Hầu hết các quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Theo thống kê của trang Worldometers, tính đến sáng ngày 6/10/2021, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 236.594.865 ca nhiễm COVID-19, 4.831.643 ca tử vong và 213.724.010 trường hợp khỏi bệnh. Trong ngày hôm qua 5/10, cả thế giới ghi nhận thêm 411.101 ca nhiễm mới và 7.487 ca tử vong mới.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 80.890 ca nhiễm mới, tiếp theo là Anh với 33.869 và Thổ Nhĩ Kỳ với 29.802 ca. Mỹ cũng đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.572 trường hợp, tăng hơn gấp đôi so với một ngày trước đó là 738 ca, tiếp theo là Nga với 895 ca tử vong và Brazil với 644 ca.
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tính đến nay, Mỹ đã ghi nhận 44.781.200 ca nhiễm và 724.728 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 33.870.385 ca nhiễm, bao gồm 449.568 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.499.074 ca bệnh và 598.829 ca tử vong.
Tỉ lệ tiêm vaccine ở một số quốc gia trên thế giới (Số liệu dựa trên báo cáo của các quốc gia. Màu xanh đậm: Tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi. Màu xanh nhạt: Tỷ lệ tiêm 1 mũi). Nguồn: Our World In Data.
Indonesia: Thành phố đầu tiên thử "sống chung với COVID-19"
Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã giảm đáng kể trong những tuần gần đây, cho phép nước này mạnh dạn thử nghiệm sống chung với dịch bệnh. Ngày 4/10, Indonesia đã ghi nhận ca mắc mới lần đầu tiên xuống dưới 1.000 ca, mức thấp nhất trong vòng một năm qua. Hồi đỉnh dịch giữa tháng 7/2021, số ca nhiễm tại Indonesia lên tới trên 56.000 ca, số ca tử vong kỷ lục là trên 2.000 ca.
Trong ngày hôm qua 5/10, Indonesia ghi nhận thêm 1.404 ca nhiễm mới, tăng nhẹ so với một ngày trước đó, và 77 ca tử vong. Nước này hiện có khoảng 34% dân số đã tiêm vaccine mũi 1 và khoảng 19% dân số đã tiêm mũi 2.
Chính phủ Indonesia sẽ đưa thí điểm cuộc sống trở lại bình thường ở thành phố Blitar, Đông Java vào tuần tới. "Chúng tôi đang làm một thử nghiệm bằng cách đưa cuộc sống trở lại bình thường ở thành phố Blitar. Người dân vẫn phải đeo khẩu trang nhưng không cần phải ở trong nhà như trước, mà được thoải mái tụ tập", ông Luhut Pandjaitan, phụ tá thân cận của Tổng thống Indonesia Joko Widodo kiêm người phụ trách điều phối nỗ lực phòng chống COVID-19 lây lan ở Java và Bali, nói.
Ông Luhut nhấn mạnh, việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh vẫn rất cần thiết và những người được tham gia vào các hoạt động xã hội phải được tiêm chủng vắc xin COVID-19 đầy đủ.
Theo quy định của Indonesia với các thành phố có mức độ lây lan COVID-19 thấp như Blitar, các cửa hàng và trung tâm mua sắm chỉ có thể hoạt động với 75% công suất. Trường học duy trì 50% công suất, đồng nghĩa với việc các học sinh sẽ đến trường vào những ngày khác nhau. Tuy nhiên, các quy định này sẽ được gỡ bỏ tại Blitar vào tuần tới.
Bộ trưởng Y tế Indonesia, ông Budi Gunadi Sadikin cho biết, chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 của Indonesia đạt nhiều tiến triển. Tính đến ngày 4/10, 94 triệu người Indonesia đã được tiêm liều vaccine COVID-19 đầu tiên và 54 triệu người đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine trong tổng mục tiêu tiêm chủng cho hơn 208 triệu dân vào năm 2022.
Campuchia: Số ca mắc giảm mạnh, 84% dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine
Ngày 5/10, số ca nhiễm COVID-19 tại Campuchia là 228 ca. Trước đó, vào ngày 2/10, nước này chỉ ghi nhận 174 ca nhiễm bệnh, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Hồi cuối tháng 9, số ca nhiễm trong ngày tại Campuchia thường xuyên đạt gần 1.000 ca nhưng kể từ đầu tháng 10 đã có xu hướng giảm mạnh. Số ca tử vong trong những ngày gần đây cũng ở mức thấp, chỉ 2 con số, trong ngày 5/10 có thêm 12 ca tử vong.
Trong khi Bộ Y tế Campuchia không cho biết nguyên nhân của sự sụt giảm đột ngột này, tờ Khmer Times nhận định đây có thể là bước đi đầu tiên của nước này nhằm "sống chung với COVID-19".
Campuchia hiện là một trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Khoảng 84% dân số nước này đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và khoảng 65% dân số đã tiêm 2 mũi vaccine.
Chính quyền nhiều thành phố và thị trấn, bao gồm Siem Reap, Oddar Meanchey và Preah Vihear, đã gỡ bỏ biện pháp khẩn cấp tại các khu vực nguy cơ cao, được gọi là "vùng đỏ".
Campuchia đang trong quá trình tiêm phòng cho trẻ em và cũng đã tiêm liều bổ trợ cho khoảng 875.000 người. Hiện chỉ còn khoảng 15.000 người trưởng thành tại Campuchia chưa được tiêm vaccine và 72.130 người khác không đủ điều kiện để tiêm chủng vì lý do sức khỏe. Ngoài ra, hơn 907.000 người đã được tiêm mũi tăng cường thứ ba.
Lào: Dịch vẫn phức tạp tại thủ đô Viêng Chăn
Tình hình dịch COVID-19 tại Lào vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại thủ đô Viêng Chăn, số ca nhiễm rải rác 7/9 quận thủ đô. Trước tình hình đó, thủ đô Viêng Chăn tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 cho đến ngày 15/10. Theo đó, thủ đô vẫn duy trì một số trạm kiểm soát để đảm bảo việc đi lại đúng theo quy định và thúc đẩy việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Thông báo cũng nêu rõ, mọi hoạt động không thiết yếu, bao gồm cả nhà máy, văn phòng trong vùng đỏ đều phải tạm ngừng; trong khi đó quán ăn chỉ được bán đem về; cấm đi lại trong vùng đỏ; cấm tụ tập đông người trái phép, áp lệnh giới nghiêm từ 21h hàng ngày; đóng cửa các trường học trên địa bàn…
Ngoài ra, ở ngoài vùng đỏ, các siêu thị, cửa hàng, chợ thực phẩm có thể mở cửa từ 9h sáng đến 20h; quán cắt tóc và làm đẹp cũng được mở lại nhưng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng ngừa lây nhiễm… Các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định phòng ngừa dịch bệnh sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế Lào tiếp tục kêu gọi người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch đã được khuyến cáo để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Trong ngày 5/10, Lào ghi nhận thêm 463 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 25.987 ca. Số ca tử vong tại nước này là 22 ca và số người được chữa khỏi là 5.568 người.
Theo số liệu của Our World In Data, khoảng 40% dân số tại Lào đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 1, khoảng 28% dân số đã tiêm mũi 2.
Mới đây, Lào đã triển khai kế hoạch phân bổ và tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho thêm 3 nhóm đối tượng, gồm phụ nữ mang thai 12 tuần trở lên, phụ nữ đang cho con bú và người đủ 17 tuổi.
Hàn Quốc: Số ca nhiễm tăng, xem xét phát hành "thẻ thông hành vaccine"
Ngày 5/10, số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc là 1.575 ca, số ca tử vong mới là 11 ca. Tính đến nay, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 323.379 ca nhiễm, 2.536 ca tử vong và 287.040 người được chữa khỏi.
Trong tuần trước, số ca nhiễm mới bình quân ngày là 2.489 ca, tăng 461 ca (23%) so với một tuần trước. Số ca nhiễm mới bình quân ở thủ đô Seoul và 2 địa phương lân cận là 1.865 ca/ngày, tăng gần 21% so với tuần trước đó. Số ca nhiễm bình quân ở các địa phương còn lại tăng gần 29%.
Chính phủ Hàn Quốc hiện đang xem xét áp dụng "thẻ thông hành vaccine", hướng tới một thỏa thuận bao quát trong xã hội, đảm bảo không xảy ra phân biệt đối xử với người chưa tiêm phòng.
Theo số liệu của Our World In Data, khoảng 77% dân số tại Hàn Quốc đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 1, khoảng 53% dân số đã tiêm mũi 2.
Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi. Từ 8h tối ngày 5/10 đến 6h tối ngày 29/10, đối tượng này có thể đặt lịch tiêm phòng và sẽ được tiêm từ ngày 18/10-13/11.
Người trên 60 tuổi và nhóm đối tượng có rủi ro cao sẽ có thể đặt lịch tiêm mũi bổ sung. Nhóm đối tượng rủi ro bao gồm người làm việc, sống tại các cơ sở có rủi ro lây nhiễm cao, nhân viên y tế tại các bệnh viện. Thời điểm tiêm mũi bổ sung là 6 tháng sau khi hoàn tất 2 mũi tiêm chính.
New Zealand: Từ bỏ chiến lược loại bỏ hoàn toàn COVID-19
New Zealand là một trong số ít những nước đưa được số ca COVID-19 về 0 trong năm 2020 và phần lớn thời gian sạch bóng virus cho đến khi bùng phát đợt dịch do biến thể Delta vào giữa tháng 8 vừa qua.
Do ảnh hưởng của biến thể Delta, New Zealand quyết định thay đổi cách tiếp cận, chính thức từ bỏ chiến lược loại bỏ hoàn toàn COVID-19. Từ nay, New Zealand sẽ tìm cách vừa sống chung vừa kiểm soát virus SARS-CoV-2.
Hiện thành phố lớn nhất New Zealand là Auckland đang là tâm dịch và đã chịu cảnh phong tỏa trong gần 50 ngày nay. Tuy nhiên, Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern cho biết, phong tỏa sẽ chỉ kết thúc khi 90% người đủ điều kiện được tiêm phòng.
"Với đợt bùng phát do biến thể Delta hiện nay, việc đưa số ca mắc COVID-19 về 0 là rất khó khăn. Đợt bùng phát biến thể Delta đã thúc đẩy chủng ta phải thay đổi. Việc áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong thời gian dài không giúp đưa số ca mắc COVID-19 về 0. Chiến lược loại bỏ COVID-19 quan trọng khi chúng ta chưa có vaccine. Nhưng giờ chúng ta đã tiêm chủng cho người dân, vì thế cần phải thay đổi cách thức", bà Arden nói.
Tại New Zealand, hiện có khoảng 69% dân số đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 1 và 42% dân số đã tiêm vaccine mũi 2.