"Chiều thứ Hai anh sẽ về", câu nói cuối cùng với vợ của Thượng úy Đinh Văn Dương trước khi anh và 20 đồng đội lên chiếc trực thăng Mi 171 gặp nạn hôm 7/7 khi đang làm nhiệm vụ.
Nhưng, chiều đó anh và đồng đội gặp nạn, chị đã khóc rất nhiều, nước mắt chảy dài suốt 105 ngày. Và rồi cũng giọt nước mắt ấy lại chảy nhưng lần này là giọt nước mắt hạnh phúc khi người lính còn sống sót duy nhất ấy gọi được hai tiếng: "Vợ ơi!".
Chị Nguyễn Thị Hải - vợ Thượng úy Đinh Văn Dương (người lính cuối cùng trong vụ tai nạn máy bay rơi còn sống sót)
"Chiều thứ 2 anh sẽ về"
Chúng tôi đến phòng trọ của chị Nguyễn Thị Hải trong một con hẻm nhỏ trên phố Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội), khi bé Hải Anh - con trai của chị và Thượng úy Đinh Văn Dương (người lính cuối cùng trong vụ tai nạn máy bay rơi còn sống sót) đang tập lẫy. Nhìn cậu con trai kháu khỉnh và niềm hạnh phúc của chị Hải có lẽ chẳng ai hiểu 105 ngày qua chị đã sống trong chờ đợi, khắc khoải và hy vọng sự trở về của chồng như thế nào. Tiếp chuyện chúng tôi, mắt chị luôn ánh lên niềm hạnh phúc về một ngày mai tươi sáng với gia đình bé nhỏ của mình.
Chị kể rất nhiều về những ngày tháng yêu nhau của hai người. Mối tình dung dị của anh chị bắt đầu từ những tháng năm khi cả hai gặp nhau trong một lần đến nhà người bạn chơi. Sau lần gặp đầu tiên ấy, cả hai trái tim đã đồng điệu hòa lại cùng một nhịp. Biết anh là lính hay phải xa nhà nhưng chị càng yêu anh hơn. Chuyện hẹn hò của đôi trẻ ngày ấy cũng bị ngắt quãng bởi nhiệm vụ của anh. Ngày chị đi làm thì anh được nghỉ, ngày anh lên đơn vị chị lại được nghỉ, những lời yêu thương của anh chị chủ yếu được chuyển tải qua điện thoại.
Những kỷ vật của người lính, chị nhận từ anh trong những ngày yêu nhau đã khiến chị thấy cuộc sống của mình có thêm ý nghĩa. Đó là chiếc áo mà ngày đầu anh vào quân đội, là chiếc cầu vai, là quân hàm phù hiệu và những bức thư tình đậm chất lính. Những kỷ vật ấy đối với chị như một khối tài sản tinh thần vô giá để rồi một ngày, chị Hải và anh bộ đội Dương thành vợ chồng trong niềm chung vui của hai gia đình, bạn bè và đồng đội của anh.
Thế rồi bé gái đầu lòng ra đời trong căn phòng nhỏ cũng trong con hẻm này. Những ngày vắng anh, chị Hải một mình bận bịu lo toan cho tổ ấm nhỏ. Rồi khi anh về, tổ ấm ấy lại ngập tràn hạnh phúc... Chị bảo: "Lính tình cảm lắm anh ạ".
Hạnh phúc ấy tưởng chừng như được nhân lên khi đứa con thứ hai được dự đoán là bé trai của họ chuẩn bị chào đời. Vợ chồng anh chị đã có những kế hoạch để đón chào thành viên mới trong gia đình. "Trước hôm xảy ra tai nạn (Chủ nhật ngày 6/7), anh gọi điện về nhà hẹn chiều thứ Hai xong nhiệm vụ anh sẽ về. Lúc đó, theo dự kiến của bác sỹ chỉ còn một tuần nữa là tôi sinh con nên anh Dương lo lắng hơn bình thường. Đến chiều đó, khi nhận được tin từ anh em đồng đội của anh, tôi vẫn không tin vào tai mình, bởi tôi nhớ như in lời anh nhắc đi nhắc lại là chiều thứ Hai (ngày 7/7- PV) anh sẽ về", chị Hải kể về giây phút bàng hoàng đó với chúng tôi.
"Khi các anh được đưa về bệnh viện, tôi nhận thông báo, trong danh sách các chiến sỹ nhập viện cấp cứu có tên chồng tôi nhưng thực sự tôi vẫn không dám tin chồng tôi có mặt tại đó. Khi nhận được chiếc nhẫn cưới, nước mắt giàn giụa, tôi ngất đi lúc nào không hay", chị Hải nhớ lại.
Hai đứa con đáng yêu của vợ chồng anh Dương. Bé Hải Anh (bên trái) được sinh ra ngay sau khi bố gặp nạn chỉ 2 ngày.
105 ngày sống trong hy vọng
Do tâm lý bị ảnh hưởng nên chị Hải phải mổ sinh trước gần 10 ngày so với dự kiến sinh và sau 2 ngày anh Dương gặp nạn. Và may mắn đã mỉm cười với gia đình chị khi mẹ tròn con vuông, cậu con trai giống bố như đúc, nặng 2,8kg. Cô con gái đầu mới 4 tuổi ngày nào cũng theo bà và bác gái vào thăm cha nhưng chỉ được đứng ở ngoài. Mới sinh con, chồng đang thập tử nhất sinh, tủi thân chị lại khóc. Nhìn con còn đỏ hỏn, chồng chưa biết sinh tử ra sao, cuộc sống bộn bề trước mắt nhưng tình yêu và bản thân mình cũng sẽ là một người lính nên chị không cho phép mình quỵ ngã.
Thêm vào đó, được sự động viên của đồng đội anh, đồng nghiệp cơ quan cùng công tác, những người thân, chị dần đứng vững. Tuy mới sinh con gần bốn tháng nhưng thời gian này, chiều nào chị Hải cũng đi từ phòng trọ sang bệnh viện thăm chồng. Gần 105 ngày chờ đợi, âu lo, khắc khoải, từng ngày trôi qua rồi niềm tin về sự sống của anh trong chị được thắp sáng khi các bác sỹ thông báo, anh đã tỉnh lại. Đến ngày 31/10, anh đang trong giai đoạn phục hồi, bỏ máy thở, có thể nói chuyện, ăn uống và vận động chậm, nghĩa là sức khoẻ đã được phục hồi.
Bốn tháng điều trị tại viện Bỏng quốc gia, anh trải qua 17 lần phẫu thuật, tháo bỏ 2 khớp gối, 10 đầu ngón tay và phần da bị bỏng nặng tạm thời được ghép từ da đồng loại và màng sinh học. Chừng ấy lần, tim chị thắt lại và sống trong chờ đợi. Chị đã òa khóc khi nghe tiếng anh gọi "vợ ơi" ngay sau khi tỉnh lại. Ngày anh tỉnh lại, cô con gái còn đứng hát cho cha nghe. Có lẽ tiếng hát của con gái, tiếng chuyện trò của vợ và niềm ao ước mãnh liệt của anh mong muốn nhìn thấy con trai đã khiến anh tỉnh lại. Tất cả bác sỹ, người thân, đồng đội có mặt lúc ấy, không ai ngăn được nước mắt khi thấy "niềm hy vọng duy nhất của 21 người lính" trở về sau 105 ngày chiến đấu để giành lại sự sống.
Giờ đây, trải qua những ngày gian khó, ngày đoàn tụ của anh và chị chẳng còn xa. Viện Bỏng nơi anh điều trị bây giờ không chỉ là gia đình, là đồng đội, là nơi điều trị mà nó còn là nơi ươm mầm niềm hy vọng của anh và chị. Nhắc đến tương lai, chị Hải bùi ngùi: "Anh ấy trở về có thế nào đi chăng nữa thì gia đình tôi cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Còn 20 đồng đội của anh ấy trên chuyến bay đã mãi mãi không trở về... Nỗi đau mất mát quá lớn ấy vẫn kẹt lại trong tim mỗi người mẹ, người vợ của đồng đội chồng tôi...".
Ngày anh tỉnh lại, niềm hạnh phúc vỡ òa với tất cả mọi người chứng kiến. Nhưng khi đôi tay của người cha, người lính ấy chưa lành mà vẫn cố dang tay muốn bế cậu con trai mới sinh đã làm người chứng kiến rơi nước mắt xúc động. "Tay anh chưa lành nhưng anh vẫn cố vươn tay muốn bế con. Đến khi không thể nhấc được tay lên, anh vẫn cố vươn cổ hôn con. Sau này, khi sức khỏe dần hồi phục, anh đều dành thời gian tập tay, anh tập nhiều lắm. Anh bảo, anh phải tập để được bế con trai", chị Hải rưng rưng kể về niềm hạnh phúc và sự cố gắng của Thượng úy Đinh Văn Dương ngày đầu tỉnh lại khi gặp con trai. |