Màn chữa bệnh kỳ quái của 'thánh giáng trần'

Ngày 13/03/2014 09:00 AM (GMT+7)

Khi người bệnh tỏ ý muốn 'thánh' sờ thêm, 'thánh' phán một câu cụt ngủn: 'Xong rồi' hoặc mặt ngó lơ lên trời rồi quay ngoắt đi.

Sau khi được người nhà "thánh" hứa 30 phút, hàng ngàn bệnh nhân kiên nhẫn đợi. Khoảng 1 tiếng sau, "thánh" xuất hiện. Với nét mặt bề trên, giọng quát trịnh thượng, "thánh" làm cho tất cả các bệnh nhân cúi đầu chờ đợi, vì chỉ cần được "sờ" một lần mong bệnh tật tiêu tan nên bị "thánh" nạt nộ bệnh nhân vẫn vui vẻ.

"Thánh đạp thêm con nhát nữa đi"

Rồi "thánh" cũng xuất hiện, "thánh" mặc bộ đồ phông màu vàng, đôi mắt "thánh" lờ đờ có vẻ mệt mỏi, đi bên "thánh" là hai người đàn ông lớn tuổi "tháp tùng". Khi những người bệnh ngồi làm hai hàng, "thánh" không nói không rằng, mắt nhắm mắt mở, tay sờ nhanh như gió vào đầu các bệnh nhân.

Nhiều người tỏ ý muốn "thánh" sờ thêm cũng không được, đôi khi "thánh" quát: "Ngồi đi sờ cho". Ai nghe  được câu đó khuôn mặt cũng tỏ ra hớn hở răm rắp nghe theo. Chúng tôi cũng được "thánh" lướt tay qua tóc, định hỏi vài câu nhưng "thánh" được hai người đàn ông bảo vệ rất chặt nên đành thôi.

Rồi "thánh" đi ra chỗ các bệnh nhân nặng, nơi đó có bao khuôn mặt mòn mỏi đang chờ được "thánh" ban ân huệ. Sau khi đi một vòng rờ cho các bệnh nhân thường, "thánh" đi ra những cái giường tạm bợ ngoài vườn, nơi các bệnh nhân nặng "ăn chực nằm chờ" cả tuần để mong được khỏi bệnh. "Thánh" đứng trước mặt các bệnh nhân, mặt vẫn mệt mỏi và lạnh lùng kiêu ngạo, sờ đầu từng người một. Khi người bệnh tỏ ý muốn "thánh" sờ thêm, "thánh" phán một câu cụt ngủn: "Xong rồi", hoặc mặt ngó lơ lên trời rồi quay ngoắt đi.

Màn chữa bệnh kỳ quái của #039;thánh giáng trần#039; - 1

"Thánh" Quân đang đi sờ để chữa bệnh cho mọi người.

Một người bán nước của nhà "thánh" nói: "Cứ để mặc "thánh" vậy, chẳng phải xin xỏ gì hết, quan trọng là "thánh" sờ cho, không thì thôi. Mọi người đừng nóng lòng, sờ một lần không hết thì ba lần, ai cũng sẽ thôi bệnh". Sau khi đã sờ hết bệnh nhân ngoài vườn, "thánh" vào trong nhà, còn một số người đang nằm la liệt chờ "thánh" ra tay.

Người đàn ông theo sát "thánh" nói: "Ai đau lưng thì nằm xuống "thánh" đạp cho, ai bệnh khác thì ngồi lên "thánh" xoa". Chúng tôi cũng cố chen vào, vì có bệnh đau lưng, nên chúng tôi nằm dài ra đợi. "Thánh" cởi dép giẫm lên lưng tôi ba lần, chúng tôi nghe xương sống mình hình như gần gãy ra, đau nhưng ráng chịu. Những người nằm bên cạnh thì nói như van lơn: "Thánh" Quân đạp thêm chút nữa đi, cho nhanh khỏi bệnh". Dù đứng rất gần, nhưng "thánh" cũng chẳng nói chẳng rằng gì. Lúc đó người đàn ông đi bên cạnh lại nhắc nhở "thánh" là "con đạp thêm cho bà cụ kia vài phát nữa, cụ đấy già rồi". Nghe nói thế, "thánh" quay lại đạp hai phát nữa cho bà cụ trong sự vui mừng tột độ của bà cụ và sự ghen tỵ của những người không được "thánh" đạp thêm phát nào.

Được một lúc khi dòng người còn dài cổ mong ngóng sự "động chạm" của "thánh" thì bỗng dưng "thánh" lăn quay ra ngất tại chỗ. Mọi người lại được một phen nhốn nháo, người nhà bế "thánh" vào sơ cứu, mọi người nhanh chóng bấm huyệt cho "thánh", rồi cho "thánh" uống sữa để "thánh" tỉnh lại. Phải có niềm tin vào "thánh" mới khỏi được bệnh.

Khi "thánh" bị ngất, không thể chữa được bệnh cho ai nữa, mọi người mới lục tục ra về. Những người chưa được sờ, hoặc những người bệnh nặng dù đã được sờ cả chục lần vẫn nán ở lại, tìm nơi nào đó ngủ qua đêm để chờ đến ngày mai "thánh" sờ tiếp. Chúng tôi đến ngồi bên một nhóm người khoảng gần chục người.

Theo quan sát của chúng tôi thì đây là một đại gia đình. Khi được hỏi chuyện, chị Mai Thị T. thật thà nói: "Chúng tôi từ Bình Phước tới, nghe tin "thánh" Quân chữa được bách bệnh mà không lấy tiền, nên vận động tổ chức cho cả nhà đi. Tôi bị bệnh viêm phụ khoa, bà nội, bà ngoại thì đau xương khớp, ông xã đau dạ dày, mấy đứa nhỏ cũng cảm cúm nên tiện thể đưa cả nhà đi. Chẳng mất gì, được thì được không cũng như đi du lịch, cũng được thầy sờ rồi".Chúng tôi hỏi dò chị: "Thế viêm phụ khoa thì thầy sờ ở đâu để chữa bệnh, vì nghe nói đau đâu sờ đó mà?". Chị T. ngại ngần: "Nói vậy, chứ chỉ cần "thánh" sờ đầu là được, nếu "thánh" thật thì bệnh gì chả hết".

Mẹ chồng chị T. ngồi bên cạnh phụ họa theo: "Nói là nói thế, như tôi đây này, đau lưng với đau chân, nhưng "thánh" cũng sờ tóc, chẳng có thời gian mà sờ hết người nên mình đành chịu. Đi chữa bệnh thì phải có niềm tin mới khỏi cô ạ, "thánh" chứ đâu là bác sĩ, nên phải có niềm tin thì sẽ thôi bệnh".

Khi mẹ chồng chị T. đang nói về chữa bệnh bằng "niềm tin", thì cụ ông Nguyễn Văn L. (75 tuổi) ngồi trên xe lăn, miệng méo một bên nhưng cũng ráng chen vào như "củng cố" thêm cho người đối diện niềm tin: "Tôi bại liệt năm năm rồi, chữa khắp các bệnh viện, bệnh viện nào cũng bó tay. Mấy hôm nay con tôi đưa đến nên tôi đỡ đau hơn rồi".

Vừa nói, cụ vừa nhăn nhó cố gắng giơ cánh tay lên như chứng minh bệnh đỡ hơn nhưng cánh tay của cụ vẫn nằm nguyên trên chiếc xe lăn. Phía cuối khu vườn thì có hai mẹ con bà Huỳnh Minh P. quê tận An Giang, bà P.  ôm đứa con gái hơn 30 tuổi, mặt khờ khạo nói cười một mình. Khi chúng tôi hỏi vì sao lại không đưa con đến bệnh viện tâm thần mà vào đây, bà P. cho biết: "Con tôi nó bị vậy bẩm sinh, người ta nói là bị quỷ thần nhập nên đưa đến cho "thánh" đuổi ra. Nhưng mà "thánh" không dám gần con tôi, mà chỉ có thầy Ba (một người ăn theo "thánh" chữa bệnh) này mấy hôm nay ra chiêu nên nó cũng biết nghe lời đôi chút".

Khi người mẹ đang nói biết nghe lời đôi chút, thì cô gái khờ khạo cười hé hé, gật đầu rồi lắc đầu, cơm ăn rớt hết cả ra ngoài. Người mẹ dỗ dành: "Ăn đi con, ngoan đừng quậy má nữa".

Như nghe người nhắc tên mình, một người đàn ông tự xưng là "tướng Ba" đến bên cô gái, đưa tay xoa vai cho cô gái rồi bảo: "Ta đã nói rồi đó nghe, con phải nghe ta, không được phá phách nữa, ngồi im là ta thương. Người này bị con quỷ nó ám, "thánh" Quân không dám gần, giao lại cho ta. "Thánh" Quân trời ban xuống làm vua, ta là tướng. Trời sai ta xuống đây cai quản và giúp đỡ thần dân hạ giới, ta làm cho quỷ ma không ám vào người ai nữa".

"Tướng" phán với cô gái xong, "tướng" lại đến bên ông Nguyễn Văn L. ra tay "tung chưởng" như các giang hồ hiệp sỹ trong phim Trung Quốc, vừa "truyền nội công" cho cụ L. vừa nói: "Khi đến đây thì tay chân co lại, giờ đỡ biết bao nhiêu, là ta đã truyền sức mạnh cho". Nhưng khi thấy "truyền sức mạnh" cho cụ L. chẳng thấy hiệu nghiệm, vì cụ L. vẫn kêu đau, "tướng Ba" lại ngồi dùng phương pháp xoa bóp của trần gian, vừa xoa bóp, vừa nói với cụ L.: "Ta mát xa cho cụ, cụ phải trả công cho ta nhé, ta chỉ lấy mười ngàn thôi".

Khi chúng tôi hỏi "tướng Ba", là "tướng" cũng chữa được bệnh à?, "tướng Ba" hùng hổ nói: "Tôi không chữa bệnh mà là thánh nhập vào chữa, ca nào ma quỷ nhập vào bệnh nhân, "thánh" Quân không làm được là đến tay tôi, tôi làm là xong hết".              

Khốn khổ bấu víu niềm tin

Những bệnh nhân đến chữa bệnh, theo tâm lý, người bệnh nặng bị bệnh viện trả thì họ bấu víu vào niềm tin, đến với "thánh" như là cái phao cuối cùng của cuộc đời. Nếu chữa khỏi thì hạnh phúc, không chữa khỏi thì cũng chẳng hối hận, vì cũng chẳng còn con đường nào mà đi. Còn những người bệnh nhẹ thì đến cho biết, được cũng vui mà không được không sao, chẳng mất tiền nhiều, chỉ mua nước và tấm lòng có bao nhiêu thì "cúng thánh" bấy nhiêu, không có cũng chẳng ai đòi.

"Thánh" mà đổ bệnh thì...  ai chữa?

Bà cụ ngồi bên cạnh tôi buột miệng: ""Thánh" mà cũng mệt nhỉ? Khi người thường bị bệnh thì "thánh" làm phép cho, "thánh" bệnh thì người thường lại làm cho khỏe, sao "thánh" không tự rờ mình cho khỏe nhỉ? Lạ quá". Thấy  tình hình "thánh" đã quá "đuối", người nhà đưa đi đâu đó "nghỉ dưỡng".

Một bệnh nhân "có kinh nghiệm" nói giọng thương xót: "Chắc "thánh" mệt quá nên đưa đi ngủ, còn học bài nữa, mấy lần "thánh" xỉu vì mệt quá. Làm "thánh" cũng khổ cực, người ta bệnh thì "thánh" chữa cho, không biết mai này "thánh" đổ bệnh thì ai chữa?".

Theo Hương Sen - Quyên Triệu (Đời sống & Pháp luật)

Tin liên quan