Mẹ kiện con thơ đòi “tiền tử” của chồng

Ngày 28/02/2015 11:01 AM (GMT+7)

Với cái tâm của mình, người thẩm phán đã khéo léo hòa giải và khuyên nhủ những đứa trẻ để chúng không oán mẹ, tạo nên cái kết có hậu cho vụ kiện hi hữu này.

Câu chuyện trên xảy ra tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Một gia đình nghèo không có tài sản gì đáng giá. Người cha ngày ngày đi làm công nhân kiếm tiền nuôi bốn miệng ăn. Cuộc sống hằng ngày miếng no miếng đói nhưng luôn rộn rã tiếng cười.

Chồng chết 21 ngày đã kiện con

Người cha thấy mình may mắn khi gầy dựng được một gia đình ấm êm, hạnh phúc. Bởi anh vốn là trẻ mồ côi, phải nỗ lực lớn mới thành người và dựng xây mái ấm. Đó quả là món quà lớn lao mà cuộc đời đã ban tặng cho anh.

Nhưng con tạo trớ trêu, một ngày nọ, trên đường đi làm về, anh bị tai nạn giao thông và qua đời, để lại ba con thơ dại.

Những người thân quen không khỏi ngậm ngùi trước sự ra đi người cha trẻ. Rồi mỗi người một tay lo cho anh về nơi yên nghỉ được tươm tất.

Sau tai nạn, gia đình anh được bồi thường và trả tiền bảo hiểm. Lo xong đám tang, cả nhà còn được tầm 200 triệu đồng, người dì đem gửi ngân hàng để lo cho ba cháu nhỏ.

 Mẹ kiện con thơ đòi “tiền tử” của chồng - 1

Ảnh minh họa

Họa vô đơn chí, ba đứa trẻ đầu còn quấn khăn tang bất đắc dĩ phải làm bị đơn trong một vụ kiện mà nguyên đơn là mẹ chúng. Chưa nguôi nỗi đau mất cha, chúng đã bị mẹ khởi kiện tại TAND huyện đòi số tiền ít ỏi nói trên.

Ruột rà xẻ bốn, chia ba

Khi nhận thụ lý giải quyết vụ án, người thẩm phán (không muốn nêu tên) cảm thấy xót xa. Ông nhẩm lại chính xác người mẹ kiện các con mình khi chồng mới mất được 21 ngày.

Về nghiệp vụ, ông cũng nhận thấy vụ án có nhiều điểm khó xử. Cụ thể như đây không thể là án chia thừa kế vì tài sản này có được sau khi người cha đã mất. Về người giám hộ cho ba đứa trẻ (do chúng chưa thành niên) cũng có điều lấn cấn, bởi nguyên đơn vụ án là mẹ chúng, còn cha chúng thì vừa mất...

Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình ba đứa trẻ, vị thẩm phán biết chúng đang được người dì chăm sóc. Ông hỏi thăm, đặt vấn đề và được người dì đồng ý làm người giám hộ cho ba đứa trẻ trong vụ kiện.

Ban đầu, khi tham gia các buổi hòa giải, người mẹ cương quyết đòi số tiền trên cho mình. phân tích kiên trì cuối cùng vụ án kết thúc bằng quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự: Chia số tiền thành bốn phần, người mẹ được nhận một phần.

Ngay sau đó, người mẹ nhanh chóng làm đơn xin thi hành án để nhận số tiền được hưởng. Số tiền của ba đứa trẻ được người dì gửi vào ngân hàng.

Những việc làm không ghi trong luật

Việc hòa giải được người thẩm phán xử lý khéo léo để ba đứa trẻ không chứng kiến, không hằn sâu cảnh mẹ chúng tranh giành tiền từng chút một. Sau những buổi làm việc, ông luôn dành thời gian để trò chuyện với chúng để cố gắng xoa dịu những nỗi đau, thương tổn vượt sức chịu đựng ở lứa tuổi của chúng. Chúng vừa mất cha, giờ nếu để mất thêm tình mẫu tử sẽ là điều bất hạnh bội phần.

Trong câu chuyện với ba đứa trẻ, người thẩm phán luôn nói khéo với chúng rằng: “Mẹ bị nợ nần vây nên cần tiền trả nợ, quẫn quá nên phải làm thế, các con đừng giận mẹ. Số tiền mẹ lấy là mượn tạm để giải quyết khó khăn trước mắt...”.

Nhấp một ngụm trà, ông kể: “Có lần đứa bé lớn nhất đã bật khóc nói: “Chú đừng gạt con, mẹ con lấy tiền đem cho ông kia”. Cái “ông kia” trong câu nói của con trẻ chính là người mà mẹ nó có quan hệ tình cảm sâu sắc trước nay. Ông biết chuyện này thông qua những lần đi thực địa tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của đương sự.

Biết đứa bé này hiểu chuyện và có ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ của các em nên ông tìm cách rỉ rả tác động. Bên cạnh việc vận động người dì đừng vô tình khoét sâu lỗi lầm nhất thời của chị mình trước mặt bọn trẻ, ông cố gắng lý giải cho các đứa trẻ về tình mẫu tử. Rằng dù có làm gì thì người đó vẫn là mẹ, là đấng sinh thành của các con. Các con phải luôn tôn trọng mẹ, vì không có mẹ sẽ không có các con. Một người tốt, trưởng thành là người luôn biết quý trọng, yêu thương đấng sinh thành...

Và một cái kết có hậu

“Sự quan tâm và kiên trì của mình bước đầu đã ươm mầm và đem lại kết quả tốt đẹp sau này cho bốn mẹ con đương sự” - người thẩm phán kể.

Một năm sau, người mẹ lại quay về tìm con. Chị cứ ngỡ qua bao nhiêu chuyện các con sẽ quay mặt với mình. Nhưng không, những đứa trẻ ấy vẫn dang rộng vòng tay để ôm chầm lấy mẹ chúng. lời dặn của người thẩm phán về ơn nghĩa sinh thành đã hằn sâu trong nếp nhăn sớm có của những đứa trẻ mồ côi cha. Người mẹ lại vẹn nguyên tình mẫu tử bên ba đứa con thơ dại của mình.

“Một ngày, người dì và các cháu đến báo tin vui cho tôi kèm món quà là hộp bánh nhỏ. Trong đời làm thẩm phán chắc chẳng có niềm vui nào hơn được lúc này” - vị quan tòa nở nụ cười hiền. Ông nói trong vụ án này, chính cái tâm của người dì đã khiến ông xúc động. Những nỗ lực của ông sẽ khó có kết quả nếu người dì ấy không hợp tác, không thay mẹ ba đứa trẻ để lo lắng, dưỡng nuôi, bảo bọc những đứa cháu của mình.

Theo Hoàng Yến (Pháp luật TP.HCM)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự