Nhiều bạn trẻ giờ đây không chấp nhận bó buộc bản thân vào những quan niệm cũ như "phải sinh con nối dõi", "phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng (?!)"... Có quá nhiều thứ khác để lựa chọn, không cần phải đánh đổi, để hướng tới cuộc sống tự do tự tại nhất.
Rời công ty về nhà lúc 9h tối, Ngọc Trâm (29 tuổi) kiệt sức, uể oải. Cô lên ứng dụng gọi đồ ăn rồi nhanh chóng vệ sinh cá nhân và đi ngủ. Chuỗi ngày đó lặp đi lặp đi suốt nhiều năm nay khi cô được cất nhắc lên vị trí trưởng nhóm truyền thông của một công ty hoạt động trong ngành Marketing.
Với mục tiêu đạt được những thành quả lớn hơn trong công việc, Trâm chưa nghĩ đến việc kết hôn và sinh con mặc dù bạn bè cùng tuổi đã đủ nếp đủ tẻ. Mặc cho gia đình thúc giục, Trâm vẫn kiên quyết cho rằng cuộc sống độc thân hiện tại rất tốt, có thời gian dành cho bản thân.
“Thời gian ở công ty, gặp khách hàng đã chiếm hết thời gian rảnh của mình rồi. Được ngày nghỉ hiếm hoi thì mình đi du lịch với bạn bè, về thăm bố mẹ hoặc ngủ bù cho những ngày mệt mỏi. Mình cũng không có thời gian để hẹn hò nói gì đến việc kết hôn, sinh con” - Trâm chia sẻ.
Nhiều cô gái trẻ lựa chọn độc thân vì không muốn bị ràng buộc
Để ngoài tai những lời trách mắng từ mẹ, rằng đã ngoài 30 rồi mà vẫn không lo chuyện chồng con, Hà Nhi không đáp lại mà chỉ cười trừ cho qua. Tốt nghiệp chuyên ngành Quan hệ quốc tế, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ - chuyên bảo vệ động vật và vùng hoang dã trên toàn thế giới, Nhi đã quyết định sẽ tham gia vào công tác bảo tồn động vật tại Kenya.
Với cá tính mạnh mẽ, mang một tâm hồn tự do phóng khoáng, Nhi nói cô sẽ dành cuộc đời mình để làm những điều có ích. “Mình cũng đã từng yêu, nhưng người bạn đó và mình không cùng quan điểm sống. Hiện tại mình đang cố gắng để sớm qua Kenya làm việc trước đã, còn việc sinh con, lấy chồng thì tạm thời đành phải xin lỗi mẹ trước vậy” – Hà Nhi vừa cười vừa kể câu chuyện của mình.
Hai cô gái trên chỉ là số ít trong hàng nghìn, hàng triệu thanh niên thế hệ Y (Gen Y hay hay Millennials - những người được sinh ra từ năm 1981 đến 1996). Đây là thế hệ lớn lên vào thời kỳ công nghệ có nhiều bước chuyển mình đột phá, đồng thời cũng là giai đoạn mà ngành viễn thông và các nền tảng đa phương tiện phát triển vượt bậc. Họ có "hàng tá" thế giới ảo trên mạng xã hội để trải nghiệm, hàng đống tài khoản hẹn hò online thay vì ràng buộc bản thân vào một mối quan hệ duy nhất.
Bên cạnh đó, họ cũng muốn vừa làm việc vừa có thể thực hiện những điều mình mơ ước (như cô gái Hà Nhi theo đuổi lý tưởng: "dành cả cuộc đời để làm điều có ích"), vượt ra ngoài khuôn khổ những quan niệm cũ như con gái đến tuổi là phải xuất giá tòng phu, sinh con nối dõi cho gia đình chồng...
Những người thuộc Gen Y ngày càng không hứng thú với hẹn hò, hôn nhân, con cái, có độ tuổi lập gia đình ngày càng muộn hơn. Xu hướng này sẽ tiếp diễn ở những thế hệ tiếp theo.
Với tỉ lệ sinh gần như thấp nhất thế giới, thông qua các cuộc khảo sát, một bộ phận phụ nữ Hàn Quốc bày tỏ quan điểm không muốn sinh con. Một số khác thậm chí không có ý định kết hôn. Xã hội Hàn Quốc vốn được biết đến là môi trường khá khắc nghiệt, khó tìm việc làm, chi phí ở các thành phố lớn cao khiến cho áp lực cuộc sống ngày càng nặng nề. Thậm chí, tại đây còn xuất hiện một hiện tượng mới gọi là "Thế hệ Sampo". Từ Sampo có nghĩa là "từ bỏ 3 điều": tán tỉnh, kết hôn và nuôi dạy con cái.
Tại Anh – một quốc gia phát triển khác ở Châu Âu cũng có tỉ lệ sinh thấp ở mức kỉ lục, ghi nhận số lượng phụ nữ dưới 30 tuổi có con ở mức thấp chưa từng có, kể từ năm 1938. Nguyên nhân dai dẳng cũng xuất phát từ vấn đề tài chính và các vấn đề liên quan đến sinh hoạt phí.
Tại Hàn Quốc, số lượng trẻ sơ sinh chào đời đang tiếp tục giảm do thế hệ trẻ ngại kết hôn và sinh con. Ảnh: Reuters.
Không khó để gặp được những bạn trẻ có tư tưởng ngại yêu, lười kết hôn như vậy trong xã hội hiện nay. Hầu hết đều lo sợ gánh nặng tài chính và áp lực trách nhiệm, trong khi một số khác theo đuổi chủ nghĩa độc thân.
Ngọc Trâm cho rằng khi sinh con thì mức độ phát triển của mình trong công việc sẽ gặp trở ngại. Trâm khẳng định mỗi người sẽ có một mục tiêu riêng trong cuộc đời. Để không trở thành một người mẹ vô trách nhiệm, cô chọn cách sống độc thân vui vẻ. Đối với cô gái này, tài chính không phải là vấn đề lớn: "Mình đang trên đà phát triển trong sự nghiệp, muốn làm nhiều thứ lớn lao hơn hiện tại. Việc kết hôn, nghỉ sinh sẽ làm mình mất một khoảng thời gian chăm con và nghỉ thai sản, lúc quay lại làm việc, bản thân mình có thể sẽ bị thụt lùi với đồng nghiệp."
Ngoài ra, Trâm mong muốn được hưởng thụ nhiều hơn. Cô thích đi du lịch và đã đi nhiều nước ở châu Á. Trâm cho biết, khi giao thông được hồi phục sau dịch, cô sẽ dành nhiều thời gian khám phá các nước châu Âu, châu Mỹ. Cô gật gù: "Cuộc đời thế là sướng rồi!".
Giống như Ngọc Trâm, Hoàng Nam (27 tuổi) – nhân viên hành chính nhân sự tại một công ty nội thất tại quận 2, TP.HCM cũng có suy nghĩ không vội kết hôn. Gánh trên vai áp lực nặng nề vì còn phải chăm lo cho cha mẹ già ở quê, Nam chưa thể đến nghĩ việc lập gia đình riêng.
Hoàng Nam cho biết anh rất ổn khi độc thân. Ảnh do NVCC.
Học đại học và ra trường muộn hơn bạn bè, Nam khó khăn lắm mới tìm được một công việc có mức lương ổn, phù hợp với nhu cầu của bản thân. Nhiều lần anh từng muốn về quê làm việc nhưng không có nhiều cơ hội tốt nên vẫn tiếp tục trụ lại thành phố. Không dư dả về tài chính, em gái đang học đại học, Nam phải cố gắng chắt chiu từng đồng để hỗ trợ gia đình nuôi em ăn học.
Nam nói: “Lướt facebook nửa tiếng thôi mà thấy ai cũng bỉm sữa, đăng bài về cách chăm con chăm vợ sau đẻ mà mình cảm thấy muốn “sang chấn tâm lý”. Phải ẩn bớt đi vì không muốn ảnh hưởng đển bản thân. Mình chưa sẵn sàng cả về tài chính lẫn tinh thần”.
Không ít bạn trẻ hiện cũng tuyên bố không muốn lên chức cha mẹ dù đã xấp xỉ 30 tuổi, và xung quanh họ, bạn bè cùng trang lứa đều đã con cái đề huề. Một cô gái chia sẻ tâm sự trong một hội nhóm facebook có nhiều người đã làm cha mẹ: "Mình chưa thể cáng đáng được trách nhiệm của người làm cha làm mẹ khi mà ngay cả những vấn đề trong cuộc sống riêng tư mình còn chật vật để giải quyết. Làm thế nào để nuôi dạy con mình thành người tử tế mình thật sự không nghĩ ra được. Chỉ khi nào mình đủ trưởng thành mình mới sinh con. 28 tuổi đối với nhiều người thì đó là độ tuổi trưởng thành nhưng với mình, trưởng thành không đong đếm bằng con số".
Ca sĩ Khởi My cùng chồng là Kelvin Khánh cũng từng chia sẻ với báo chí về quyết định không muốn sinh con vì cảm thấy cuộc sống hiện tại đã rất hạnh phúc.
Ở Việt Nam, tỉ lệ sinh con tại các thành phố lớn thấp hơn tại các vùng nông thôn. Cuộc sống tại đô thị khiến các ông bố, bà mẹ phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn cho việc giáo dục con cái. Bên cạnh đó, áp lực và những ràng buộc về mặt trách nhiệm khiến cho nhiều người trẻ sợ phải lập gia đình.
Tuy đã kết hôn 5 năm nhưng vợ chồng anh Hoàng Duy (làm nghề nhiếp ảnh tự do, sinh sống tại Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn chưa có kế hoạch sinh con. Anh và chị đều không thể dứt ra khỏi công việc, không sắp xếp được nguồn lực để có thể đón một đứa trẻ chào đời.
“Lương mình bây giờ không thể nào nuôi con được. Nếu sinh con ra mà không lo được thì tội nghiệp đứa nhỏ. Thời buổi bây giờ không giống như ngày xưa, chăm sóc và giáo dục trẻ con cần quá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Mình cũng không muốn sinh con rồi đưa về quê vì như vậy con mình khó tiếp nhận được những dịch vụ về giáo dục và y tế tốt nhất. Đến đâu hay đến đó, mà nếu có thì chắc sinh 1 đứa thôi” - nhiếp ảnh gia tự do chia sẻ.
Chi phí nuôi con trung bình trong 5 năm đầu đời của một cặp vợ chồng ước tính từ khoảng 5 đến 7 triệu đồng/tháng đối với những gia đình có thu nhập trung bình khá (số liệu mang tính tham khảo). Đó là chưa kể những dịch vụ phát sinh về giáo dục ở giai đoạn này, khi mà trẻ em thành thị ngày càng được đầu tư phát triển năng khiếu từ rất sớm. Học đàn, học hát, học ngoại ngữ từ 4, 5 tuổi không còn là chuyện quá đặc biệt.
"Hai vợ chồng tổng thu nhập hơn 40 triệu một tháng nhưng chi tiêu đã hơn một nửa. Phần còn lại phải chia ra vừa tiết kiệm, vừa để phòng thân lúc ốm đau, còn đầu tư cho công việc nữa. Mình phải có dư mới dám sinh con, chứ bây giờ chỉ sống vừa đủ thôi. Bây giờ con nít sinh ra phải đầu tư học hành, không những chăm sóc sức khỏe mà còn phải chú trọng đến tinh thần. Bạn bè mình có người chỉ lo làm việc, không phát hiện được con mắc chứng tự kỷ từ sớm, bây giờ thì việc chữa trị cũng khó khăn". - chị Mỹ Hạnh (nhân viên kế toán tại TP Thủ Đức) chia sẻ.
Ngoài những lý do trên, không hiếm trường hợp là những cô gái trẻ gặp ám ảnh về việc sinh con vì sợ xấu, sợ đau. Những người này nhận định, có thể bản thân có phần ích kỷ nhưng “thẳng thắn với bản thân cũng là có trách nhiệm với cuộc đời một đứa trẻ” - họ không ngần ngại bày tỏ quan điểm.
Ông Phan Quang Thịnh, Trưởng dự án Khảo sát đời sống Hôn nhân Gia đình đô thị tại Việt Nam cho biết, chỉ có 25% các gia đình được khảo sát cảm thấy cuộc sống hôn nhân gia đình của mình rất hạnh phúc. Trong khi đó, ý kiến cảm thấy cuộc sống gia đình bình thường, không có gì đặc biệt chiếm tới 32%.
Theo thống kê của ngành Tòa án, nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ ly hôn thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ; đến năm 2010, con số này lên tới 126.325 vụ. Người vợ đứng đơn ly hôn gấp hai lần so với người chồng. Số năm sống trung bình trước khi ly hôn của các cặp vợ chồng là 9,4 năm, riêng ở các khu vực nội thành của các thành phố lớn, chỉ 8 năm.
Về nguyên nhân ly hôn, có 4 nguyên nhân lớn thường được đề cập: mâu thuẫn về lối sống (27,7%), ngoại tình (25,9%), kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%) (Theo kết quả điều tra gia đình Việt Nam năm 2006 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Chứng kiến ngày càng nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ của các cặp đôi xung quanh mình, niềm tin vào cuộc sống gia đình, hôn nhân của không ít bạn trẻ bị suy giảm mạnh. Họ từ chối "giẫm chân" vào vết xe đổ đó và tin rằng: độc thân là lựa chọn tốt nhất.
4 nguyên nhân lớn thường được các cặp vợ chồng đề cập khi lý giải cho quyết định ly hôn (Theo kết quả điều tra gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2006).
Sau đại dịch Covid-19 và thời gian giãn cách kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động có xu hướng gia tăng. Không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh, sinh viên mới ra trường gặp khó khăn khi tìm việc... Điều này đã tác động lớn đến thói quen chi tiêu và ảnh hưởng đến kế hoạch sinh sản của nhiều hộ gia đình, khi phải đối mặt với tình trạng tài chính không ổn định.
Một mặt, xu hướng giới trẻ lười kết hôn, sinh con có thể gây ra những hệ lụy xã hội, nhưng mặt khác, suy nghĩ cẩn trọng trong việc sinh con cũng là một điểm sáng trong sự phát triển chung của chất lượng dân số. Số trẻ em sinh ra ít hơn, có tính toán kỹ hơn đồng nghĩa với việc trẻ nhận được nhiều sự chăm sóc, giáo dục và quan tâm hơn, tương lai sẽ có cơ hội phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, xã hội cũng giảm thiểu những vấn nạn liên quan đến trẻ em như suy dinh dưỡng, thất học, đời sống tinh thần của trẻ được nâng cao.