Máy đo nitrat rau quả tại các gia đình có đáng tin cậy?

Ngày 06/05/2015 00:14 AM (GMT+7)

Mối lo ngại của người tiêu dùng đối với các loại rau xanh, thịt tươi là thực trạng tồn dư nitrat. Liệu rằng việc xuất hiện thiết bị đo nồng độ nitrat trên thị trường gần đây có giúp người tiêu dùng yên tâm hơn?

Từ năm 1997, cơ quan chức năng đã ban hành các quy định và tiêu chuẩn về dư lượng nitrat cho phép trong rau củ quả. Tuy nhiên gần đây, nhiều người vẫn đặt câu hỏi: Dư lượng nitrat là gì? Dư lương nitrat ảnh hưởng gì đến sức khỏe? Dư lượng nitrat trong rau củ quả đang được bày bán trên thị trường có được kiểm soát hay không? Kiểm soát như thế nào?

Khám phá xin gửi tới bạn đọc chùm bài 3 kỳ để làm rõ những vấn đề này:

>> Kỳ 1: Rau củ quả chứa nhiều phân đạm gây nên bệnh ung thư 

>> Kỳ 2: Máy đo nitrat rau quả tại các gia đinh có đáng tin cậy? 

>> Kỳ 3: Bộ Y tế trả lời về chất lượng máy đo nitrat rau củ quả

Kỳ 2: Máy đo nitrat rau quả tại các gia đinh có đáng tin cậy? 

Theo hiểu biết của nhiều người, nitrat (NO3) là dạng chất đạm hiện diện trong cây rau, quả. Sử dụng lượng nitrat ít hoặc vừa đủ, giúp cho cây rau quả nhìn tươi, đẹp mắt. Tuy nhiên, cung theo những người làm khoa học, dư lượng nitrat vượt quá tiêu chuẩn sẽ rất nguy hiểm vì nó ngấm vào bên trong của rau quả, thịt cá… Dư lượng nitrat không thể được giải quyết bằng sục rửa, gọt vỏ hay nấu chín được. Dư lượng nitrat cao có thể gây ngộ độc trực tiếp, ung thư và một số bệnh nguy hiểm khác cho người sử dụng.

Hiện nay, trước lo ngại về dư lượng nitrat trong rau củ quả trên thị trường, nhiều người đã tìm mua các thiết bị đo lường về kiểm tra. Tuy nhiên, liệu các loại máy móc này có đảm bảo tiêu chuẩn hay không và có giúp người tiêu dùng yên tâm về sức khỏe.

Máy đo nitrat rau quả tại các gia đình có đáng tin cậy? - 1

Kết quả đo khoang lang là 124 (trong ngưỡng cho phép vì khoai lang theo quy định là 250)

Theo tìm hiều của chúng tôi, gần đây trên thị trường xuất hiện 2 loại máy phát hiện dư lượng nitrat có trong rau, củ, quả, thịt tươi. Các loại máy này được một doanh nghiệp rao bán trên mạng và khẳng định là nhà phân phối độc quyền. Máy xuất xứ từ Nga với mã máy là SOEKS NUC-019-1 (giá 4,5 triệu đồng) và ECOTESTER (giá 6,5 triệu đồng).

Máy đo dư lượng nitrat được cài phiên bản tiếng Việt thuận tiện cho người sử dụng, mỗi máy đều có dữ liệu chỉ số hàm lượng nitrat chuẩn của hơn 60 loại thực phẩm theo quy định cho phép của WHO.

Cũng theo tìm hiểu, cách sử dụng máy khá đơn giản. Chỉ cần chọn ngẫu nhiên một loại thực phẩm, sau đó cắm ngập đầu thanh kim loại vào thực phẩm cần đo. Trong vòng 20 giây, chỉ số nồng độ nitrat sẽ hiển thị và ngay lập tức, máy sẽ chiếu với mức nitrat quy định và đưa ra khuyến cáo phù hợp với người tiêu dùng.

Chúng tôi thử nghiệm thực tế với một mẫu khoai lang, cho kết quả đo nitrat là 124(mg/kg), hàm lượng nitrat trong ngưỡng cho phép vì theo tiêu chuẩn WHO hàm lượng nitrat trong khoai lang không được vượt quá 250 (mg/kg).

Máy đo nitrat rau quả tại các gia đình có đáng tin cậy? - 2

Tuy mức giá của 2 dòng sản phẩm này là khá cao nhưng hiện vẫn được nhiều bà nội trợ cũng như các cửa hàng kinh doanh rau quả trên địa bàn Hà Nội mua sử dụng.

Cũng theo giới thiệu của nhà phân phối: "Sản phẩm hiện đại này đang mang đến cho các bà nội trợ một giải pháp cho việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân có thể tự giám sát chất lượng một số loại đồ ăn mà họ hấp thụ vào cơ thể, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và cho gia đình."

Tại các diễn đàn mạng Internet, khá nhiều người bày tỏ sự hài lòng đối với loại máy đo này. Trên một diễn đàn, người dùng có nickname Hồng Hoa chia sẻ: Hàng của Nga, bền và độ chính xác cao. Mình cứ theo tiêu chuẩn của Nga, dân họ dùng, họ khỏe mình cũng dùng theo.

Có người tên là "Minh Hằng" cho biết: Tôi vừa mới chỉ mua sản phẩm này hai tuần trước. Thiết bị rất nhỏ, gọn, dễ dàng bỏ vào túi giống như bất kỳ chiếc điện thoại di động nào. Cuối cùng tôi đã có một tâm lý thật thoải mái.

Tuy nhiên, trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hồng (Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT) cho rằng, rất khó khẳng định thông tin được kiểm tra bằng các dụng cụ này có đáng tin cậy hay không. Theo ông Hồng, vẫn cần dựa vào sự kiểm tra tại các phòng thí nghiệm do ở đó có các định lượng và hàm lượng chuẩn xác hơn.

"Các công cụ đo đạc nhanh chưa thể thuyết phục. Cần phải xem xét lại kỹ càng trước khi công bố thông tin”, ông Hồng nhấn mạnh.

Để làm rõ hơn vấn đề chất lượng các loại máy này trên thị trường, phóng viên có đặt câu hỏi với ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Ông Phong cho biết, các máy móc bán trên thị trường do Cục kiểm soát và phải có chứng nhận do Cục cấp phép để lưu hành thì mới được lưu hành rộng rãi.

Máy đo nitrat rau quả tại các gia đình có đáng tin cậy? - 3

“Cục An toàn thực phẩm quản lý các dụng cụ test kiểm tra nhanh về vấn đề an toàn thực phẩm, các dụng cụ này được phép sử dụng trên thị trường”, ông Phong nói.

Một đại diện của Phòng Quản lý tiêu chuẩn và kiểm, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, cũng cho biết, hiện nay đúng là cơ quan quản lý đã cấp giấy phép cho một vài thiết bị kiểm tra nhanh dư lượng nitrat trong rau củ quả.

Trong một nghiên cứu được công bố cuối năm 2013 tại Quảng Bình, một nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu trực tiếp tại ruộng trên 2 chủng loại rau có sản lượng tương đối lớn ở Quảng Bình là rau cải và mướp đắng. Kết quả phân tích đối với 50 mẫu rau cho thấy, 5 mẫu (chiếm 10%) chứa dư lượng nitrat vượt quá ngưỡng cho phép.

Nguyễn Cảnh Kiên – Nguyễn Trần Chung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot