Malaysia muốn Hội đồng Bảo an tổ chức một phiên tòa quốc tế để xét xử thủ phạm đã bắn rơi máy bay MH17 bằng tên lửa phòng không Buk.
Ngày 2.7, Malaysia đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức một phiên tòa quốc tế do Liên Hợp Quốc bảo trợ để xét xử những kẻ đã bắn rơi chiếc máy bay chở khách MH17 ở miền đông Ukraine hồi năm ngoái, khiến 298 người thiệt mạng.
Ukraine và nhiều nước phương Tây cáo buộc rằng các chiến binh ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine là thủ phạm bắn rơi MH17 bằng một quả tên lửa Buk. Trong khi đó, Nga cũng cho rằng MH17 đúng là bị một quả tên lửa Buk bắn rơi, nhưng đây là quả tên lửa phiên bản cũ chỉ có quân đội Ukraine sở hữu.
Các điều tra viên quốc tế tại hiện trường MH17 rơi
Ông Gerard van Bohemen, Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng Bảy cho biết: “Malaysia đã báo cáo trước các thành viên hội đồng về kế hoạch trình một nghị quyết liên quan đến vụ MH17. Họ muốn tìm một cơ chế xử lý hình sự đối với những kẻ đã bắn hạ chiếc máy bay”. Quan chức này nói thêm rằng Úc, Hà Lan, Bỉ và Ukraine đã ủng hộ Malaysia trong đề xuất này.
Trong khi đó, một số nhà ngoại giao giấu tên cho biết Nga đã phản ứng và nói rằng đề xuất trên là “quá sớm” và tin rằng Hội đồng Bảo an cần chờ đợi kết quả điều tra chính thức vụ việc từ phía Hà Lan.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hiện có 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết là Nga, Mỹ, Pháp, Anh và Trung Quốc. Nếu đề xuất trên của Malaysia được thực hiện và được đưa ra biểu quyết trước Hội đồng, Nga hoàn toàn có thể dùng quyền phủ quyết của mình để bác bỏ.
Nga cho rằng chính tên lửa Buk của quân đội Ukraine đã bắn hạ MH17. Ảnh minh họa
Hiện Hà Lan là nước chủ trì trong cuộc điều tra đa quốc gia về thảm kịch hàng không MH17, bởi 2/3 số người thiệt mạng trên chiếc máy bay này mang quốc tịch Hà Lan. Ủy ban An toàn Giao thông Hà Lan đã công bố báo cáo sơ bộ về cuộc điều tra nhưng không quy trách nhiệm cho bất cứ bên nào. Bản báo cáo điều tra cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay.
Ông van Bohemen cho biết hiện Malaysia vẫn chưa đệ trình bản dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an. Ông nói: “Tôi hy vọng vấn đề này sẽ được tham vấn kỹ càng trong những tháng tới đây”.