Nhắc đến vùng đất Trà Bát (nay là làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) giới khảo cổ vật miền Trung đều phải lắc đầu ngao ngán.
Đây không chỉ là nơi khởi nguồn câu chuyện hi hữu về đoàn chuyên gia gồm Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Trị cùng 4 nghệ nhân đúc tượng bị dân làng bắt trói giữa đồng trống chỉ vì tội "mạo phạm" báu vật thiêng không xin phép, mà còn thách thức bất kỳ ai có ý định "khai quật" những bí ẩn chất chứa trong lòng nó...Vậy sự thực vùng đất này có gì bí ẩn mà khiến người ta phải nể sợ như vậy?
Ngôi "hắc miếu" thờ "Ngài"cọp đen và vị dũng tướng khuyết danh
"Ngài" đi đi, lại lại ba vòng trước đình rồi từ từ tiến về phía xác chết. Tưởng là dã thú đói mồi về ăn xác chết, nên người làng mặt ai nấy đều tái mét, chia nhau tìm vũ khí phòng thân. Đáp lại, "ngài" chỉ giương cặp mắt đen láy về phía đám đông như biểu lộ sự biết ơn. Khoảng chừng một canh giờ thì "ngài" rống lên một tiếng thảm thiết, rồi nằm phủ phục trên thi hài vị võ tướng. Toàn thân "ngài" phủ lên, che kín hết phần thi thể như bao bọc che chở cho "người bạn" của mình. Không lâu sau, những tiếng thở phì phò của "ngài" cũng dứt hẳn...", câu chuyện đầy tính chất huyền bí đó vẫn được dân làng kể cho con cháu nghe mỗi khi nhắc đên ngôi "hắc miếu" thờ "ngài"cọp đen và vị dũng tướng khuyết danh được thờ ở đây.
Dù đã được bác Mai Trường Mạnh (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Trị) "cảnh báo" về những khó khăn sẽ phải gặp trong chuyến công tác xuống làng Trà Liên, nhưng với quyết tâm một lần được đặt chân đến vùng đất khởi nghiệp của vương triều nhà Nguyễn, chúng tôi vẫn phấn chấn lên đường.
Tuy nhiên, làng Trà Liên gần hơn nhiều so với tưởng tượng của chúng tôi. Từ trung tâm TP. Đông Hà xuôi dọc theo quốc lộ 1A chừng gần chục cây số, băng qua cánh đồng lúa xanh mướt đang thời "dậy thì" chúng tôi đã có mặt trước cổng đình làng Trà Liên.
Khác với những dự cảm chẳng lành về chuyến đi, người dân Trà Liên đôn hậu và mến khách đến lạ! Biết những vị khách phương xa muốn về tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa của làng, các bậc bô lão đã ra tận cửa đình đón chúng tôi.
Dẫn chúng tôi tham quan một lượt kiến trúc văn hóa tiêu biểu nhất của làng, từ những vết tích còn lại của Dinh Trà Bát - thủ phủ một thời của vương triều nhà Nguyễn cho đến bức tượng đồng Thái phó Nguyễn ư Dĩ, vị quan nổi tiếng đã hóa "Phật" trong lòng dân. Tuy nhiên, khi được chiêm ngưỡng toàn cảnh kiến trúc ngôi đình làng Trà Liên, chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên.
Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên không phải là sự bề thế, uy nghi mà chính là "gu" kiến trúc rất lạ của các bậc tiền nhân nơi đây. Gần như tất cả đình, chùa, miếu mạo ở Việt Nam đều đặc biệt ưa chuộng tính đối xứng trong kiến trúc. Nhưng đình làng Trà Liên được xây dựng theo lối rất riêng của mình.
Chính giữa vẫn là ngôi đình tam gian, tứ hạ trước có tấm bình phong được chạm khắc hoa văn cổ. Nhưng ở hai bên lại có một sự bài trí khá lạ mắt. Phía hữu ngạn là hai ngôi miếu thờ nhưng ở phía tả ngạn chỉ có duy nhất một ngôi miếu thờ. Mặc dù kích cỡ, kiến trúc của cả ba ngôi miếu này đều hoàn toàn giống nhau.
Như nhận biết được băn khoăn trong lòng chúng tôi, cụ Nguyễn Cầu (88 tuổi, trưởng tộc Nguyễn Công, làng Trà Liên) mở lời: "Không phải riêng các cô, các chú mà hầu như bất kỳ ai đến thăm viếng đình làng Trà Liên đều thắc mắc về lối kiến trúc độc đáo này. Tuy nhiên, sự thật thì cũng chẳng có gì to tát, cái sự lạ này bắt nguồn từ một điển tích huyền bí từ xưa...".
Ngôi “hắc miếu” hiện tại.
Những bí ẩn quanh cái chết của vị dũng tướng khuyết danh
Nhấp ngụm chè xanh đặc quánh cho "đã" khát, cụ Cầu tiếp tục giải thích: "Đình làng xưa tên gốc là Trà Bát, mãi sau này mới đổi lại là Trà Liên. Thời nhà Nguyễn để ghi nhớ công trạng của các vị tiền hiền, các bậc hiền minh có công lao với vùng đất Trà Bát, người dân trong làng đã góp công, góp sức xây dựng một ngôi đình ở vị trí trung tâm của làng làm nơi thờ phụng. Đình ban đầu cũng làm theo lối tam gian, tứ hạ nhưng là đình tranh. Phía hữu ngạn có hai ngôi miếu thờ hai vị tiền hiền của làng là Nguyễn Quý Công và Cao Quý Công. Phía tả ngạn chỉ có một ngôi miếu, không phải là miếu thờ người, mà là nơi thờ tự "ngài" cọp đen".
Cụ Cầu kể tiếp: "Nguyên là vào năm Canh Dần, không biết từ đâu có một người cao lớn chạy tới vùng đất Trà Bát, khi đến cạnh đình làng thì kiệt sức ngã xuống. Người dân đang làm đồng ở gần đó nhìn thấy, nhưng khi chạy tới nơi thì người đó cũng vừa trút hơi thở cuối cùng, chẳng kịp trăng trối điều gì. Nhìn trang phục người đó mang trên mình, các bậc bô lão trong làng đoán biết người này rất có thể là một vị võ tướng.
Luật lúc đó quy định, có người chết không rõ nguyên nhân phải báo triều đình nên lý trưởng, hương sự của làng vội cử người lên báo tin cho quan trên. Tuy nhiên, theo lệ làng thời đó, khi có người chết trong khuôn viên của đình các bô lão trong làng phải làm lễ tế, cúng bái cho hương hồn người quá cố trong vòng ba ngày, ba đêm.
Đúng vào đêm thứ ba, đêm cuối cùng, khi tất cả các bậc cao niên trong làng tề tựu đông đủ ở sân đình Trà Bát để làm lễ tế cho vong linh người chết siêu thoát thì bỗng đâu một con cọp đen tuyền, lừng lững xuất hiện trước cổng đình. "Ngài" đi đi, lại lại ba vòng trước đình rồi từ từ tiến về phía xác chết. Tưởng là dã thú đói mồi về ăn xác chết, nên người làng mặt ai nấy tái mét, chia nhau tìm vũ khí phòng thân.
Cụ Nguyễn Cầu, trưởng tộc Nguyễn Công.
Tuy nhiên, "ngài" không mảy may có ý định tấn công dân làng mà chỉ quanh quẩn bên thi hài người đã khuất, chốc chốc lại giương cặp mắt đen láy về phía đám đông như biểu lộ sự biết ơn. Khoảng chừng một canh giờ thì "ngài" rống lên một tiếng thảm thiết, rồi nằm phủ phục trên thi hài vị võ tướng. Toàn thân "ngài" phủ lên, che kín hết phần thi thể như bao bọc che chở cho "người bạn" của mình. Không lâu sau, những tiếng thở phì phò của "ngài" cũng dứt hẳn".
Cũng phải tới khi đã định thần hẳn và được võ trang đầy đủ, dân làng mới dám đến gần. Tuy nhiên, lúc những trai tráng gan dạ nhất trong làng tiến đến chỗ người và cọp đang nằm thì mới phát hiện "ngài" đã ngừng thở từ bao giờ. Phân vân, đắn đo một hồi lâu nhưng người làng vẫn không thể nào lý giải được sự tình vừa xảy ra, cũng chẳng biết phải xử trí việc này như thế nào? Bàn bạc một hồi lâu, người làng quyết định tới hỏi ý kiến cụ Hương Chánh (nguyên là hương trưởng của làng Trà Bát -PV).
Giải mã huyền tích về "hắc miếu"
Cụ Hương Chánh lúc đó đã gần một trăm tuổi, không đi lại được nhưng trí nhớ vẫn còn rất minh mẫn. Nghe các vị chức sắc trong làng tường thuật lại sự việc, cụ Hương Chánh liền kể cho mọi người nghe câu chuyện về đạo sĩ ẩn cư đã lâu ở phủ Thừa Thiên. Cụ cho biết, mấy chục năm trước có một vị đạo sĩ tinh thông võ nghệ lại còn có biệt tài xem phong thủy, tuy nhiên do bất mãn với thời cuộc mà quyết định ẩn cư trên dãy Bạch Mã.
Vị đạo sĩ chỉ có duy nhất một đệ tử chân truyền, một chàng thanh niên tuấn tú, có sức vóc hơn người. Nghe nói đó chính là cậu bé năm xưa được vị đạo sĩ nhặt trước cổng chùa Minh Long. Lúc đó, cậu bé vừa mới lọt lòng nên luôn miệng khóc thét đòi sữa. ở trên núi cao không tìm đâu ra được người cho sữa, vị đạo sĩ nọ bèn nghĩ ra một cách.
Lợi dụng lúc trời tối, đạo sĩ lén đem cậu bé tới "bú" sữa của một con... cọp cái đang nuôi bầy hổ con mới đẻ ở một hang núi gần đó. Điều kỳ thú là hổ mẹ không xé xác "sinh vật lạ" mà còn cho bú sữa, ủ ấm cho cậu bé ngủ đến sáng. Điều ngạc nhiên hơn nữa là cậu bé bú, mớm no nê lại lăn ra ngủ ngon lành mà không hề la khóc.
Năm tháng qua đi, cậu bé lớn lên nhờ bầu sữa của con cọp cái tốt bụng. Và trong số bầy cọp con, một chú có màu lông đen tuyền rất hiếm. Điều lạ nữa là con cọp đen này và cậu bé lại luôn quấn quýt bên nhau không rời. Đôi bạn một người, một hổ lớn lên bên nhau thân thiết như hình với bóng. Cậu bé sau này được sư phụ truyền hết võ nghệ, rồi tham gia nghĩa quân trở thành một vị dũng tướng vô song. Nhưng kể từ đó, mọi tin tức về đôi bạn đặc biệt này cũng không ai hay biết nữa...
Cụ Hương Chánh cho rằng, có thể thi hài kia chính là vị dũng tướng năm xưa biết mình sắp chết nên muốn tìm về chốn xưa thăm "bạn" lần cuối, nhưng sức cùng lực kiệt nên chết trên đường đi. Có lẽ linh tính mách bảo nên "ngài" cọp đen đã "xuất sơn" tìm đến đây để tiễn biệt "bạn". Nghe cụ Hương Chánh nói vậy, người làng Trà Bát đều nhất quán cho rằng, "nghĩa tử là nghĩa tận" bèn đem cả người lẫn hổ chôn chung vào một ngôi mộ, rồi lập miếu suy tôn là Hắc hổ oai linh Đại tướng quân Trung bản điền, hàng năm đều làm giỗ chạp đàng hoàng.