Nhiều người lo lắng ngành học này ít thí sinh quan tâm, thiếu nhân lực trong tương lai, nhưng thực tế năm nay lại có điểm chuẩn top 1 các trường.
Sư phạm Lịch sử: Cao chót vót 28,58 điểm
Mùa tuyển sinh 2023 được các giáo viên, chuyên gia đánh giá ổn định về các phương thức và điểm chuẩn. Tuy nhiên ngay sau khi công bố điểm chuẩn các trường đại học, một số ngành học lại mang đến bất ngờ.
Một trong những ngành đáng chú ý năm nay là Sư phạm Lịch sử. Nhiều người lo sợ môn Lịch sử đang dần kém sức hấp dẫn với các học sinh thì năm nay điểm chuẩn ngành này cao nhất tại các trường đại học sư phạm.
Cụ thể, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là 28,42 điểm, cao nhất trong các ngành.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết nhóm ngành có điểm chuẩn cao gồm Sư phạm Toán học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử. Điểm chuẩn nhóm này ở mức 26-28,42, trong đó ngành Sư phạm Lịch sử (tổ hợp C00 - Văn, Sử, Địa) cao nhất.
"Ngành Sư phạm Lịch sử lấy hơn 28 điểm do chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm", PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nói. Được biết, 16 học sinh đạt giải quốc gia môn Lịch sử đăng ký vào ngành này của trường và đã nhập học trước theo diện xét tuyển thẳng.
Điểm chuẩn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng cho thấy ngành Sư phạm Lịch sử giữ vị trí đầu bảng với 28,58 điểm. Đây là ngành có điểm chuẩn cao nhất năm 2022 của trường.
Trường Đại học Sư Phạm - Đại học Thái Nguyên cũng công bố điểm chuẩn 2023. Theo đó, ở diện xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, mức điểm cao nhất là Sư phạm Lịch sử với 28 điểm cho cả ba khối dự tuyển gồm C00, C19 và D14.
Tại Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Huế, Trường Đại học Đà Nẵng cũng đều có ngành Sư phạm Lịch sử lấy điểm cao nhất vào trường, từ 27,58 – 28 điểm.
Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Sài Gòn… dù ngành Sư phạm Lịch sử không cao nhất nhưng cũng chỉ xếp sau Sư phạm Ngữ văn hay Sư phạm Toán học.
Năm thiết lập kỷ lục của ngành Sư phạm Lịch sử
Thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Lịch sử, Trường liên cấp Đông Bắc Ga, Thanh Hóa nhận xét: "Năm 2023 có thể được coi là năm thiết lập kỷ lục về tiêu chuẩn đầu vào của ngành sư phạm Lịch sử. Điều này thật sự là một tín hiệu đáng mừng, không chỉ với những giáo viên Lịch sử như chúng tôi, mà còn đối với toàn bộ hệ thống giáo dục. Một số trường đại học đã tuyển sinh với mức điểm trên 28, một con số rất cao, cho thấy khả năng tuyển chọn được những sinh viên có năng lực thật sự.
Môn Lịch sử trước đây ít được coi trọng và ít được các bạn trẻ lựa chọn. Tuy nhiên, hiện tượng Sư phạm Lịch sử trở thành một ngành hấp dẫn với điểm chuẩn cao đã diễn ra. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là do môn Lịch sử đã có một vị trí xứng đáng trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới và trở thành môn bắt buộc. Việc này góp phần củng cố tầm quan trọng của môn học và tạo ra động lực để giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy.
Tất nhiên, không chỉ môn Sử mà hầu hết các ngành sư phạm đều tăng điểm chuẩn. Đã qua rồi cái thời chỉ cần 14 điểm đã vào chuyên sư phạm, đã qua rồi cái thời kỳ ngành sư phạm Lịch sử vắng hoe sinh viên, theo tôi, đây là điều đáng mừng nhất".
Theo thầy Hiển, nói điểm chuẩn sư phạm Sử tăng cao do đề thi tốt nghiệp dễ tất nhiên là không sai, đề thi năm nay so với các năm đã có sự phân hóa khá tốt, tuy nhiên số lượng điểm cao vẫn nhiều, có đến hàng trăm điểm 10, đó là sự thật.
“Chúng ta cũng sẽ thấy được nhiều yếu tố khiến môn Lịch sử có điểm cao hơn. Trước hết, hiện nay môn Lịch sử đã trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, vị trí xứng đáng đó tất nhiên sẽ dẫn tới những tín hiệu tích cực từ việc dạy và học. Giáo viên hào hứng hơn, nâng cao chất lượng giảng dạy, học sinh có động lực và tham gia tích cực hơn vào quá trình học tập.
Xã hội hiện nay đã có cái nhìn tích cực hơn về môn Lịch sử. Nhận thức về việc thiếu hụt kiến thức lịch sử nghiêm trọng ở giới trẻ đã trở nên rõ ràng hơn và được coi là một vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước. Việc nhận thức cao hơn về vị trí của môn lịch sử ở phía phụ huynh và xã hội chính là động lực để học sinh tích cực hơn trong quá trình học tập và chọn môn sử làm môn hướng nghiệp trong tương lai.
Thêm nữa, các trường đại học thắt chặt chỉ tiêu đào tạo sư phạm cũng khiến cuộc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn, điểm sàn tăng cao đảm bảo rằng sinh viên trong tương lai sẽ có trình độ và khả năng đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục.
Việc đánh giá năng lực người học phải dựa vào nhiều yếu tố, nếu chỉ dựa vào điểm số, nhất là một kỳ thi như tốt nghiệp THPT là chưa hoàn toàn chính xác. Ngoài yếu tố thực lực, để đạt điểm cao môn lịch sử còn cần yếu tố đam mê, cần cù và cả may mắn. Tôi nghĩ, điểm tích cực của việc điểm sàn ngành Sư phạm Lịch sử cao là chúng ta sẽ có được một đội ngũ giáo viên lịch sử trong tương lai có trình độ, được đào tạo bài bản, đáp ứng tốt nhu cầu đổi mới giáo dục lịch sử”.