Đó là kiến nghị của Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội trong buổi họp thông báo kết luận về việc mở ngành đào tạo Y-Dược tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Kiến nghị có ngưỡng điểm cho ngành Y-Dược
Liên quan đến việc mở ngành đào tạo Y Đa khoa và Dược học tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, chiều ngày 28/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức có thông báo về việc sẽ chỉ đồng ý cho trường đại học này mở ngành đào tạo nếu đủ điều kiện mà cơ quan nhà nước quy định.
Như vậy, có nghĩa là nếu trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đáp ứng đủ các yêu cầu đối với ngành Dược học là thực hiện xong hợp đồng mua bán thiết bị đã ký với trị giá 23 tỷ đồng; bổ sung tối thiểu một thạc sĩ môn Phân tích kiểm nghiệm.
Còn đối với ngành Y Đa khoa là: bổ sung đội ngũ, trong đó có 01 tiến sĩ Sản khoa, 6 giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành của 6 môn học: Chẩn đoán hình ảnh, truyền nhiễm, ký sinh trùng, sinh lý bệnh, miễn dịch, mô phôi và thực hiện hợp đồng mua bán trang thiết bị trị giá 11 tỷ đồng.
Trước những kết luận trên, rất nhiều những câu hỏi đã được đặt ra đối với các cơ quan chức năng, trong đó tập trung chủ yếu về vấn đề chất lượng đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh và điểm tuyển sinh đầu vào.
Từ trái sang phải: Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế; Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD; Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GĐ&ĐT), hiện nay vẫn thực hiện theo quy định mức điểm sàn chung do Bộ GĐ & ĐT quy định. “Trên thực tế, Luật giáo dục cho phép quyền tự chủ của các trường khi tuyển sinh. Liệu đặt ra điểm sàn riêng cho trường nào hay ngành nào có vi phạm luật này không?
Vì vậy, chúng tôi sẽ thảo luận tiếp và xin ý kiến xã hội. Nếu được sự đồng thuận giữa các trường và thí sinh, chúng tôi sẽ áp dụng điểm sàn riêng này”.
Trả lời về vấn đề này, GS Nguyễn Đức Hinh – Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cho biết: “Ngày 15/12, Hội đồng các trường đào tạo chuyên ngành Y Dược đã họp tại Trường Y Hà Nội. Tất cả các thành viên vẫn nhất trí áp dụng việc tuyển sinh năm 2016 vẫn theo điểm sàn thi THPT Quốc gia của các em. Chúng tôi cũng yêu cầu tất cả các trườngcũng phải áp dụng như vậy.
Cũng tại buổi họp này, có rất nhiều ý kiến cho rằng nên đề nghị Bộ GĐ&ĐT cho một ngưỡng điểm cho ngành y, dược. Phổ điểm đó cần phải xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra.
Chúng ta tôn trọng quyền tự chủ của các trường theo luật nhưng cũng phải quan tâm đến chất lượng đào tạo, cũng như không phải gạt hầu hết các trường khác ra chỉ để một số ít trường trong sân chơi này”.
Đồng thời, Hiệu trường trường Đại học Y cũng cho biết: “Do ngành Y – Dược là một ngành đặc biệt, nên chúng tôi đang kiến nghị, nếu mở mã ngành Y thì phải Thủ tướng ký quyết định thành lập”.
Vấn đề giáo viên còn nhiều trăn trở
Sau khi trả lời các câu hỏi liên quan đến chất lượng đầu vào cũng như điểm sàn khi đào tạo ngành Y-Dược, một vấn đề được rất nhiều người quan tâm đó chính là chất lượng giảng viên sẽ tham gia giảng dạy ngành Y Đa khoa và Dược tại trường Đại học KD&CN.
Theo đó, đa số các ý kiến đều cho rằng, giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy ở trường này dù là giáo sư và phó giáo sư nhưng tuổi đều đã cao, ngoài ra đã ít hoạt động trong lĩnh vực y- dược lâu năm… Như vậy liệu có đảm bảo chất lượng?
Trả lời câu hỏi trên, cả bà Nguyễn Thị Kim Phụng và GS Nguyễn Đức Hinh đều dẫn luật và cho rằng, đối với giáo sư sau khi về hưu vẫn được tham gia công tác chuyên môn 10 năm, phó giáo sư là 7 năm và tiến sĩ là 5 năm tại các cơ quan nhà nước.
“Chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng để làm sao đảm bảo cho những người còn sức lực, trí tuệ công hiến và không làm mủi lòng các nhà giáo đã có nhiều năm cống hiên. Hiện nay chưa có quy định nào khống chế tuổi tác khi tham gia giảng dạy tại các trường tư thục. Quan điểm của tôi là cần phải có thế hệ kế cận (giáo viên già và giáo viên trẻ) mới hài hoà”, bà Phụng nói.
Còn GS Hinh thì phân trần: “Vấn đề tuổi tác ở đây rất khó và tôi cũng rất trăn trở vì đây là đụng vào các thầy của mình”.
Tuy nhiên, trước câu hỏi về việc số giảng viên hiện đang ở trên 65 tuổi là giảng viên cơ hữu của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hiện có bao nhiêu người? Tất cả các thành viên trong đoàn kiểm tra đều chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng.
Cũng liên quan đến vấn đề tuổi tác và chất lượng giảng viên, ông Nguyễn Minh Lợi – Cục phó Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, không cần biết tuổi tác như thế nào, nhưng đã là giảng viên cơ hữu thì điều kiện là phải có chứng chỉ hành nghề.
“Các giảng viên chuyên ngành đều phải thi chứng chỉ hành nghề, kể cả là tuổi cao, nếu không có chứng chỉ hành nghề thì sẽ không được làm giảng viên cơ hữu”, ông Lợi khẳng định.