Một phụ nữ đã tự thiêu phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam xảy ra trước cổng Hội trường Thống nhất TP HCM vào sáng 23-5
Chiều 23-5, tại UBND phường Bến Thành, quận 1, TP HCM, ông Lê Trương Hải Hiếu - Phó Chủ tịch UBND quận 1 - chủ trì buổi họp báo nhằm thông tin về vụ tự thiêu xảy ra trước cổng Hội trường Thống Nhất TP HCM vào sáng cùng ngày.
Ông Lê Trương Hải Hiếu thông tin về vụ tự thiêu
Theo ông Hiếu, khoảng 6 giờ sáng cùng ngày, 2 bảo vệ tại Hội trường Thống Nhất phát hiện trước cổng của hội trường có lửa nên chạy tới thì thấy một phụ nữ đã bất động, gần đó có một can nhựa, một đôi dép và một số tờ giấy màu xanh.
Ngay lập tức, bảo vệ báo Công an phường Bến Thành. Nhận tin báo, Công an phường Bến Thành tới hiện trường. Nạn nhân được đưa vào Bệnh viện đa khoa Sài Gòn để cấp cứu nhưng các bác sĩ cho biết nạn nhân đã chết.
Các phóng viên báo, đài tại buổi họp báo
Ngay sau đó, các phòng nghiệp vụ Công an TP HCM phối hợp với Công an quận 1 tới hiện trường lập biên bản, khám nghiệm. Tại hiện trường, các cơ quan chức năng thu được 1 đôi dép, 1 can nhựa, 6 tờ giấy màu xanh nước biển có ghi một số nội dung bằng bút lông. Trong lúc cơ quan chức năng đang khám nghiệm thì có một người đàn ông chạy đến xưng tên Trần Lê Trương (SN 1969), là con của người chết, nên công an câu lưu người này để lấy lời khai.
Nạn nhân được xác định là bà Lê Thị Tuyết Mai (SN 1947, Phật tử, ngụ hẻm 253 Bùi Đình Túy, phường 24, quận Bình Thạnh, TP HCM). Tại công an, ông Trương cũng tường trình vào buổi sáng cùng ngày, có một tài xế taxi đến nhà để đưa cho ông Trương chiếc ĐTDĐ và mắt kính của mẹ ông. Ông Trương hỏi người tài xế mới biết bà Mai đón xe tới Hội trường Thống Nhất TP HCM và khi ông đến đây thì bà Mai đã tự thiêu.
Thượng tá Nguyễn Thanh Liêm (bên trái), Phó trưởng công an quận 1, cung cấp thông tin cho báo chí
Cũng theo ông Lê Trương Hải Hiếu, việc bà Mai tự thiêu diễn ra khá nhanh. Camera quan sát tại Hội trường Thống Nhất TP HCM ghi lại cho thấy vụ tự thiêu bắt đầu từ 5 giờ 58 phút, đến 6 giờ 1 phút (3 phút) thì lửa tắt do thời điểm đó trời đổ mưa.
Tài xế taxi chở bà Mai là ông Nguyễn Văn Thịnh (SN 1956) sau đó cũng đến công an để tường trình. Theo tài xế, khoảng 5 giờ 30 phút sáng cùng ngày, ông nhận được cuộc gọi rồi đến đón bà Mai. Trên đường đi, bà Mai có than vãn về việc gia đình, về biển Đông bị xâm chiếm…”, do nghĩ khách tâm sự nên ông Thịnh không chú tâm lắm và chở khách đến nơi yêu cầu.
Một trong 6 tờ giấy do bà Mai để lại có nội dung cầu nguyện cho đất nước hòa bình, phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép
Thượng tá Nguyễn Thanh Liêm, Phó Trưởng Công an quận 1, cho biết qua xác minh từ địa phương cho thấy gia đình bà Mai chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước. Tại công an, ông Trương cũng khai thời gian gần đây bà Mai có than vãn về bệnh tật (bà Mai bị cao huyết áp, tai biến dẫn đến liệt một tay). Vào mỗi tối khi xem chương trình thời sự trên tivi nói về việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam, bà Mai đã tỏ thái độ rất bất bình về việc này.Trong 6 tờ giấy mà cơ quan công an thu được, ngoài màu giấy biểu thị nước biển, còn có nội dung cầu nguyện cho đất nước hòa bình, ủng hộ Chính phủ Việt Nam, ủng hộ lực lượng Cảnh sát biển và ngư dân Việt Nam; phản đối và yêu cầu Trung Quốc phải đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam… Bút tích trong những tờ giấy được ông Trương xác nhận là của bà Mai.
Một trong 6 tờ giấy do bà Mai để lại có nội dung cầu nguyện cho đất nước hòa bình, phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam, bà Mai đã tỏ thái độ rất bất bình về việc này.