Nhu cầu mong cho con trở thành người có ích, thành thiên tài là nhu cầu mong ước chính đáng của các bậc làm cha làm mẹ. Việc cho con học chữ, sớm biết đọc là có thực.
Mới đây, trong Hội thảo khoa học bàn về đổi mới về chương trình và sách giáo khoa tại TP. HCM, cô giáo Lê Thị Hường – Hiệu trưởng trường mầm non Gấu trúc, huyện Nhà Bè đã đưa ra quan điểm của mình về vấn đề dạy trẻ sớm biết đọc.
Theo cô Hường, dạy trẻ sớm biết đọc có thể hiểu là quá trình dạy cho trẻ trong độ tuổi mầm non biết đọc chữ, đọc sách báo, đọc truyện trước tuổi đi học.
Ngày nay, số lượng trẻ trong độ tuổi mầm non biết đọc chữ ngày càng tăng, các bé 5 tuổi biết đọc ít nhiều trước khi vào lớp 1 không còn là chuyện lạ, thậm chí có cả những bé chỉ khoảng từ 2 đến 3 tuổi đã có thể đọc được truyện, các biểu bảng trên đường phố, các chữ trên ti vi… Điều này gây nhiều tranh cãi là nên hay không nên, có lợi hay có hại, ảnh hưởng tốt hay xấu đến tương lai, thói quen, tính cách đứa trẻ sau này?
Có hai hướng tranh luận của các phụ huynh như sau:
Hướng thứ nhất cho rằng dạy trẻ sớm biết đọc là làm hại, tổn thương tâm lý trẻ, làm kìm hãm sự sáng tạo, tìm tòi, trẻ dễ bị nhàm chán, bỏ học, bị bệnh chủ quan, làm mất đi cơ hội vui chơi.
Theo thạc sĩ tâm lý học Tạ Thị Thu Huế, giai đoạn 4 đến 5 tuổi là gian đoạn trẻ có nhu cầu vui chơi, khám phá thế giới xung quanh rất lớn. Lúc này cơ thể trẻ chưa đủ trưởng thành để đáp ứng những nhu cầu cho việc ngồi một chỗ và học tập. Quan trọng hơn là não bộ của trẻ ở độ tuổi này cũng dễ thích nghi với những kiến thức được trẻ tìm tòi, khám phá, và tư duy một cách logic hơn là bị áp đặt ngồi học.
Việc bắt trẻ ngồi học quá nhiều dẫn đến khi trẻ lớn lên và nhớ lại kí ức tuổi thơ mình chỉ toàn là những bài vở, những áp lực tâm lý và không có khoảng thời gian hạnh phúc của thời thơ ấu như những bạn bè cùng trang lứa.
Nhu cầu dạy trẻ sớm biết đọc trước khi vào lớp 1 là có thực. Trong ảnh, học sinh mẫu giáo trong giờ học - Ảnh: V. Luận
Ở độ tuổi này, mất đi cơ hội vui chơi chính là mất đi cơ hội rèn luyện thể chất, mất đi cơ hội học được kĩ năng sống, mất đi những khám phá và ý thức về thế giới xung quanh mà việc học chữ không những không làm được mà còn giết chết những cơ hội đó.
Hướng thứ hai cho rằng, việc dạy trẻ biết đọc sớm có lợi nhiều trong việc phát triển ngôn ngữ và trí não, khi biết đọc trẻ sẽ càng có thêm nhiều cơ hội khám phá thế giới, tri thức qua sách vở mà không cần quá phụ thuộc vào cha mẹ. Qua đó, giúp trẻ chủ động hơn trong việc tìm tòi, khám phá, khả năng học hỏi và phát triển bộ não, tư duy cũng như kĩ năng của trẻ em.
Theo cô Hường, thực trạng phụ huynh mong muốn con biết đọc sớm thể hiện rõ thông qua hai hiện tượng. Một là, phụ huynh cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 trong các trung tâm dạy chữ hay phổ biến nhất là hình thức gửi con tại nhà cô giáo dạy lớp 1 hay cô giáo dạy lớp lá. Đăng ký cho con học tại các trường tư thục vào buổi chiều hoặc phụ huynh tự dạy tại nhà, mua những thẻ chữ, trò chơi có chữ cho trẻ tự chơi…Tất cả điều đó nhằm cho trẻ làm quen với mặt chữ, biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1. Hiện tượng này xuất hiện từ các trung tâm thành phố đến vùng nông thôn.
Những hình trái cây giả có dán chữ để dạy cho trẻ mầm non - Ảnh: V.Luận
Thứ hai, phụ huynh tự tìm hiểu về giáo dục sớm, tự mua tài liệu, tự nghiên cứu, tự mua học liệu về dạy cho con tại nhà.
Mặc dù khuyến cáo rất nhiều về việc không cho trẻ mầm non học chữ sớm nhưng giáo dục mầm non vẫn không sao ngăn được hiện tượng phụ huynh ồ ạt cho con học chữ trước khi vào lớp 1 bằng nhiều cách, nhiều hình thức. Hiện tượng đó không còn xa lạ, nó trở thành nhu cầu có thực, cha mẹ tự tạo cho mình áp lực phải làm sao cho con biết đọc.
Nhu cầu mong cho con trở thành người có ích, thành thiên tài là nhu cầu mong ước chính đáng của các bậc làm cha làm mẹ. Mặc khác, khoa học đã dần chứng minh chức năng và vai trò của não sẽ phát triển tốt nhất trong giai đoạn tuổi mầm non.
Sau cùng, cô Hường đề nghị các nhà giáo dục quan tâm đến nhu cầu giáo dục sớm hay cụ thể là dạy trẻ sớm biết đọc, soạn thảo chương trình học cấp mầm non và tiểu học sao cho có sự thống nhất, đồng bộ trong thời gian tới.