Lúc người mẹ không để ý, con trai cầm kéo chơi và không may đâm xuyên qua lỗ tai vào thẳng trong đầu.
Ngày 21/6, PGS.TS Võ Thanh Quang – Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận một ca bệnh khá hy hữu. Đó là một bệnh nhi 3 tuổi, khi đến viện vẫn còn chiếc kéo găm vào trong lỗ tai.
Theo đó, khoảng 20h30 ngày 19/6, bệnh nhi Trần T. A. (quê Nam Trực - Nam Định) được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Định Nam chuyển đến với chẩn đoán dị vật do kéo đâm vào tai phải xuyên thấu xương thái dương.
PGS.TS Võ Thanh Quang – Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương
Theo mẹ bệnh nhi kể lại, buổi chiều khi đang làm việc nhà, con trai ngồi chơi ở phòng khách và không biết cầm kéo từ khi nào. Đến khi cháu bị ngã, chiếc kéo đâm thẳng vào tai phải khiến cháu khóc toáng lên, khi đó người lớn mới phát hiện ra.
Sau tai nạn, gia đình đưa bệnh nhi vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định khám và được chuyển thẳng đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương điều trị.
PGS Quang cho biết, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, kíp trực tối 19/6 đã thăm khám và nhận thấy tai phải bệnh nhi có dị vật là một chiếc kéo cắm vào tai, thân kéo cắm sâu xuyên thấu thành trên ống tai hướng vào phía trong xương đá.
Bệnh nhi được chỉ định chụp cắt lớp vi tính xương thái dương để đánh giá mức độ tổn thương, với kết quả: Dị vật kéo đâm theo đường ống tai ngoài vào nhóm tế bào chũm vùng góc citelli tai phải, chưa thấy tổn thương chuỗi xương con và trần thượng nhĩ. Không thấy tổn thương vùng góc cầu tiểu não và xoang tĩnh mạch phải.
Hình ảnh chiếc kéo cắm vào tai trước và sau khi được phẫu thuật.
Các bác sĩ kết luận vết thương xuyên ống tai ngoài vào xương chũm phải (chưa gây tổn thương phần xương đá). Bệnh nhi được các bác sỹ trong tua trực quyết định xử trí phẫu thuật rút dị vật, kiểm tra vết thương và cầm máu. Sau phẫu thuật bệnh nhi ổn định, tỉnh táo, ăn uống được.
Rất may trong trường hợp này là bệnh nhi chỉ bị tổn thương phần ống tai ngoài, chưa gây các tổn thương về mạch máu và dây thần kinh vùng xương thái dương nên chưa ảnh hưởng đến tính mạng và chưa để lại các di chứng khác.
Qua trường hợp này, các bác sỹ khuyến cáo, hiện đang là thời điểm nghỉ hè, đây cũng là lúc gia tăng các trường hợp trẻ gặp các tai nạn đáng tiếc. Một số tai nạn thương tích thường gặp trong mùa hè đó là đuối nước, té ngã, hóc dị vật, tai nạn bởi các vật sắc nhọn, đồ chơi...
Theo các bác sĩ, điều quan trọng nhất trong các tai nạn thương tích trẻ em là công tác phòng chống, đừng để những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Chính vì vậy, người trông trẻ nên đề cao cảnh giác tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra với con em mình. Bên cạnh đó, tạo môi trường sống an toàn, hạn chế tối đa những vật dụng sau trong tầm với của trẻ: Vật dụng có nhiều góc hoặc cạnh sắc nhọn. Những đồ vật nhỏ với kích cỡ có thể nuốt vào miệng được…