Một quốc gia châu Âu tái phong tỏa; chính phủ Anh vẫn bình thản dù số ca nhiễm tăng cao

Khánh Hằng - Ngày 21/10/2021 14:30 PM (GMT+7)

Dịch bệnh đang tái xuất hiện trở lại ở châu Âu khiến nhiều người lo ngại về một làn sóng dịch bệnh mới.

Theo thống kê của trang Worldometers, tính đến sáng ngày 21/10/2021, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 242.805.676 ca nhiễm COVID-19, 4.937.596 ca tử vong và 220.083.207 người được chữa khỏi. Trong ngày hôm qua 20/10, toàn thế giới có thêm 451.734 ca nhiễm và 7.470 ca tử vong.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc và ca tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á đều chứng kiến số ca tử vong và mắc mới có xu thế giảm. Tuy nhiên, dịch bệnh đang nóng trở lại ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này.

Dịch bệnh tại một số quốc gia vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm cao, bao gồm Mỹ, Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong ngày hôm qua 20/10, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất thế giới với trên 58.000 trường hợp. Đồng thời, số ca tử vong ở Mỹ cũng cao nhất với trên 1.500 ca.

Tỷ lệ tiêm vaccine ở một số quốc gia trên thế giới (Số liệu dựa trên báo cáo của các quốc gia. Màu xanh đậm: Tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi. Màu xanh nhạt: Tỷ lệ tiêm 1 mũi). Nguồn: Our World In Data.

Tỷ lệ tiêm vaccine ở một số quốc gia trên thế giới (Số liệu dựa trên báo cáo của các quốc gia. Màu xanh đậm: Tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi. Màu xanh nhạt: Tỷ lệ tiêm 1 mũi). Nguồn: Our World In Data.

Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ "zero COVID-19" sang "sống chung với COVID-19", trong đó một số nước sự kiến sẽ thông quan từ tháng 11 tới.

Latvia: Quốc gia đầu tiên ở châu Âu tái phong toả

Theo tờ The Guardian đưa tin, Latvia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu tái áp đặt các hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt trong bối cảnh làn sóng COVID-19 mới trỗi dậy trên khắp châu Âu.

“Hệ thống y tế của chúng tôi đang gặp nguy hiểm. Cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này là tiêm vaccine”, Thủ tướng Krisjanis Kariņs cho biết tại một cuộc họp khẩn cấp của chính phủ. Ông nói rằng tỷ lệ tiêm chủng thấp của đất nước là nguyên nhân dẫn đến số ca nhập viện tăng đột biến.

Chỉ 57% trong số 1,9 triệu dân ở Latvia đã tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của Liên minh châu Âu (EU) là 74%. Chính phủ đã áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm kéo dài một tháng, từ 20h tối đến 5h sáng từ tuần này, đồng thời đóng cửa tất cả trường học và cửa hàng không thiết yếu.

Một quốc gia châu Âu tái phong tỏa; chính phủ Anh vẫn bình thản dù số ca nhiễm tăng cao - 2

Cơ quan y tế của nước này cho biết số ca mắc mới ở Latvia tăng 49% trong tuần tính đến ngày 17/10. Số ca nhập viện tăng 56% trong tuần trước, trong khi số ca COVID-19 nặng tăng 62,8%. Khoảng 79% các trường hợp mắc mới là ở những người chưa được tiêm chủng hoặc mới chỉ được tiêm một mũi.

Trước đây, Latvia từng được ca ngợi là một trong số ít những quốc gia trên thế giới thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ tiêm chủng chậm chạp và không đồng đều đã dẫn đến sự gia tăng các nhiễm mới.

Anh: Ca mắc COVID-19 quá cao, chính phủ vẫn bình thản

Số ca mắc COVID-19 tại Anh đang có xu hướng tăng mạnh, làm dấy lên nỗi lo lắng về một làn sóng dịch bệnh mới tại quốc gia này. Kể từ giữa tháng 8/2021, số ca nhiễm tại nước này luôn ở mức trên 30.000 ca nhưng kể từ đầu tháng 10/2021 đã đạt đến gần 50.000 ca. Trong ngày hôm qua 20/10, số ca nhiễm COVID-19 tại Anh là 49.139 ca và 179 ca tử vong.

Anh là một trong những quốc gia đi đầu tại châu Âu trong việc mở cửa trở lại và nới lỏng các hạn chế. Tuy nhiên, Anh cũng là nước chậm trễ trong việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên do lo ngại một số tác dụng phụ làm giảm lợi ích của vaccine trong việc giúp trẻ em ít nguy cơ bị bệnh nặng hơn. Sự chậm trễ này đồng nghĩa hầu hết trẻ em ở Anh không được tiêm vaccine cho đến khi năm học bắt đầu và hiện là nhóm tuổi đang chứng kiến mức độ lây nhiễm cao nhất trong dân số.

Một quốc gia châu Âu tái phong tỏa; chính phủ Anh vẫn bình thản dù số ca nhiễm tăng cao - 3

Nghiên cứu do Đại học Hoàng gia London dẫn đầu cho thấy, tỷ lệ nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở những người từ 17 tuổi trở xuống tại Anh. Tỷ lệ lây nhiễm ở nhóm tuổi này là 1,18, có nghĩa là trung bình cứ 10 thanh niên bị nhiễm bệnh lại truyền cho khoảng 12 người khác.

Tình hình dịch bệnh tại Anh đang tồi tệ hơn nhiều so với các nước châu Âu khác, với tỷ lệ tử vong trên một triệu người cao gần gấp 3 lần so với tỷ lệ ở Pháp, Đức và Italy.

Đối mặt với tình hình đó, chính phủ Anh vẫn khá bình thản. Việc số ca nhiễm tăng cao như hiện nay dường như đã nằm trong tính toán từ trước của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson khi quyết định mở cửa vào tháng 7. Việc nhiều người nhiễm bệnh vào mùa thu có thể giúp các cơ sở y tế không bị quá tải giường vào mùa đông khắc nghiệt. Những người đã nhiễm COVID-19 nếu vượt qua sẽ không nhiễm lại hoặc ít nhất là không trở nặng để phải cần can thiệp y tế.

Trả lời phỏng vấn mới đây về các biện pháp đối phó với số ca nhiễm và tử vong gia tăng, Bộ trưởng Kinh doanh Anh Kwasi Kwarteng khẳng định chính phủ hiện không có ý định siết chặt các biện pháp phòng dịch và khẳng định người dân có thể an tâm đi chơi dịp lễ cuối năm mà không nên quá lo ngại, theo tờ The Evening Standard.

Singapore: Gia hạn giãn cách xã hội thêm 1 tháng

Ngày 20/10, chính phủ Singapore thông báo kéo dài lệnh giãn cách xã hội tại nước này thêm một tháng để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan và giảm áp lực lên hệ thống y tế.

Trước đó, hồi cuối tháng 9, Singapore đã tái áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có hạn chế tiếp xúc xã hội và giới hạn số người được phép ăn cùng nhau tại các nhà hàng ở mức 2 người, để làm giảm tốc độ lây nhiễm virus. Tuy nhiên, số ca mắc mới mỗi ngày tại quốc gia này thời gian qua vẫn tiếp tục tăng và đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 3.994 ca vào ngày 19/10. Ngày hôm qua 20/10, số ca nhiễm COVID-19 tại Singapore chỉ giảm rất ít, với 3.862 ca.

Một quốc gia châu Âu tái phong tỏa; chính phủ Anh vẫn bình thản dù số ca nhiễm tăng cao - 4

Số ca bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng cũng tăng đều đặn trong thời gian gần đây, làm gia tăng áp lực cho các bệnh viện và nhân viên y tế. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Lawrence Wong, đồng điều phối chương trình phòng chống COVID-19 quốc gia, cho biết gần 90% các giường bệnh cách ly trong hệ thống bệnh viện tại nước này đã được sử dụng. Hơn 2/3 giường bệnh chăm sóc đặc biệt (ICU) cũng đang được sử dụng.

Trong khi đó, Singapore là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao nhất thế giới, với trên 80% dân số đã tiêm mũi 1 và khoảng 79% dân số đã tiêm mũi 2, theo số liệu của trang Our World In Data.

Thái Lan: 70% dân số thủ đô Bangkok đã tiêm vaccine

Ngày 19/10, Phó Thống đốc Bangkok, ông Sophon Phisutthiwong cho biết, thủ đô Bangkok đã sẵn sàng mở cửa trở lại theo chính sách của chính phủ để tiếp nhận khách du lịch nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ vào tháng 11 tới.

Tính đến ngày 18/10, tổng cộng 8,13 triệu người ở Bangkok đã được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên. Trong đó, 5,43 triệu người, tương đương 70,63% ở thủ đô cũng đã được tiêm chủng đầy đủ, dự kiến ​​đến ngày 30/10, 80% dân số sẽ được tiêm liều thứ hai.

Tình hình dịch bệnh tại Thái Lan đang có xu hướng giảm nhẹ, với 8.918 ca nhiễm và 79 ca tử vong trong ngày hôm qua 20/10.

Một quốc gia châu Âu tái phong tỏa; chính phủ Anh vẫn bình thản dù số ca nhiễm tăng cao - 5

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam Thái Lan vẫn chưa được kiểm soát. Chiều 18/10, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) cho biết tình hình ở khu vực biên giới phía Nam vẫn là mối quan tâm của chính phủ. Số liệu của CCSA cho thấy các tỉnh Narathiwat, Pattani, Songkhla và Yala ghi nhận tổng cộng 2.303 ca mắc COVID-19 mới so với 1.610 ca được ghi nhận ở vùng Bangkok mở rộng.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Thái Lan thành lập một đội đặc nhiệm COVID-19 để ứng phó với tình hình dịch bệnh ở bốn tỉnh nói trên. Cựu Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia (NSC), Đại tướng Natthapol Nakpanich, được giao nhiệm vụ lãnh đạo chiến dịch phòng chống COVID-19 ở phía Nam cùng với sự hỗ trợ của các quan chức Bộ Y tế. 

Indonesia: Chuẩn bị chiến lược đối phó với làn sóng COVID-19 thứ 3

Chính quyền Indonesia dự báo đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 thứ 3 có thể xảy ra trong đợt nghĩ lễ cuối năm sắp tới. Do đó, nước này hiện đang lên chiến lược cho các bộ, ngành nhằm ngăn chặn đợt bùng phát này. 

Chính phủ Indonesia đã chuẩn bị một số chiến lược như nới lỏng các hoạt động cộng đồng song song với việc thực thi các quy định y tế nghiêm ngặt. Ông Wiku Adisasmito, người phát ngôn của chính phủ về vấn đề COVID-19, cho biết chính phủ cũng đang tìm cách nâng tỷ lệ tiêm chủng ở những người cao tuổi, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Jakarta, Bogor, Depok, Tangerang, Bekasi, Puncak, Cianjur, và các trung tâm tăng trưởng kinh tế khác. Ngoài ra, chính phủ cũng đang khuyến khích đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho trẻ em nhằm tăng cường khả năng miễn dịch của đối tượng này trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới.

Một quốc gia châu Âu tái phong tỏa; chính phủ Anh vẫn bình thản dù số ca nhiễm tăng cao - 6

Một động thái khác là tránh nguy cơ từ khách du lịch quốc tế. Theo đó, tất cả du khách nước ngoài đều phải đáp ứng các điều kiện như đã được tiêm phòng đầy đủ và trải qua thời gian cách ly bắt buộc. Mặt khác, chính phủ sẽ tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc giám sát các hoạt động cộng đồng và nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định y tế như giữ khoảng cách, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang.

Tính đến nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 4.237.201 ca nhiễm COVID-19 và 143.077 ca tử vong. Theo số liệu của trang Our World In Data, nước này hiện đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 mũi 1 cho khoảng 40% dân số và mũi 2 cho khoảng 23% dân số.

WHO cảnh báo Covid-19 kéo dài tới 2022

Tờ BBC ngày 21/10 dẫn lời tiến sĩ Bruce Aylward, một lãnh đạo cấp cao tại WHO, đánh giá dịch COVID-19 có thể "dai dẳng đến năm 2022". Ông nhận định: "Chúng ta thực sự phải đẩy nhanh tiến độ phân phối vaccine, nếu không đại dịch sẽ diễn ra thêm một năm nữa".

Lời cảnh bảo được đưa ra trong bối cảnh các nước nghèo chưa nhận đủ lượng vaccine họ cần. Chưa đầy 5% dân số châu Phi được tiêm vaccine, trong khi tỷ lệ ở các châu lục khác là từ 40% trở lên.

Ông Aylward đã kêu gọi các quốc gia giàu tạm lùi về phía sau để công ty dược có thể ưu tiên những nước thu nhập thấp.

People's Vaccine, một liên minh các tổ chức từ thiện, cho biết chỉ 1/7 lượng vaccine mà các công ty dược phẩm và các nước giàu hứa hẹn đã được chuyển đến các quốc gia nghèo hơn. Phần lớn vaccine ngừa COVID-19 được tiêm ở các quốc gia có thu nhập cao hoặc trên trung bình, trong khi số vaccine được chuyển tới châu Phi chỉ chiếm 2,6% toàn cầu.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong hội nghị tại Anh vào tháng 6 đã cam kết chuyển vaccine cho sáng kiến COVAX hoặc trực tiếp đến các quốc gia châu Phi. Liên minh Toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI) cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã sáng lập COVAX nhằm đảm bảo phân phối vaccine phòng COVID-19 toàn cầu. COVAX ban đầu đặt mục tiêu cung cấp hai tỷ liều vaccine trong năm 2021, song mới chỉ phân phối được 371 triệu liều.

WHO đặt mục tiêu đến cuối năm 2021, 40% dân số thế giới sẽ tiêm đủ vaccine COVID-19. Nhưng gần đây COVAX thậm chí còn giảm số liều vaccine dự kiến chuyển đến châu Phi, từ 620 triệu liều xuống chỉ còn 470 triệu liều. Số vaccine này chỉ có thể tiêm đủ 2 mũi cho 17% dân số châu Phi. "Lục địa Đen" cần thêm 500 triệu liều vaccine COVID-19 để đạt mục tiêu 40% vào cuối tháng 12.

Quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mở cửa đi lại toàn quốc, chợ HQ truyền thống thành điểm nóng
Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu mở cửa và tiến đến trạng thái "bình thường mới".

Tin tức 24h

Khánh Hằng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h