Người đàn ông 48 tuổi ngụ tại TP. HCM đã tử vong do sốt rét ác tính sau khi chuyển vào bệnh viện cấp cứu trễ vì nhầm thành sốt xuất huyết.
Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP. HCM vừa có báo cáo về tình hình sốt rét trong tháng 5/2016 tại địa bàn các tỉnh Nam Bộ - Lâm Đồng.
Theo báo cáo, tại 20 tỉnh thành có 138 trường hợp bị sốt rét, trong đó có 96 ca có ký sinh trùng và tập trung chủ yếu ở tỉnh Bình Phước. Có 1 trường hợp tử vong do sốt rét ác tính tại TP. HCM.
Bệnh nhân tên Trần Văn N. 48 tuổi, ngụ tại phường Thới An, quận 12, trước đó lưu trú tại nước Angola – Châu Phi khoảng 1 tháng thì trở về Việt Nam. Trước ngày 15/5, bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao liên tục, lạnh run nên mua thuốc tự điều trị nhưng không khỏi.
Bệnh nhân sau đó nhập viện tại bệnh viện quận 12 điều trị với chuẩn đoán bị sốt xuất huyết, sốt cao, tri giác yếu dần, không nôn, không yếu liệt chi. Ngày 17/5 bệnh nhân hôn mê, không tiếp xúc nên chuyển vào bệnh viện bệnh Nhiệt đới, chuẩn đoán sốt rét ác tính.
Sau 2 ngày điều trị tích cực, đến ngày 19/5, bệnh nhân hôn mê sâu, xoa bóp tim không hiệu quả nên gia đình xin về nhà, tử vong ngay sau đó.
Theo bác sĩ Lê Mạnh Hùng, bệnh viện bệnh Nhiệt đới thì sốt xuất huyết dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh có biểu hiện sốt trong đó có bệnh sốt rét và ngược lại.
Triệu chứng của các bệnh này ban đầu thường là sốt cao, run lạnh nên khó phân biệt. Để chẩn đoán người bệnh bị sốt rét hoặc sốt xuất huyết cần dựa thêm vào yếu tố dịch tễ và làm một số xét nghiệm.
Bệnh sốt rét nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời bằng thuốc đặc trị sẽ khỏi bệnh, còn nếu để chuyển biến nặng dễ dẫn đến tử vong.
Phòng chống bệnh sốt rét cũng giống như phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần diệt muỗi và diệt loăng quăng, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn. Đậy kín các vật dụng chứa nước để không có loăng quăng, thay nước bình hoa, chậu hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Đổ các thùng, bình nước lâu ngày tồn đọng để không cho muỗi đẻ trứng
Loại bỏ các vật liệu phế thải đọng nước ở trong nhà và xung quanh nhà không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Những người có dấu hiệu bị bệnh nên đến các cơ sở y tế quận huyện để được tư vấn và hướng dẫn chăm sóc điều trị đúng cách. Không tự ý điều trị tại nhà.
Sốt rét có thể có các biểu hiện từ nhẹ đến nặng khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như loại ký sinh trùng mắc phải, tình trạng miễn nhiễm của ký chủ và cơ địa của ký chủ…Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 9 đến 30 ngày tùy theo loại ký sinh trùng mắc phải. Biểu hiện lâm sàng điển hình của sốt rét bao gồm các cơn sốt rét điển hình trải qua 3 giai đoạn: rét run, sốt cao và vã mồ hôi. Ngoài ra, còn có thể có các triệu chứng khác đi kèm như: nhức đầu, mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, đau cơ, rối loạn tiêu hóa…Một cơn sốt thường kéo dài từ 2 đến 8 giờ. Ngoài cơn sốt bệnh nhân không có cảm giác bị bệnh. Đối với phụ nữ có thai nếu nhiễm sốt rét dễ dẫn đến sẩy thai, sinh non hoặc thai chết lưu, và dễ rơi vào bệnh cảnh ác tính với nhiều biến chứng. |