Bão sẽ đổ bộ vào bờ vào đêm 18/9 rạng sáng ngày 19/9 trên khu vực từ Quảng Nam – Quảng Ngãi. Mọi biện pháp phòng chống bão ở trên bờ phải xong trước 18h ngày mai.
Đổ bộ Quảng Nam – Quảng Ngãi
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương cho hay, lúc 13 giờ ngày 17/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km. Đến 13 giờ ngày 18/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 170 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, như vậy khoảng sáng ngày 19/9 bão sẽ đi vào khu vực Quảng Nam – Quảng Ngãi. Đến 13 giờ ngày 19/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Quảng Nam- Quảng Ngãi- Kon Tum. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Bình – Bình Định từ gần sáng và ngày mai (18/09), gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh.
Khu vực các tỉnh Nghệ An đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió tây nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh.
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương cho hay, tuy đã mạnh lên thành bão từ sáng nay nhưng đến chiều (17/9), các đài khu vực trên thế giới vẫn chưa phát tin về bão số 8.
Ông Tăng nhận định, chiều nay và sáng mai (18/9), bão số 8 sẽ di chuyển theo hướng Tây, khi đi vào khu vực bờ biển các tỉnh Trung Trung bộ sẽ lệch về phía Tây Nam do tương tác với một cơn bão khác đang tồn tại ngoài khơi Philippin có tên là Usagi. Theo ông Tăng, bão Usagi là một cơn bão mạnh, phát triển rất nhanh nên sẽ gây sự phức tạp cho cơn bão số 8 đang hoạt động trên biển Đông.
Dự báo, bão số 8 sẽ đổ bộ vào bờ vào đêm 18/9 rạng sáng ngày 19/9. Khoảng sáng ngày 19/9 bão sẽ đi vào khu vực Quảng Nam – Quảng Ngãi. Do vậy, để chống bão tốt nhất, ông Tăng cho rằng, mọi biện pháp phòng chống bão ở trên bờ phải xong trước 18h ngày mai (18/9). Khi tiếp cận bờ, cường độ bão mạnh nhất ở cấp 9, khi đổ bộ sẽ ở cấp 8.
Lượng mưa có thể lên tới 400 mm – 500 mm
Đường đi của bão số 8 lúc 13h chiều 17/9 (Nguồn: TTDBKTTV)
Về lượng mưa trong và sau bão, ông Tăng đặc biệt lưu ý vì cộng thêm ảnh hưởng của dải nhiệt đới kéo dài nối với cơn bão Usagi ngoài khơi Philipoin nên sẽ có mưa lớn trên diện rộng, trải khắp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Trọng tâm các tỉnh bị mưa tập trung từ Nghệ An đến Quảng Ngãi với lượng mưa phổ biến từ 200mm-300mm. “Đặc biệt, một số vùng mưa cục bộ có thể lên tới 400mm-500mm, là lượng mưa rất lớn”, ông Tăng nói.
Thời gian mưa sẽ bắt đầu từ sáng mai, dự báo kéo dài hết ngày 20/9. Bão số 8 lại đổ bộ đúng dịp Trung thu, là thời điểm triều cường lớn, sẽ gây gió và sóng biển dâng cao dọc các tỉnh từ Đà Nẵng trở ra đến Hà Tĩnh.
Theo nhận định của ông Tăng, lượng mưa trong cơn bão này cần đặc biệt đề phòng bởi dọc các tỉnh miền Trung đã có mưa kéo dài nhiều ngày nay. Hiện tại, mực nước các sông hầu hết đều ở mức báo động I, còn nước các hồ vẫn đang tiếp tục dâng cao. Theo số liệu của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương thì đã có 53 trong tổng số 157 hồ đầy.
Huy động 6.000 người cùng trực thăng chống bão
Chiều 17/9, để chủ động đối phó với bão số 8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp khẩn với Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương và Ủy ban Quôc gia Tìm kiếm cứu nạn.
Theo báo cáo số 414/BC-CQTT ngày 17/9 của Cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, Tìm kiếm cứu nạn/Bộ độ Biên phòng, Biên phòng các tỉnh đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 27.420 phương tiện/135.015 người biết diễn biễn của bão để chủ động phòng tránh.
Đại diện Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao gửi công hàm cho các nước trong khu vực đề nghị cho tàu thuyền Việt Nam vào tránh trú bão số 8.
Cơ quan này cũng đã huy động gần 6.000 người, 535 phương tiện gồm 277 ô tô, 272 thuyền và ca nô để ứng trực phòng chống bão. Ngoài ra, 6 máy bay trực thăng cũng trong tình trạng sẵn sàng để ứng phó với mọi tình huống xảy ra trong bão.
Vì là cơn bão hình thành trên biển Đông, mức độ phòng chống bão đòi hỏi phải rất khẩn trương nên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định mọi công tác phòng chống bão số 8 không thể chủ quan. Vùng nguy hiểm được xác định từ Quảng Bình đến Phú Yên, vì vậy, địa phương cần tiếp tục kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương thì đáng lo ngại nhất là sông hồ khu vực miền Trung do đã đầy nước, với lượng mưa được dự báo thì nguy cơ gây lũ rất lớn. Chỉ đạo trực tiếp, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng Bộ Công thương tính toánh phương án điều tiết nước các hồ chứa, phải đảm bảo cả hai mục tiêu cắt lũ và đảm bảo nước cho sản xuất.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão phải nắm được các khu dân cư có nguy cơ bị ngập lụt, lũ quét để có phương án sơ tán dân. Phó Thủ tướng nói: “Rất nhiều lần Ban chỉ đạo yêu cầu địa phương phải đánh giá khu dân cư nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, lũ nhưng vẫn cứ để xảy ra những hậu quả đáng tiếc. HIện, biến đổi khí hậu, xây dựng hạ tầng cùng với việc chặt phá rừng đã tác động rất lớn, sự phân bổ lũ không còn theo quy luật. Do đó, các địa phương phải bám sát vào biểu đồ dự báo để có phương án cho địa phương mình”.