Chưa chính thức đổ bộ vào miền Trung nhưng bão số 8 đã gây mưa lớn và thiệt hại về tài sản. Các tỉnh vẫn đang gấp rút hoàn thành mọi công tác chống bão.
Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và Kon Tum, Gia Lai mưa to
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, lúc 13 giờ ngày 18/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 1 giờ ngày 19/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Trong khoảng 12 đến 24h tiếp theo bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới này tiếp tục suy yếu dần thành một vùng áp thấp và tan dần.
Từ đêm nay (18/9), ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9 và cần đề phòng nước biển dâng từ 1,5 đến 2m. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa đến mưa to; riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai có mưa to đến rất to.
Hiện tại, lượng mưa lớn nhất đo được trong hai ngày qua ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) lên tới 378mm. Tiếp ten là Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 364mm vàEaHleo (Đắc Lắc) 343mm…Cấp gió đo được ở đảo Bạch Long Vĩ mạnh 13m/s (cấp 6), giật 17m/s (cấp 7); đảo Lý Sơn gió mạnh 11m/s (cấp 6), giật 18m/s (cấp 8); đảo Phú Quý gió mạnh 14m/s (cấp 7), giật 19m/s (cấp 8). Rạng sáng ngày 19/9, bão sẽ chính thức đổ bộ các tỉnh miền Trung, công tác phòng chống bão hiện đang được các tỉnh cấp tập hoàn thành.
Khẩn trương sơ tán dân
Tại Quảng Ngãi, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho hay, tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định dừng tất cả các cuộc họp, hội thảo, hội nghị ở các huyện miền núi và một số huyện trọng yếu bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 8 để dồn mọi lực lượng chống bão. Hiện, các tàu đã nhận được lệnh nghiêm cấm xuất bến, khoảng 1.300 tàu thuyền đã vào nơi trú tránh bão an toàn. Dự báo trên địa bàn tỉnh từ hôm nay đến ngày 20/9 sẽ có mưa lớn, một số nơi lên đến 300mm. Do vậy, đề phòng nguy cơ ngập úng, chia cắt, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu khẩn trương rà soát các khu dân cư ở vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối và vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở núi. Nếu cần thiết phải sơ tán thì khẩn trương sơ tán dân đến nơi an toàn. Các lực lượng túc trực tại các bến đò ngang, đò dọc và những nơi hầm, ngâm, nước xiết, tránh thiệt hại tới mức tối đa khi có tình huống xấu xảy ra. Hiện, mưa tại Quảng Ngãi đã khiến một số bản làng bị cô lập. Đường sạt lở nhiều đoạn, Quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi đi Kon Tum đoạn qua xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ, hàng chục mét khối đất đá đổ xuống khiến giao thông bị tắc nghẽn.
Thị trấn Ea Drăng (Ea H’Leo, Đắc Lắc) bị ngập sâu (Ảnh: Dân Việt).
Lũ lớn ập về, tích hoa màu tại huyện Ea H’Leo (Đắc Lắc) bị nhấn chìm (Ảnh: Dân Việt).
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã lệnh cho xã Hải Dương, Thị xã Hương Trà phải khẩn trương sơ tán 51 hộ dân ở khu vực xóm Ghềnh – Cồn Đâu, xã Hải Dương vào nơi an toàn. Việc này phải hoàn thành trước 18 giờ chiều nay (18/9) trước khi bão đổ bộ vào. Gần 3.000 hộ dân ở các vùng có nguy cơ khác cũng đã phải sơ tán đến nơi an toàn. Lệnh cấm biển cũng đã được triển khai tại tỉnh, các ghe thuyền bãi ngang cũng không được phép ra biển khi chưa có lệnh cho phép. Các lực lượng như Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an và các ngành, địa phương đã được lệnh sẵn sàng trực, ứng cứu với mọi tình huống trong bão.
Tại đoạn bờ biển đoạn thôn Thái Dương Hạ Nam xã Hải Dương, thị xã Hương Trà hiện bị lấn sâu hơn 10 m, dài 150 m. 1.000 người dân cùng các lực lượng chức năng đã dùng bao cát, đá, rọ thép, kè, chống để khắc phục.
Đặc biệt, tại tỉnh Đắk Lắc, hồ chứa nước Ea Drăng có dung tích 1,2 triệu m3, nước hồ tràn qua đập gây xói mái hạ lưu đập. UBND huyện đã cho xả lũ qua tràn với lưu lượng lớn nhất để hạ thấp mực nước hồ nên gây lũ lớn cho vùng hạ du. Tại huyện EaHleo mưa lũ cuốn trôi 6 nhà dân tại thị trấn EaĐrăng, 43 người dân đi làm rẫy tại xã EaHleo bị cô lập, lực lượng bộ đội địa phương đã tiếp cận và đưa qua suối. Vẫn còn 3 người hiện chưa tiếp cận được. Huyện EaSúp cũng bị mưa lũ gây cô lập khiến 21 hộ dân đi làm rẫy tại xã CưKbang chưa về được. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện đã ứng cứu được 4 người, số hộ dân còn lại vẫn chưa thể tiếp cận.