Có những đêm cao điểm, khoa Nhi Bệnh viện E Trung ương tiếp nhận và điều trị cho 6 bệnh nhi cùng nhập viện vì căn bệnh sốt xuất huyết.
TS.BS Lương Thị Thu Hiền – Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp (Bệnh viện E Trung ương) cho biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận và điều trị cho 30-40 trường hợp bệnh nhân nhi mắc các bệnh sốt xuất huyết. Những hôm cao điểm, có tới 6 bệnh nhi cùng mắc sốt xuất huyết nhập viện.
Trong đó có những bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đã có biến chứng nặng, nếu không kịp thời cứu chữa sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
Điển hình như trường hợp bệnh nhi (7 tuổi, ở Đồng Xa, Cầu Giấy, Hà Nội) mắc sốt xuất huyết nặng có biểu hiện sốc kèm theo tiểu cầu và bạch cầu đều giảm thấp, huyết áp dao động.
BS Hiền đang thăm khám cho một bệnh nhi bị sốt xuất huyết.
Ngay sau khi vào viện, các bác sĩ đã phải điều trị tích cực, chống sốc cho bệnh nhi. Tuy nhiên, khi bệnh nhi qua cơn nguy kịch thì lại xuất hiện thoát huyết tương gây ra tràn dịch màng bụng và đa màng.
“Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhi, chúng tôi phải túc trực bên bệnh nhi theo dõi sát sao 24/24h, áp dụng các biện pháp chống sốc đặc biệt.
Đến ngày thứ 8, bệnh nhi mới có dấu hiệu phục hồi, ăn, ngủ và cắt được cơn sốt, tràn dịch màng bụng giảm, các chỉ số sinh hóa dần về bình thường”, BS Hiền chia sẻ.
Theo BS Hiền, bệnh sốt xuất huyết sẽ nguy hiểm trên cơ địa là trẻ em do hệ miễn dịch kém. Vì vậy các bậc phụ huynh phải theo dõi sát sao con em mình khi có dấu hiệu tăng nhiệt độ cơ thể để nhận biết đúng bệnh và điều trị kịp thời.
Khi trẻ mắc sốt xuất huyết nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong.
Ngoài sốt xuất huyết nhiều trẻ nhập viện vì thay đổi thời tiết.
Ngoài sốt xuất huyết, BS Hiền cho biết thêm, hiện đang là thời điểm có nhiều diễn biến bất thường về thời tiết, chính về thế số lượng trẻ nhập viện do nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm amidan; nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi… cũng gia tăng.
Ngoài ra, căn bệnh liên quan đến đường tiếu hóa cũng đang khiến nhiều gia đình có trẻ nhỏ đứng ngồi không yên.
Theo BS Hiền, từ đầu mùa dịch đến nay, tại khoa Nội nhi có khoảng 50 bệnh nhi mắc tiêu chảy nhập viện điều trị. Trong số đó, có tới hơn 30% bệnh nhân mắc tiêu chảy do rotavirus.
Cách phòng bệnh tốt nhất đối với bệnh tiêu chảy là tiêm hoặc uống vắc-xin phòng bệnh, hạn chế cho trẻ ra ngoài nắng, để nhiệt độ điều hòa không quá chênh lệch với môi trường và quan trọng giữ gìn môi trường xung quanh cho trẻ an toàn, sạch sẽ…