Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng, riêng về vấn đề giàn khoan Hải Dương 981, lãnh đạo Trung Quốc chủ trương không gặp đàm phán với Việt Nam.
Ở góc độ đối ngoại nghị viện, sáng 22/5, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng chia sẻ thông tin về vụ giàn khoan Hải Dương 981.
- Quốc hội vừa ra thông cáo yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng cần phải có một tuyên bố chính thức hơn, ông nghĩ sao?
- Vụ việc vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp khó lường, như Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu, nên chúng phải theo dõi hết sức chặt chẽ. Tùy tình hình để chúng ta có phản ứng phù hợp.
Đối với vụ việc lần này, đù đã có khoảng 20 buổi làm việc giữa Việt Nam và Trung Quốc, song thái độ của họ vẫn ngông cuồng bất chấp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải kiên trì và kiên quyết, thận trọng.
Ông Trần Văn Hằng. Ảnh: Nguyễn Hưng.
- Trong ngoại giao nghị viện, Quốc hội Việt Nam đã làm gì để kêu gọi sự ủng hộ của thế giới?
- Chính phủ và Quốc hội đã thống nhất chủ trương nên vừa qua chúng ta đã kêu gọi được nhiều sự ủng hộ của các nước. Vừa rồi, trong buổi gặp gỡ lãnh đạo quốc hội của Asean, tôi được cử làm trưởng đoàn đã phát biểu về việc này. Trước hết Việt Nam lên án hành động của Trung Quốc và phải đấu tranh trong nhiều ngày để quốc hội các nước hiểu.
Tôi vừa nhận được tuyên bố của nhóm nghị sĩ hữu nghị Mexico Việt Nam vào tối qua. Nhóm nghị sĩ gồm nhiều đảng phái khác nhau, họ tuyên bố rất quan ngại về vấn đề này, và đề nghị phải xử lý theo các biện pháp hòa bình.
Quốc hội Việt Nam kêu gọi nghị viện các nước lên tiếng về vụ việc Trung Quốc xâm phạm. Trước hết phải lên tiếng về mặt tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc cũng là một trong những nước ký.
- Đối với Quốc hội Trung Quốc, chúng ta đã có hình thức ngoại giao gì để nói rõ với họ?
- Với Trung Quốc, chúng ta đề xuất rất nhiều biện pháp tăng cường giao lưu để trao đổi, hiểu nhau sâu hơn và quan tâm đến những vấn đề chung của hai nước. Khi đón đoàn của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc, các thành viên trong đoàn rất thiện chí và có yêu cầu cấp thiết là quốc hội hai bên cần tăng cường trao đổi, giao lưu. Thực tế trên các cuộc gặp đa phương đều có trao đổi.
Còn riêng về sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, thì Quốc hội Trung Quốc im lặng. Họ có chủ trương không muốn gặp. Ngay cả lãnh đạo cấp cao mình đề xuất điện đàm mà họ vẫn từ chối.
- Ngày 28/5 này, trong cuộc diện kiến với đoàn nghị sĩ Mỹ, Việt Nam sẽ gửi thông điệp gì về việc này?
- Ngày 28/5, Chủ tịch Tiểu ban châu Á Thái Bình dương của Ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ sang thăm Việt Nam với nhiều nội dung làm việc. Trong đó có nội dung trao đổi, bàn về tình hình Biển Đông để bạn hiểu sâu hơn.
Chủ yếu là mình thể hiện được thái độ kiên quyết trong vụ việc giàn khoan. Thứ nữa chúng ta khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam và không lùi bước.
Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội Việt Nam khóa XIII vừa ra thông cáo yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Quốc hội khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Tình hình biển Đông căng thẳng. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa. |