Từng có giai đoạn bị trầm cảm nhốt mình trong phòng, rồi thậm chí lội sông tự tử nhưng không thành. Giờ đây người mẹ đơn thân này vẫn đang cố gắng từng ngày kiếm tiền nuôi con.
Những ngày vừa qua trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện về hành trình mang thai và sinh con của một người mẹ đơn thân được rất nhiều người chú ý. Điều đáng nói, đến nay dù con trai đã được 10 tháng tuổi, nhưng hàng ngày người mẹ đơn thân này vẫn phải lấy vỉa hè làm nơi mưu sinh, kiếm sống.
Người mẹ đơn thân ấy là Phạm Thị Hồng T. (27 tuổi, quê Yên Bái), hiện đang ở trọ tại phố Cầu Đất, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong câu chuyện với chúng tôi, T. nhiều lần nói rằng, cô không muốn để lộ tên tuổi vì việc có bầu và sinh con là ngoài ý muốn và gia đình chưa biết chuyện.
T. chia sẻ việc mình có bầu và sinh con gia đình vẫn chưa biết chuyện.
T. cho biết, khi chia sẻ câu chuyện của mình cô chỉ mong nhận được sự đồng cảm của những người mẹ đơn thân khác, chứ không phải nói ra để mọi người đến ủng hộ hai mẹ con. “Tôi hiện đang bán quần áo buổi tối ở vỉa hè, từ hôm chia sẻ câu chuyện nhiều người tò mò đến tìm hiểu xem có thật hay không, khiến công việc của tôi bị ảnh hưởng”, T. nói.
Trải lòng về hành trình mang thai và sinh con của mình, rất nhiều lần T. phải gạt đi những giọt nước mắt bởi nếu không có sự giúp đỡ thì giờ này mẹ con cô chẳng thể tồn tại trên đời.
Trước đây, T. cũng bán hàng ở một shop quần áo, rồi đem lòng yêu thương một chàng trai người Hà Nội. Khi có thai được 2 tháng T. mới phát hiện ra, khi đó người yêu khuyên nên bỏ thai bởi kinh tế khó khăn, nếu để đứa bé chào đời thì sẽ rất khổ.
Dù người yêu khuyên bỏ nhưng T. vẫn quyết giữ lại đứa con và giờ con trai T. đã được 10 tháng tuổi.
Nhiều đêm nằm suy nghĩ T. quyết định giữ lại cái thai. Khi đứa con trong bụng lớn dần cũng là lúc T. phải nghỉ việc ở shop quần áo, cùng thời điểm đó người bạn trai là bố đứa bé mất liên lạc khiến T. suy sụp và rơi vào trầm cảm.
“Tiền không có, lại bị người yêu bỏ, lúc đó tôi ôm bụng bầu và nhốt mình suốt 2 tháng trong phòng trọ. Đó là thời gian tuyệt vọng và đau khổ nhất của cuộc đời tôi khi nhiều ngày phải ăn cơm chan nước mắm. Tôi không dám về nhà, không dám nói chuyện với người thân về việc mình mang bầu, đến bây giờ khi sinh con đươc 10 tháng rồi gia đình tôi cũng chưa ai biết”, T. kể lại.
Suốt 2 tháng nhốt mình trong căn phòng nhỏ, T. từ 52kg đã tụt xuống chỉ còn 46kg, người gầy tọp. Mang thai đến tháng thứ 6, T. bị chủ nhà trọ đuổi ra đường vì không có tiền trả phòng trọ. “Họ giữ hết đồ đạc của tôi, khi đó tôi ôm bụng ra đường trên tay chỉ có 2 bộ quần áo”, T. vừa khóc vừa kể lại.
T. nhiều lần gạt đi những giọt nước mắt khi chia sẻ câu chuyện của mình.
Xin việc khắp nơi không được, T cũng không dám về quê vì sợ dân làng dị nghị, người thân trách móc “không chồng mà chửa”. Trong lúc cùng quẫn nhất, T. lội ra sông Hồng tự tử để hai mẹ con cùng chết, nhưng may mắn một người phụ nữ phát hiện và kêu cứu kịp thời.
Tính mạng hai mẹ con được bảo toàn, T. được chính người phụ nữ cứu ở sông Hồng giúp đỡ cho quần áo, hỗ trợ chỗ ở và nhập quần áo cũ cho T. bán ở vỉa hè. Chính công việc này giúp T. có tiền trang trải cho bản thân và lo cho đứa con trong bụng.
Cuối năm 2019, T. trở dạ sinh con. Ngày vào viện, T. được những người cùng cảnh quyên góp cho 6 triệu đồng. Khi vừa sinh con về nhà trọ, cũng là những ngày sát Tết, T. nhận được tin bố ở quê bị ngã gãy chân nhưng cô chẳng thể về, điều đó khiến cô day dứt cho đến tận bây giờ.
T. hiện cũng đang mắc bệnh, khi bị u ở thận.
“Tết năm đó tôi một mình ôm con trong phòng trọ, đến cả ngày giỗ mẹ cũng chẳng về được. Giờ đây, ngày Tết cũng đã đến gần không biết năm nay tôi có nên về hay không. Tôi sợ lắm”, T. nghẹn ngào nói.
Sinh con được 1 tháng, trong người T. không còn một xu dính túi, sợ bị chủ trọ đuổi ra đường cô phải mang con 1 tháng tuổi ra ngồi vỉa hè để bán quần áo lấy tiền trang trải cuộc sống. “Tôi mất sữa cháu phải ăn sữa ngoài, may mắn trong hành trình sinh và nuôi con của tôi luôn có sự giúp đỡ của hội chị em đơn thân, nếu không có sự giúp đỡ đó không biết mẹ con tôi giờ này ra sao”, T. chia sẻ.
Mỗi tối T. đưa theo con ra vỉa hè để bán quần áo cùng.
Dù nhận được sự giúp đỡ, thậm chí có người đề cập về việc tài trợ sữa cho con trai nhưng T. đã từ chối. T. cho rằng, những lúc khó khăn nhất cô đã nhận được sự giúp đỡ rồi, giờ đây khi phần nào tự chủ được kinh tế, T. muốn nhường lại sự hỗ trợ đó cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Điều mong muốn lớn nhất của T. giờ đây đó là sớm làm được giấy khai sinh cho con, để ra Tết khi cứng cáp cô sẽ cho con đi gửi trẻ để tìm công việc ổn định đi làm. Người mẹ đơn thân này hiểu hơn ai hết, việc bán quần áo ở vỉa hè chỉ là tạm thời và không thể sống cả đời bằng nghề này được.