Luật cho phép mang thai hộ đã được thông qua và chính thức được áp dụng. Đây được xem là một trong những chính sách đầy tính nhân đạo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có khá nhiều bất cập đã xảy ra.
Còn nhiều bất cập
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết (Phó Giám đốc bệnh viện Từ Dũ) cho hay, luật cho phép mang thai hộ ra đời khiến những người hoạt động trong ngành hiếm muộn rất vui. Kỹ thuật thực hiện mang thai hộ không khó, giúp được nhiều cặp vợ chồng biến điều không thể thành có thể. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có khá nhiều người dân thắc mắc, chính bà cũng không biết phải xử lý như thế nào.
Bà Tuyết cho hay, luật quy định chỉ thực hiện đối với những cặp vợ chồng chưa có con chung và thất bại trong phương pháp hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng có con nhưng bị mắc bệnh di truyền như down; hay trong quá trình sinh, người mẹ gặp phải một số sự cố, chẳng hạn băng huyết khi sinh, phải cắt bỏ tử cung mà người này cũng không còn trứng dự trữ. “Với những trường hợp như thế có được mang thai hộ hay không luật vẫn chưa được đề cập”, bà Tuyết nhấn mạnh.
Luật cho mang thai hộ vẫn còn nhiều bất cập
Bà Tuyết cho rằng, luật nên xem xét lại điều kiện người nhận noãn hoặc phôi không mắc bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau vì có nhiều trường hợp bệnh nhân bất thường di truyền không thể mang thai. Đối những người này có được xin noãn hay phôi hay không?
Trong luật cũng ghi rõ, người mang thai hộ được áp dụng cho người Việt Nam lẫn người nước ngoài nhưng quy định người nhận noãn phải là người có gốc Việt Nam. Điều này không rõ ràng, khiến người thực hiện còn lắm băn khoăn.
“Chỉ quan tâm đến quyền con người”
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hải (Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế) cho biết, trước khi ban hành luật, Bộ Tư pháp đã cân nhắc rất kỹ. Người làm luật chỉ chú ý tới quyền con người chứ không quan tâm đến vấn đề sinh học. Ông nhấn mạnh: “Cha mẹ sinh con. Dù con như thế nào thì cũng là con mình. Tại sao vì đứa con có dị tật mà yêu cầu phải có thêm đứa con bình thường khác? Với những người cha mẹ có con dị tật đã có chế độ an sinh cho họ rồi”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Tiến (Thứ Trưởng Bộ Y tế) không đồng quan điểm với ông Hải. Ông Tiến đặt ra câu hỏi, trong trường hợp cặp vợ chồng sinh đứa con bị dị tật, nếu cặp vợ chồng này được phép mang thai hộ, sinh được đứa con bình thường không chỉ may mắn lúc đó. Về sau, đứa con bình thường có thể chăm sóc cho cha mẹ lúc già yếu lại còn chăm sóc cho người anh, người chị bị dị tật đây là điều nhân đạo chứ?.
Hiện nay, y khoa đã có những kỹ thuật sàn lọc phôi bất thường để hạn chế sinh con mắc bệnh di truyền, nhưng luật chưa cho làm thì phải chấp nhận. Sau này, nếu sửa luật thì có thể cho thí điểm việc vợ chồng có con dị tật bẩm sinh được nhờ người khác mang thai hộ.
Ông Tiến cũng cho rằng, việc mang thai hộ phải thực hiện từ trứng và tinh trùng của cặp vợ chồng đó. Với trường hợp một trong hai thứ này có bệnh lý không thể tạo ra phôi khỏe mạnh, thì buộc phải xin con nuôi.
Còn về việc cho người nước ngoài mang thai hộ, ông Hải cho biết, không ai cấm người nước ngoài mang thai hộ mà chỉ cấm cho noãn và tinh trùng. Đây là vấn đề rất phức tạp nên các bệnh viện cần cân nhắc khi thực hiện. Bộ Y tế và Bộ tư pháp sẽ xem xét kĩ, cân nhắc điều này. Trong tương lai, có thể sẽ đưa những trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại vào luật hình sự. Đối với những bác sĩ thực hiện sẽ bị tước chứng chỉ hành nghề. Đối với những người tham gia thì có thể bị phạt tù tương ứng đối với hành vi họ gây ra.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng vụ pháp chế) cũng đặt ra câu hỏi, nếu áp dụng cho người nước ngoài mang thai hộ thì chúng ta giải quyết thế nào đối với những người này trở về đất nước của họ. Lúc này, việc xác nhận con sau sinh ảnh hưởng đến nhiều thủ tục giấy tờ, rắc rối cho người mang thai hộ. Điều này cần phải học hỏi, rút ra từ bài học của Thái Lan.