Bắt cóc trẻ sơ sinh, cướp, đánh bệnh nhân ngay trên giường cấp cứu, hành hung bác sĩ, đập phá bệnh viện, giả danh bác sĩ lừa bệnh nhân, cò mồi, trộm cắp tài sản … là những sự việc từng xảy ra tại nhiều bệnh viện.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “An ninh bệnh viện – Thực trạng và giải pháp” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày hôm qua.
Các chuyên gia nhận định an ninh bệnh viện ở Việt Nam đang thực sự đáng báo động, đặt cả bác sĩ và người bệnh vào tình trạng mất an toàn.
Giáo sư Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong những năm gần đây, tình tạng mất an ninh trật tự bệnh viện không kiểm soát nổi diễn ra ngày càng nhiều, phức tạp.
Báo cáo của PA 83 Công an thành phố Hà Nội tại hội thảo cho thấy, chỉ trong một năm qua, riêng Công an Hà Nội đã xử lý 133 vụ phạm pháp hình sự trong lĩnh vực y tế, quá tải bệnh viện khiến tại bệnh viện xuất hiện tình trạng cò mồi, trộm cắp tài sản, giả danh bác sĩ lừa đảo người bệnh.
Theo GS Dũng, 100% bệnh viện tuyến trung ương và các đô thị lớn đều xảy ra tình trạng mất an ninh trong bệnh viện. Ba hình thức tội phạm chính là Trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; Cò mồi, giả danh bắt cóc trẻ em; Gây rối phá hoại tài sản công cộng. Trong đó, bức xúc nhất là tình trạng bắt cóc trẻ em.
Các bác sĩ tại BV Phụ sản Trung ương vui mừng khi trẻ sơ sinh bị bắt cóc trở về với gia đình
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mất an ninh bệnh viện nhưng các chuyên gia đều nhận định nguyên nhân hàng đầu là do quá tải bệnh viện.
Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học VN, cơ chế hiện hành giao giám đốc bệnh viện quyền tự chủ tài chính nên giám đốc nào cũng muốn thu hút thêm bệnh nhân dù bệnh viện quá tải, trong khi quá tải lại là căn nguyên khiến bệnh viện và bệnh nhân đều mất an toàn.
Ngoài nguyên nhân quá tải gây lộn xộn, Tiến sỹ Trần Tuấn (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng) cho biết hiện nay hệ thống tổ chức của các bệnh viện tại Việt Nam có nhiều điểm không thuận lợi cho việc đảm bảo an ninh trật tự.
“Căn nguyên trực tiếp là sự mập mờ trong quản lý, lẫn lộn công - tư trong bệnh viện công. Một phần do sự thiếu giám sát độc lập, tình trạng độc quyền một mình một chợ và thiếu tôn trọng bệnh nhân của các bệnh viện công”, ông Tuấn cho biết.
Còn Theo GS Dũng, quy trình tiếp nhận bệnh nhân có nơi quá khắt khe, thái độ của y bác sĩ chưa chuẩn mực nhưng có nơi lại quá lỏng lẻo cũng khiến tình trạng mất an toàn bệnh viện càng thêm trầm trọng.
“Trong vài năm trở lại đây đã có hàng chục vụ nhầm lẫn bắt có trẻ sơ sinh gây chấn động xã hội, những hành vi này có dấu hiệu buôn bán trẻ em. Việc quản lý trẻ sơ sinh hiện nay chưa được quan tâm đặc biệt, quy trình xuất viện chưa được kiểm soát chặt, dẫn đến không phải người nhà, không có giấy tờ vẫn có thể đưa trẻ ra khỏi bệnh viện. Đây là cơ hội để kẻ gian lợi dụng bắt cóc trẻ. Trong khi, tại nhiều nơi, nhân viên y tế lại có thái độ, hành động xử lý cấp cứu chậm hoặc sai khiến tình trạng hành hung cán bộ y tế, phá hoại tài sản bệnh viện gia tăng. Đây như một dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng”, GS Dũng cảnh báo.
Tại hội thảo, các chuyên gia khuyến nghị giải pháp để giảm tình trạng mất an ninh bệnh viện là bên cạnh việc giảm quá tải, các bệnh cần xây dựng quy chế hoạt động cho khoa học và giáo dục cán bộ y tế không câu kết khiến nạn cò mồi phát triển.
GS Hùng nhấn mạnh tới vai trò của lãnh đạo bệnh viện và chính quyền địa phương (bởi một mình ngành y không thể làm nổi việc này), đồng thời cần tuyên truyền giáo dục để người bệnh cũng như người thân cùng tham gia vào công tác xây dựng, đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tư bệnh viện, đặc biệt là trong những tình huống xảy ra tai biến y khoa cần bình tĩnh xử trí, không vội vàng ứng xử thô bạo với thầy thuốc.
Được biết, hiện Bộ Y tế đã đưa An ninh trật tự là 1 trong 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Cuối tháng 2 vừa qua, Công an TP Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội đã ký quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự tại các bệnh viện. Công tác bảo vệ tại các bệnh viện cũng được tăng cường và chuyên nghiệp hóa.