Mất điện sân bay: Không chấp nhận được

Ngày 24/11/2014 08:20 AM (GMT+7)

Đơn vị quản lý điều hành bay có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại do sự cố mất điện gây ra.

“Quá lạ”, “thế giới chưa từng xảy ra sự cố tương tự”… là những câu mà các chuyên gia, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) nói về sự cố mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 20-11

Tân Sơn Nhất có tới sáu nguồn điện

“Sân bay Tân Sơn Nhất có hai hệ thống điện lưới quốc gia độc lập, ba máy phát điện dự phòng và ba bộ UPS, trong đó từng UPS có khả năng tác chiến độc lập, đảm bảo cung cấp điện cho trung tâm điều hành” - Cục trưởng CAAV Lại Xuân Thanh nói với Pháp Luật TP.HCM chiều 23-11.

Ông Thanh giải thích hệ thống cung cấp điện cho các Trung tâm kiểm soát đường dài và Cơ quan kiểm soát tiếp cận (AACC) được thiết kế trên nguyên tắc tuyệt đối không để xảy ra rủi ro, thiết kế qua nhiều cấp với các thiết bị hiện đại mua từ nước ngoài. “Sự cố này là chuyện hi hữu mà theo hiểu biết của chúng tôi trên thế giới chưa từng xảy ra. Do vậy, chúng tôi đã mời các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực hỗ trợ, điều tra rõ nguyên nhân” - ông Thanh nói.

Theo TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (Hascon), Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học (EEI), trung tâm kiểm soát không lưu là đối tượng ưu tiên cung cấp điện lại bị “liệt” trong hơn một giờ là chuyện cần được điều tra rõ.

TS Phúc phân tích: Giả sử cùng lúc mất hai nguồn điện lưới thì nguồn máy phát dự phòng sẽ lập tức hoạt động (các cao ốc, chung cư trung bình đã trang bị máy phát dự phòng này). “Đó là chưa kể hệ thống tích điện UPS sẽ cấp điện trong một khoảng thời gian khi điện bị mất. Như vậy, sự cố ở sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy tất cả nguồn cung cấp điện đều gặp sự cố thì quả là chuyện rất lạ” - TS Phúc nói.

Mất điện sân bay: Không chấp nhận được - 1 

Nhiều hãng hàng không và khách hàng bị thiệt hại từ sự cố mất điện ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: MP

Thiệt hại tiền tỉ

Theo CAAV, thời điểm xảy ra sự cố có 54 máy bay trong khu vực bay của ACC HCM và 92 máy bay từ các vùng FIR lân cận, nhiều máy bay khác nằm trong các vùng FIR Hà Nội, Sanya, Phnom Penh, Singapore, Kuala Lumpur cũng bị ảnh hưởng, phải đình, hoãn cất cánh, quay lại sân bay khởi hành hoặc hạ cánh tại sân bay dự bị.

Nhiều hãng hàng không bị thiệt hại. Vietnam Airlines có chín chuyến bị ảnh hưởng trực tiếp, Vietjet Air có hai chuyến phải chuyển hướng và Jetstar Pacific có một chuyến bay từ Singapore phải bay lòng vòng chờ trên trời TP.HCM gần một giờ... Theo tính toán, mỗi giờ bay trên trời, mỗi chiếc máy bay sẽ “đốt” hàng chục triệu đồng.

Cạnh đó, nhiều bạn đọc cũng phản ánh: Sự cố gây ra phiền toái, thiệt hại cho họ. Ông Lê Thanh Trang (quận Tân Phú) cho biết chuyến bay từ Đà Nẵng vào TP.HCM hôm ấy tốn thời gian gấp ba lần bình thường. “Tôi lên máy bay Vietnam Airlines lúc 10 giờ 15 nhưng khi đến gần TP.HCM vẫn không thấy máy bay hạ độ cao mà cứ lượn lờ. Đến khi hành khách nhốn nháo thì máy bay mới phát thông báo cho hay hệ thống liên lạc mặt đất có sự cố nên chuyển qua hạ cánh ở… Phnom Penh và phải ngồi trên khoang gần hai tiếng đồng hồ. Mãi đến gần 15 giờ cùng ngày, máy bay mới vào đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất”.

Có thể phải bồi thường

Cục trưởng Lại Xuân Thanh  cho biết chưa có điều kiện để thống kê các thiệt hại cụ thể. Ngoài ra, trong quy định pháp luật hiện hành chưa đặt vấn đề bồi thường thiệt hại giữa đơn vị quản lý bay với các hãng hàng không.

Tuy vậy, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định: Dù quy định chuyên ngành không có nhưng Bộ luật Dân sự đã nêu rõ và thiệt hại đến đâu sẽ được bồi thường đến đó. Cụ thể, tổ chức, cá nhân nào có lỗi và gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. “Cần làm rõ nguyên nhân và đây sẽ là một căn cứ quan trọng để xác định lỗi trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại cho các hãng hàng không” - luật sư Hòa khẳng định.

Đình chỉ phó giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam

Ngày 23-11, ông Đinh Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam đã ra quyết định đình chỉ công tác với ông Trần Công - phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Quản lý bay miền Nam và ông Lê Văn Tính - trưởng Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật, ông Nguyễn Quốc Phú - phó trưởng Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật của Công ty Quản lý bay miền Nam.

Ba người trên bị đình chỉ công tác trong thời gian 15 ngày để thực hiện kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra sự cố mất điện tại Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ sở Kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất hôm 20-11 vừa qua.  Trước đó, ngày 21-11, giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam cũng đã quyết định đình chỉ công tác 15 ngày để phục vụ việc điều tra sự cố đối với ông Lê Trí Tình - kíp trưởng và ông Phạm Văn Dũng - nhân viên kíp trực điện nguồn thuộc Đội Bảo đảm môi trường kỹ thuật, Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật, Công ty Quản lý bay miền Nam.

XT

Theo Minh Phong
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự