Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc chuẩn bị mâm cúng Rằm tháng 7 năm nay cũng có nhiều khác biệt. Chị em chọn đồ cúng đơn giản và tiết kiệm hơn nhưng vẫn thể hiện được lòng thành kính với ông bà tổ tiên.
Đìu hiu người mua - người bán, mẹt hoa quả chỉ từ 70.000 đồng được ưa chuộng
Rằm tháng 7 năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành. Đặc biệt ở một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, vì thế việc chuẩn bị mâm cúng rằm cũng có nhiều khác biệt so với mọi năm.
Nếu như các năm trước các mẹt hoa quả, mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 được rao bán ngập tràn trên chợ mạng thì năm nay cảnh mua bán đìu hiu hơn hẳn. Các địa chỉ rao bán đồ cúng ít hơn và số lượng cũng có hạn, nếu không đặt trước thì dễ bị hết hàng. Ngoài ra, các chị em ưu tiên mua hàng ở các chợ chung cư để có giá rẻ và an toàn, tiết kiệm tiền ship.
Theo khảo sát, năm nay các mẹt hoa quả ngũ sắc có giá chỉ từ 70.000 đồng đến khoảng 200.000 đồng. Các nguyên liệu trên mẹt chủ yếu sử dụng quả thị, bông hồng, bông cúc, trầu cau, hoa nhài và các loại quả theo mùa. Trong đó mỗi loại quả, cành hoa được bày biện tỉ mỉ, cẩn thận và tỏa hương thơm mát. Sự kỳ công trong trang trí và đẹp mắt khiến những mẹt hoa cúng này được rất nhiều bà nội trợ mua về để tỏ lòng thành kính trên bàn thờ tổ tiên.
Cụ thể, mẹt gồm 3 quả thị, 2 bông mẫu đơn, 2 bông hoa cúc, 2 bông hoa hồng có giá chỉ 70.000 đồng. Mẹt gồm 7 quả thị, 3 bông mẫu đơn, 3 bông cúc, 2 bông hồng, 80g hoa nhài, 1 nhành hoa cau giá 140.000 đồng. Mẹt cao cấp hơn gồm quả thị, hoa tươi, hoa cau, hoa hoàng lan, hoa ngọc lan có giá từ 300.000 đồng trở lên tùy vào nhu cầu của khách.
Ngoài ra, nếu không thích mua theo set, các nơi cũng có sẵn đồ bán lẻ để khách hàng lựa chọn với mức giá từ 6000 - 10000 đồng/quả thị; 3000 đồng/bông hoa hoàng lan; 95000 đồng/bẹ cau; 30000 đồng/rổ tre; 80.000 đồng/bó 10 bông sen trắng, hồng...
Chị Giang Nguyễn (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết nhiều nơi giãn cách nên việc mua nguyên liệu làm mẹt cúng rất khó khăn. "Phải vất vả lắm mới đặt được một ít hoa và quả thị để làm mẹt cúng Rằm tháng 7 phục vụ chị em. Em làm mẹt giá chỉ từ 70.000 đồng gồm hoa, quả thị, trầu cau, ai có mẹt rồi mang mẹt đổi em trừ 10.000 đồng ạ. Em chỉ có số lượng ít nên mọi người nhanh tay đặt hàng để em lên đơn sớm ạ", chị Giang rao trên trang cá nhân.
Chị Giang cho biết các năm trước, đến dịp Rằm tháng 7 khách đặt hàng tới tấp ngay từ đầu tháng thì năm nay số lượng khách giảm đáng kể, chủ yếu là khách quen và các chị em ở chung cư gần đây chứ khách lạ rất ít.
"Năm nay dịch bệnh nên mọi người chọn làm mâm cúng đơn giản để tiết kiệm chi phí. Các năm nhiều khách đặt mẹt "sang" trên 300.000 đồng nhưng năm nay chủ yếu mọi người đặt mẹt 70.000-100.000 đồng. Tôi cũng cân nhắc sử dụng các nguyên liệu giá rẻ để hợp với túi tiền cho chị em", chị Giang cho hay.
Theo chị Giang, việc tìm ship trong những ngày giãn cách không dễ dàng, hơn nữa lấy hàng cũng rất khó nên năm nay nhiều chị em bán hàng online quyết định không bán đồ cúng rằm dù năm ngoái rất đắt khách.
Ngoài các mẹt sẵn, các loại bánh quen thuộc như bánh bao đào tiên, bánh trôi ngũ sắc, và các loại hoa quả để thắp hương ngày rằm cũng có giá bình ổn so với ngày thường, dưa vàng giá 35.000 đồng/kg, na 40.000 đồng/kg; cam 45.000 đồng/kg, quả hồng 35.000 đồng/kg...
"Có gì cúng nấy", chọn chợ chung cư thay vì đi chợ truyền thống hay siêu thị
Chị Khánh Hà (ở Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho biết vợ chồng chị ở cùng với mẹ chồng, như mọi năm Rằm tháng 7 là ngày cả gia đình sum họp, cả nhà anh trai và chị gái cũng về để thắp hương cho ông bà tổ tiên và dự bữa cơm gia đình, vì thế Rằm tháng 7 nhà chị làm rất linh đình.
"Năm nay chồng tôi là lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn, thường xuyên vắng nhà, các con còn nhỏ nên tôi chỉ làm mâm cúng đơn giản. Hơn nữa, chợ xung quanh đều giăng dây, phải có thẻ đi chợ đúng ngày mới vào được. Tôi đặt được một vài nguyên liệu trên chợ nội bộ chung cư làm mâm cỗ cúng đơn giản với 1 đĩa xôi gà, nem, cơm trắng và một mẹt hoa quả đặt ở ngoài, thế cũng là thành tâm", chị Hà chia sẻ.
Theo chị Hà, từ hôm giãn cách, cũng may có chợ chung cư nên việc đặt đồ dễ dàng và thuận tiện hơn. Những thứ không có trên chợ chung cư thì các chị em gom mua chung để chia tiền ship. Ví dụ mẹt hoa quả chị mua cùng với 4 chị cùng tầng, tính ra mỗi người có 10.000 đồng tiền ship, rất tiết kiệm.
Nhiều chị em chọn mâm cúng đơn giản, tiết kiệm trong thời điểm giãn cách xã hội
Còn chị Lê Thị Anh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết sáng nay chị dâng lên ban thờ nhà mình một mâm lễ cúng đồ chay với tất cả những sản vật mà gia đình tự sản xuất được như ngô, đậu, khoai lang, bánh bao, không có vàng mã... với ý niệm "dịch dã nên mình có gì cúng nấy, cúng chay cũng thêm thanh tịnh".
"Tôi nghĩ sự thành tâm, hướng về tổ tiên là quan trọng nhất, không nhất thiết phải sắm sửa mâm cao cỗ đầy. Như mọi năm, tôi mua sắm rồi chuẩn bị mâm cúng trong vài ngày, làm cả mâm mặn, mâm cỗ chay để cúng thần linh, gia tiên, cúng chúng sinh, nhưng năm nay dịch dã, mua sắm khó khăn nên tôi nghĩ làm đơn giản vừa tiết kiệm, vừa an toàn mà vẫn thể hiện được lòng thành của mình", chị Anh tâm sự.
Trên Dân Trí, chuyên gia Văn hóa, TS Đinh Đức Tiến (Trường Đại học KHXH&NV) chia sẻ lễ Vu Lan báo hiếu cần chuẩn bị thành tâm và thể hiện được lòng biết ơn, thành kính đối với ông bà, cha mẹ đã khuất. "Để có một lễ cúng Vu Lan trọn vẹn ý nghĩa trong đại dịch chúng ta cần chuẩn bị lễ vật đơn giản, nhưng vẫn đảm bảo phong tục truyền thống: hương, đăng, hoa, quả, một chút lễ cúng chay (nếu có): khoai sắn, bỏng ngô, hạn chế sử dụng vàng mã (hoặc sử dụng với số lượng vừa phải)", TS Đinh Đức Tiến chia sẻ. Tiến sĩ Tiến cũng cho biết thêm, trong ngày lễ này quan trọng nhất là bạn phải chuẩn bị tấm lòng thành kính, cái tâm trong sáng, đối xử tốt với cha mẹ và luôn trang bị sự hiểu biết về phong tục này nói riêng và các phong tục nghi lễ khác nói chung. Trong thời điểm dịch bệnh, chúng ta càng cần sự đơn giản, tránh lãng phí, tránh tác động xấu đến môi trường và đặc biệt là tổ chức nghi lễ trong khuôn viên của gia đình, tránh tiếp xúc đông người và luôn đề phòng nguy cơ cháy nổ (nếu có đốt vàng mã). |