Hà Nội phải mất 60, 70 năm, thậm chí lâu hơn nữa mới có được hàng cây cũ như trước đây ở đường Nguyễn Trãi, đường Bưởi.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam bày tỏ sự đau xót trước việc Hà Nội “tàn sát” 6.700 cây xanh, ‘bóp’ lá phổi của Thủ đô.
Một sai lầm nghiêm trọng
Theo GS Đăng, việc chặt cây xanh này thực hiện theo Đề án của HN do Sở XD HN trình và UBND HN phê duyệt. Việc có cần đánh giá tác động môi trường hay không thì về luật là không có yêu cầu, nhưng đề án đó không có cơ sở khoa học và thực tiễn.
“Tôi đã đọc rồi. Tất cả sai lầm của cái này gây ra hậu quả nghiêm trọng chính là do đề án đó, không giống như Phó Chủ tịch Hùng nói là cơ quan tài trợ nóng vội, cơ quan thực hiện không giải thích gây ra vấn đề phản đối. Nói như vậy là hoàn toàn phủ nhận, UBND thành phố HN phải chịu trách nhiệm về khuyết điểm này.
S.TSKH Phạm Ngọc Đăng đánh giá việc chặt phá 6700 cây xanh là bóp nát lá phổi của Thủ đô
Việc tàn phá cây xanh ở HN gây ra hậu quả rất lớn về môi trường, du lịch, cảnh quan, xã hội và lâu dài còn ảnh hưởng đến toàn bộ cây xanh của HN. Phải mất 60, 70 năm, thậm chí lâu hơn nữa mới có được hàng cây to như ở đường Nguyễn Trãi, Bưởi, Thanh Xuân. Công trình đập đi xây lại ngay được, đường có thể nắn được nhưng cây phải rất lâu dài mới có được. Thế thì đánh giá tác động môi trường chính là vấn đề đấy. Hà Nội đang chặt cây vô tổ chức, không đúng theo luật bảo vệ môi trường”, GS Đăng khẳng khái nói.
Theo nhà khoa học đầu ngành về môi trường không khí này thì Hà Nội đang có những động thái phi khoa học. Với một việc hệ trọng như thế này phải nghiên cứu, xây dựng đề án, nhưng phải làm rất bài bản, chứ không phải cho mấy anh, phân công nhau đến mấy phố cứ nhìn, đếm. Phải phân tích rõ những cây đó vì sao cần chặt, cây nào cần tỉa cành, cây nào cần thiết thì bứng đi chỗ khác, nó phải cụ thể từng cây, chứ không ai làm hổ lốn một danh sách 6.700 cây mà không biết cây nào đáng ra phải chặt và cây nào chặt thì lãng phí.
“Và đề án đó phải làm hết sức cẩn thận, phải có cơ sở khoa học và thực tiễn, có tất cả những minh chứng. Thứ 2 là về quy trình thông qua đề án phải đúng quy trình của một đề án có tính chất khoa học, tức là phải qua những cuộc hội thảo, tham vấn ý kiến cộng đồng, rồi phải quy Hội đồng thẩm định, sau đó UBND Thành phố mới phê duyệt”, GS Đăng phân tích.
Chưa hiểu hết chức năng cây xanh đô thị
TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam tỏ ý vô cùng bức xúc. Ông cho rằng qua đề án và những lời phát biểu của quan chức có liên quan có cảm giác họ chưa hiểu hết chức năng cây xanh đô thị.
S Phạm Sĩ Liêm: Chính quyền chưa hiểu hết chức năng cây xanh ở đô thị
“Thứ nhất: tác dụng môi trường cảnh quan, không khí, che nắng, che mưa… Nhưng ở đây cảnh quan: chưa quan tâm, đa dạng sinh học đô thị cũng không quan tâm. Trong đô thị, bê tông vật liệu nhiều, cây xanh không chỉ là cây mà còn là chim bướm, ve sầu… đến đó và giữ lại đa dạng sinh học của đô thị. Cây xanh đô thị còn phải liền dải để chim chóc truyền nhau chứ không phải như những ốc đảo.
Thứ 2: Tác dụng tinh thần của cây xanh càng không được quan tâm. Đó là một phần chất lượng cuộc sống. Nó lớn lên thì con người cũng lớn lên, giết một cây chẳng khác nào giết một người bạn. Triệt hạ như thế chẳng khác gì một vụ Mỹ Lai về cây cối.
Nó là cây cổ thụ thì còn là chứng nhân lịch sử. Con người chết đi, nó còn đó chứng kiến những việc bao thế hệ người mới biết được. Cho nên người VN và thế giới coi trọng cây cổ thụ. Cho nên bây giờ chỉ một mẩu khảo cổ có thể nói vanh vách thời đó ra sao?.
Thứ 3, tác dụng giáo dục của cây xanh càng không được quan tâm: nó làm con người gần gũi sự sống. Đối với đô thị tạo ra bản sắc đô thị. Bản sắc của Hà Nội là bản sắc cây và mặt nước nhiều”, TS Phạm Sĩ Liêm chỉ rõ.
Ông còn dẫn ví dụ thêm về nhận định của Giám đốc Ngân hàng Thế giới từng đánh giá đô thị VN để thấy cái Hà Nội đã phá đi bản sắc và thực sự đáng tiếc: “Tôi sống ở Hà Nội tại khu vực xung quanh toàn cây xanh. Buổi sáng ngủ dậy nghe thấy chim véo von. Đó là cái tôi không được nghe ở các đô thị khác trước đây tôi từng ở”.