Liên quan đến vụ việc "bầu show" tại Mỹ nộp đơn ly hôn Đàm Vĩnh Hưng, theo luật sư, tại Việt Nam đã có quy định rõ ràng về thủ tục ly hôn, chia tài sản với Việt kiều Mỹ.
Thủ tục ly hôn, chia tài sản với Việt kiều Mỹ?
Như Dân Việt đã thông tin, "bầu show" nổi tiếng Liên Phạm đã nộp đơn ly hôn ông Huỳnh Minh Hưng (tức ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) lên tòa án quận Cam, bang California, Mỹ, vào tháng 8/2021.
Theo nội dung trong đơn ly hôn, cả hai kết hôn vào ngày 13/6/2004, ly thân ngày 22/2/2018.
Giữa nam ca sĩ và vợ cũ không có con chung và không phân chia tài sản. Hiện tại, đơn ly hôn của "bầu show" Liên Phạm đã được giải quyết.
Bà Liên Phạm đã nộp đơn ly hôn Đàm Vĩnh Hưng. Ảnh: P.T.U.
Liên quan đến việc này, luật sư Bùi Quốc Tuấn - Trưởng văn phòng LS Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, thủ tục ly hôn giữa người Việt Nam với Việt kiều Mỹ hay người nước ngoài đã được quy định rõ ràng theo điều 127 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Cụ thể:
Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam
Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Trưởng văn phòng LS Quốc Tuấn phân tích pháp lý xung quanh thủ tục ly hôn, chia tài sản với Việt kiều Mỹ nhìn từ vụ ly hôn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, trình tự, thủ tục giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài có hai trường hợp, một là hồ sơ ly hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam gồm giấy chứng nhận kết hôn: Giấy chứng nhận kết hôn bản gốc; Giấy khai sinh của các con; Giấy tờ của bên có quốc tịch Việt Nam gồm: Bản sao chứng thực CMND, bản sao chứng thực hộ khẩu; Giấy tờ của bên có quốc tịch nước ngoài gồm: Bản sao hộ chiếu hoặc visa đã được hợp pháp hóa lãnh sự, đơn xin được vắng mặt trong toàn bộ quá trình giải quyết ly hôn tại tòa án Việt Nam đã được hợp pháp hóa lãnh sự; Đơn xin ly hôn, đơn xin ly hôn do bên không có quốc tịch Việt Nam làm và thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự rồi chuyển về cho bên có quốc tịch Việt Nam ký. Về tài sản chung và con chung hai bên có thể tự thỏa thuận giải quyết hay yêu cầu tòa giải quyết và ghi rõ trong đơn xin ly hôn. Hai là, hai bên có nơi thường trú chung ở nước sở tại thì có thể yêu cầu cơ quan cấp có thẩm quyền nước sở tại giải quyết. Sau đó có thể tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật Việt Nam để yêu cầu công nhận việc ly hôn đã được tiến hành ở nước ngoài. |
"Đây là vụ việc ly hôn đơn phương từ bà Liên Phạm, không có con chung, không có tranh chấp về tài sản chung. Tòa án sẽ đưa ra quyết định công nhận cho ly hôn đơn phương giữa bà Liên Phạm và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
Theo tìm hiểu của tôi qua đồng nghiệp bên Mỹ, California là "tiểu bang community property", tức là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân được xem là tài sản chung của vợ chồng", ông Tuấn nói.
Theo vị luật sư, việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và bà Liên Phạm ly hôn bên Mỹ do luật bên đó quy định giải quyết.
Còn ở Việt Nam, chưa có bất cứ sự kiện pháp lý nào phát sinh để các cơ quan tố tụng tại Việt Nam giải quyết. Tuy nhiên tính chất pháp lý này cũng sẽ ảnh hưởng đến các đương đơn về sau này, nhiều vấn đề phát sinh.
Luật sư Cường phân tích xung quanh thủ tục ly hôn, chia tài sản với Việt kiều Mỹ nhìn từ vụ ly hôn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
Cùng quan điểm về vụ việc, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng LS Chính Pháp cho rẳng, trong quan hệ hôn nhân có các vấn đề liên quan là tình cảm, con chung và tài sản chung.
Về nguyên tắc là khi giải quyết ly hôn, hai vợ chồng có con chung chưa thành niên thì tòa án sẽ xem xét giải quyết trách nhiệm nuôi con sau khi ly hôn.
Còn đối với vấn đề tài sản chung thì vợ chồng tự thỏa thuận với nhau về việc phân chia, nếu không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì tòa án sẽ giải quyết.
Bên cạnh đó, pháp luật các quốc gia đều có những quy định về các vấn đề tình cảm, con chung và tài sản chung vợ chồng.
Khi vợ chồng ly hôn mà có yêu cầu tòa án giải quyết chia tài sản chung thì khi đó tòa án mới chia tài sản chung vợ chồng và các đương sự phải nộp án phí với nhà nước.
Còn trường hợp hai vợ chồng tự thỏa thuận về việc phân chia tài sản khi ly hôn thì tòa án sẽ không thụ lý giải quyết vấn đề này.