầy niềm vui. Bà bảo: “Khi bác sỹ ra thông báo bé đã qua cơn nguy kịch, tôi vỡ òa sung sướng, giống như nghe tin tốt lành của chính người thân”.
Ngay cả khi em bé đã được an toàn và đồng hồ báo quá nửa đêm, bà Nhiệm và anh Bình vẫn trụ lại bệnh viện. Họ cùng đợi tới sáng để làm thủ tục giấy tờ. Trời sáng, anh Bình là người trực tiếp đi lo các thủ tục. Để được nhanh chóng hơn, anh Bình đã khai mình là người trực tiếp cứu đứa bé, bà Nhiệm là người làm chứng. Bà hoàn toàn đồng ý và còn nhận trách nhiệm trông nom em bé tội nghiệp trong những ngày điều trị tại viện. Suốt hai tháng trời, bà Nhiệm trông nom bé tận tình, ngày nào cũng đến với đầy đủ sữa, bỉm, quần áo… như một người mẹ đích thực. Những lúc không thể có mặt, bà lại để số điện thoại cho các y tá, phòng khi bé cần gì bà sẽ mua tới ngay.
“Những lúc rảnh rỗi, tôi thường đến bệnh viện thăm và chơi với bé. Thấy vợ cứ đi suốt, chồng tôi tỏ ý thắc mắc. Sau khi tường tận mọi chuyện, ông ấy không hỏi thêm nữa, có ngày còn cùng vào viện thăm bé với tôi. Được nhìn thấy cháu bé dần dần khỏe mạnh, nhiều lúc còn nở nụ cười trong trẻo, tôi vui lắm vì biết rằng mình đã cứu sống được một sinh mạng bé nhỏ. Cháu đã không may mắn bị vứt bỏ thì mình dùng tình yêu thương để bù đắp phần nào vậy. Đó cũng cách đem lại niềm vui cho mình”, bà Nhiệm vui vẻ nói.
Kể từ buổi tối cứu sống được hài nhi bị ruồng rẫy đó, bà Nhiệm càng thấy vui và yêu công việc hơn. Nhiều đêm nằm trằn trọc, bà lại nghĩ đến và càng thương cháu bé tội nghiệp. Bà chợt nghĩ rằng tại sao không xin bệnh viện nhận nuôi em. Sáng hôm sau, bà nói ý định của mình với chồng và các con, trong đầu bà đã chuẩn bị nhiều lý lẽ để thuyết phục họ, Không ngờ, cả gia đình bà Nhiệm đồng lòng ủng hộ và động viên tinh thần bà. Như “mở cờ trong bụng” vì được hưởng ứng, bà Nhiệm cấp tốc đạp xe vào bệnh viện để trình bày nguyện vọng. Các y bác sỹ đã rất lắng nghe và tỏ ra cảm kích người đàn bà nhân hậu. Họ tận tình hướng dẫn bà làm các thủ tục, giấy tờ cần thiết để có thể nhận nuôi cháu bé.
Mong có ngày bé gọi tiếng “Mẹ ơi”
Những chiếc tiểu được người làm từ thiện tài trợ. Ảnh TG
Thấy bước đầu thuận lợi, bà Nhiệm cứ ngỡ như rằng ngày được đón bé về nuôi dưỡng đã cận kề. Nào ngờ, khi xem xét giấy tờ cụ thể, các bác sỹ lại lắc đầu bảo bà không thể nhận nuôi em bé. Sở dĩ như vậy là vì trong giấy tờ khai ngày đưa em bé vào cấp cứu, anh Bình mới là người cứu sống bé, trong khi bà chỉ là người làm chứng. Lúc khai, cả bà chỉ muốn nhanh chóng được trở lại phòng chăm sóc bé nên đã cùng anh Bình “hoán đổi trách nhiệm” như vậy. Bà không ngờ rằng điều này lại gây trở ngại trong việc nhận con nuôi. Ngoài ra, khi được yêu cầu một số giấy tờ khác, bà Nhiệm đều không có. Chính vì thế, bệnh viện đã từ chối cho bà nhận nuôi. Sau một thời gian chăm sóc, em bé đã được bệnh viện chuyển vào trại trẻ mồ côi để nuôi dưỡng. Lúc này, bà Nhiệm cảm thấy ân hận vô cùng. Bà vừa thương em vừa tự trách mình lực bất tòng tâm, dù muốn cũng không thể nhận nuôi sinh linh được chính tay mình cứu vớt.
Nhớ lại cuộc trò chuyện cùng các bác sỹ, bà Nhiệm bộc bạch: “Lúc các bác sĩ bảo cần xem những giấy tờ xác minh việc tôi là người đã nhặt và đưa em bé vào viện cấp cứu, tôi cứ ngỡ rằng mọi chuyện coi như đã xong xuôi. Nào ngờ, sau khi xem xét, các bác sỹ lại không đồng ý. Ban đầu, tôi tiếc lắm, giá như ngay từ ban đầu đã khai bản thân là người nhặt được cháu bé. Nếu vậy, rất có thể cháu bé đang ở cùng tôi, là một đứa con của tôi. Nhưng nghĩ lại, việc phát hiện và cứu sống được bé đã là cơ duyên hiếm có mà trời ban cho tôi và cháu bé”.
Những ngày sau đó, bà Nhiệm vẫn thỉnh thoảng đến trại mồ côi để thăm bé. Bà yên lòng hơn khi nhìn thấy em sống khỏe mạnh, vui vẻ. Nhiều người hiểu lòng bà đã an ủi và nói, bà là người mẹ thứ hai có công tái sinh cháu bé, chỉ thế thôi đã là quá đủ nên đừng băn khoăn thêm nữa. Mấy năm sau, khi em bé ngày nào đã chập chững biết đi, bà có hỏi thăm thì được biết bé được một gia đình người nước ngoài nhận làm con nuôi; các thủ tục, giấy tờ đã hoàn thành và chỉ vài ngày sau là sẽ đi. Cũng từ đó, bà Nhiệm chưa có cơ hội gặp và thăm bé. Bà bảo, cảm giác trong lòng giống như một người mẹ phải xa con lâu ngày không được gặp. Bà thường tự nhủ đó là số phận, là tương lai của bé. Dẫu vậy, bà vẫn mong mỏi sẽ có ngày được gặp lại để nghe một tiếng gọi: “Mẹ ơi…!” thật to.
Đáng tiếc, đó là câu chuyện vui hiếm hoi trong những ngày làm nghề “nhặt xác” hài nhi của bà Nhiệm. Bà chia sẻ, đã chục năm làm công việc này, nhưng lần nào bà cũng buồn, cũng thương những hài nhi xấu số như lần đầu tiên. Bà thương chúng đến mức không dám tự ý nghỉ một ngày trong suốt 10 năm dài, trừ phi lúc đau ốm hoặc có việc chẳng thể dừng. Bà sợ, trong ngày nghỉ đó, sẽ có một em bé không được “ấm áp” về với đất mẹ; hoặc biết đâu, một hài nhi phải lìa bỏ sự sống chỉ vì những bước chân đến muộn của mình. Còn khi chán nản, tuyệt vọng, bà lại nhớ tới những cảm xúc mãnh liệt trong đêm cứu sinh linh bé ấy để tìm lại động lực, để tiếp tục làm phần việc lặng lẽ, phải chịu nhiều nghi ngại nhưng vô cùng ý nghĩa này…
Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, bà Nhiệm chép miệng bảo: “Ở đời, mỗi người sinh ra đều là một điều may mắn. Ai cũng có quyền được sống, được yêu thương. Các em bé bị bỏ rơi, bị đấng sinh thành vứt vội với thái độ sống chết mặc bay thật quá đáng thương. Ước gì…”.