Mua hoa, cây cảnh về trưng Tết để năm mới may mắn, tài lộc, nhưng không ít trường hợp "rước bực" vào người vì những chiêu trò lừa bịp tinh vi của người bán.
Tết Nguyên Đán là thời điểm thị trường đào quất, cây cảnh, hoa cảnh sôi động nhất trong năm. Người người, nhà nhà đổ xô mua về trang trí nhà cửa để mong năm mới may mắn, tài lộc. Lợi dụng điều này, một số tiểu thương hám lợi đã tung ra nhiều chiêu trò phù phép tinh vi để đánh lừa người tiêu dùng như cây cảnh được gắn kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia", cắm hoa của cây này vào thân cây khác, hay trên một cây lại gắn giả nhiều loại hoa với màu sắc rực rỡ rất phổ biến...
Không những vậy, người bán còn sử dụng keo 502 để gắn thêm quả, hoa,... khiến cây sum suê, đầy hoa, trái mang đi bán với giá đắt đỏ. Nhiều người đi mua hàng không để ý, khi về nhà mới "há hốc mồm" khi dính phải những cú lừa không thể tin được.
Táo bonsai "mọc" trên cây mít, cây dâm bụt
Những ngày giáp Tết, trên những tuyến phố Hà Nội, bên cạnh đào, quất còn có những cây táo cảnh Trung Quốc (táo bonsai) trĩu quả, được cắt tỉa với những hình dáng độc lạ thu hút người mua, giá mỗi chậu khoảng 3 triệu đồng/cây. Nhiều "thượng đế" sẵn sàng chi tiền để mua loại cây này về trưng Tết.
Táo bonsai được bán với giá tiền triệu, nhiều người sẵn sàng chi tiền để mua về trưng Tết
Một tiểu thương trên đường Lạc Long Quân (Hà Nội cho biết) cây táo bonsai được nhập khẩu từ Trung Quốc. Mỗi cây có lá, hoa và khoảng chục quả trông rất bắt mắt, hình dáng nhỏ gọn để trưng bày trong nhà. Ưu điểm của loại cây này là chơi được lâu. Nếu khách thích thì có thể bê ra vườn trồng và sang năm cây vẫn cho quả bình thường.
Tuy nhiên, trên thị trường bên cạnh những cây thật, rất nhiều cây táo bonsai được tiểu thương biến hóa bằng những cách tinh vi đánh lừa khách hàng. Một tài khoản Facebook có tên N.Đ.T chia sẻ mua cây táo bonsai về trưng Tết nhưng khi về nhà mới phát hiện ra đó là cây dâm bụt. Được biết, người bán đã cắm 1 cành của cây vào quả thay cho cuống táo sau đó đổ keo 502 vào để cố định thế, là có ngay một cây dâm bụt nhưng lại ra quả táo.
Một trường hợp khác cũng phát hiện ra đó là cây dâm bụt sau khi một quả táo bị chuột gặm. "Nhờ có chú chuột ghé thăm, hôm nay mình mới biết quả táo thật trên cây dâm bụt".
Để tránh mua phải cây cảnh “rởm”, một chủ cửa hàng bán táo bonsai trên đường Lạc Long Quân khuyến cáo người mua:
- Nhìn lá và hoa thật kỹ để không nhầm giữa hoa dâm bụt, lá dâm bụt và lá táo.
- Chọn cây có hoa, quả không đều, màu sắc không đẹp mắt. Còn nếu có nhiều quả đều đặn, trông to đẹp, rất có thể những quả đó đã được người bán gắn thêm.
- Mức độ phát triển của cây quả đồng đều nhau không, nên nghi ngờ những cây phát triển cằn cỗi nhưng quả phát triển mạnh.
- Kiểm tra thật kỹ cuống, đặc biệt là quan sát xem có phần keo trắng thừa ra hay không để tránh mua phải hàng kém chất lượng.
Cây hoa hải đường được gắn nụ chi chít
Cây hoa hải đường cũng là loại hoa cảnh được nhiều chị em ưa chuộng mua về trưng tết bởi bông hoa đỏ thắm, rực rỡ và tươi tắn như chào đón mùa xuân và hứa hẹn một năm mới nhiều bình an, may mắn.
Thế nhưng, lợi dụng điều này, một số người vì hám lợi đã dùng keo dán sắt 502 để tạo ra những cây hải đường giả có thế dáng, hoa, quả bắt mắt để lừa người tiêu dùng.
Nụ hoa hải đường được gắn bằng keo 502
Chị Lan (ở Đống Đa) cho biết mấy hôm trước chị mua một chậu hoa hải đường 200.000 đồng trên đường Bưởi. Đến nay đã 3 hôm nhưng hoa vẫn giữ nụ. Chị vặt thử 1 nụ hoa thì mới tá hỏa phát hiện hoa được gắn vào cành bởi một đoạn dây kẽm nhỏ, nếu không nhìn kỹ sẽ khó phát hiện ra.
"Tôi rất bực với kiểu lừa đảo này. Nếu không phát hiện kịp, sang năm mới gia đình tôi lại có chậu hoa hỏng trong nhà", chị Lan bức xúc.
Cây dành dành và hải đường có cành lá khá giống nhau
Trên mạng xã hội, một số người cho biết nhiều tiểu thương còn gắn hoa hải đường trên cây dành dành bởi 2 cây này có lá khá giống nhau, chỉ khác biệt rõ khi có hoa: Hoa hải đường màu đỏ, còn hoa dành dành màu trắng. Cây dành dành chỉ là cây mọc dại ngoài đường.
Để tránh bị lừa, khách hàng khi mua cần lưu ý:
- Nhìn thật kỹ phần nối giữa nụ và cành, khẽ lay nhẹ nụ để kiểm tra xem có phải nụ được gắn bằng keo 502 không.
- Khi nhìn thấy hiện tượng làm giả, mọi người phải thương lượng với người bán và chấp nhận ngắt một bông hoa để xem xét.
Mua sung bonsai nửa triệu đồng, tá hỏa phát hiện quả gắn bằng keo 502
Tết đến xuân về, người Việt chọn mua cây sung cảnh về trưng Tết bởi cây sung là biểu tượng cho sự sung mãn, tròn đầy. Mỗi cây sung bonsai có giá trong khoảng từ 500.000 đồng.
Anh Trung (ở Hà Đông) chưa kịp vui sướng vì mua được cây sung trĩu quá giá hời thì phát hiện những chùm sung sum suê được dính bằng keo 502.
Chia sẻ kinh nghiệm chọn mua sung cảnh, anh Lan (chủ cửa hàng cây cảnh ở Hà Đông) đưa ra lời khuyên:
- Mọi người cần phải chọn sao cho cây và quả cân xứng với nhau bởi rất hiếm trường hợp cây nhỏ, ra nhiều chùm hoa, chùm quả.
"Cây và quả luôn tỉ lệ thuận với nhau, gốc cây to thì quả mới to, cây nhỏ quả sẽ nhỏ", anh Lan chia sẻ.
- Ngoài ra, mọi người nên chú ý vào sự phân bố của quả trên cây. Nếu quả đều tăm tắp thì chắc chắn đó là giả bởi cây tự nhiên không bao giờ có sự phân bố đều và đẹp, thông thường sẽ có chỗ sai quả chỗ thưa quả. Trong một chùm quả cũng không đều nhau.
- Để ý bên trong từng vết quả, chỗ cuống quả bởi cuống khi được phân ra tự nhiên sẽ khác khi được gắn vào, và dù thủ đoạn kinh doanh có tinh vi đến đâu cũng sẽ có dấu vết, chỉ cần để ý kỹ.