Mặc dù thờ cúng thịt chuột ở cả miếu làng và tổ tiên, nhưng người dân khẳng định đó không phải là thờ thần chuột mà chỉ là cầu cho mùa màng tốt tươi.
Video: Ông Lê Văn Thìn kể về quy trình cúng thịt chuột ngày Tết.
Cúng thịt chuột đã có từ lâu đời, không phải năm Tý mới cúng
Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, người Việt thường sắm mâm cơm cúng tổ tiên trong thời khắc giao thừa cũng như những ngày đầu xuân, năm mới. Mâm cơm cúng truyền thống ngày Tết thường không thể thiếu những món ăn truyền thống như bánh chưng, thịt gà, giò lợn, canh măng…Tuy nhiên, một số dân tộc và vùng miền lại có những tục lệ riêng, họ có thể cúng thịt chó, thậm chí là thịt chuột…
Một ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi tìm đến thôn Bương (xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc, Hòa Bình) nơi có truyền thống cúng thịt chuột rất nhiều đời nay. Hòa chung không khí chuẩn bị Tết cổ truyền, người dân nơi đây cũng chuẩn bị những nhu yếu phẩm cần thiết như bánh chưng, thịt lợn…nhưng một thứ không thể thiếu trong những ngày Tết đó là thịt chuột khô được treo trên gác bếp.
Thịt chuột sấy khô trên gác bếp để đến Tết cúng tổ tiên và mang ra miếu làng cúng.
Anh Lê Văn Tấn (SN 1983, ở thôn Bương) cho biết, cúng thịt chuột trên bàn thờ tổ tiên và ở miếu làng là phong tục đã có từ lâu, đến nay người dân trong thôn vẫn giữ được nét văn hóa độc đáo này. Ngay chính bản thân anh Tấn cũng không biết tục cúng thịt chuột bắt đầu từ bao giờ, mà chỉ nghe những người già trong làng kể lại rằng có từ thời khai thiên, lập ấp.
Anh Tân cũng chia sẻ rằng, không chỉ người Dao Tiền ở Hòa Bình, mà ở các địa phương cứ có người Dao Tiền sinh sống là có tục lệ cúng thịt chuột trong những ngày Tết. “Vào những ngày Tết, những người Dao Tiền đều phải có thịt chuột khô thờ ông bà tổ tiên và cúng miếu làng để thể hiện hết tấm lòng của con cháu với tổ tiên”, anh Tân chia sẻ.
Anh Tân chỉ cho chúng tôi địa điểm của miếu làng nơi cúng thịt chuột vào ngày mùng 2 Tết.
Theo lời kể của những vị cao niên, ngày mới lập làng, cuộc sống của bà con vô cùng thiếu thốn. Ngoài trồng trọt, mọi người phải đi săn bắn để kiếm sống. Trong những lúc giáp hạt vào mùa khô (thời điểm gần Tết Nguyên đán) dân làng vào rừng sắn bắt thú. Nhưng rồi thú rừng cũng dần cạn kiệt, chỉ còn lại loài chuột là nhiều, bởi vậy người dân săn chuột về làm thức ăn hàng ngày.
Điều kỳ lạ, cả bản làng đi bắt chuột, có ngày bắt được đến cả tạ, nhưng chuột không hết mà ngày càng nhiều. Để tưởng nhớ ông bà tổ tiên khai sinh ra bản làng và nhờ chuột mà người Dao Tiền mới tồn tại được đến ngày hôm nay, vì thế người dân nơi đây mới có tục thờ cúng chuột vào những lúc giáp hạt và cũng là những ngày Tết Nguyên đán.
Trước đây, miếu làng nơi làm lễ cúng thịt chuột rất đơn sơ, chỉ có vài viên đá xếp lên thành miếu. Sau này khi cuộc sống người dân phát triển, mọi người cùng nhau góp sức, góp công xây một cái miếu đàng hoàng bằng gạch và xi măng, phía trên được lợp kiên cố, khuôn viên còn có tường rào, cổng sắt như bây giờ.
Thờ cúng thịt chuột rồi cùng nhau ăn mong cho mùa mang tốt tươi
Với người Dao Tiền, mỗi năm có 3 ngày lễ lớn: Lễ cầu mùa vào Rằm tháng 5, lễ ăn cơm mới sau vụ thu hoạch vào tháng 9 và lễ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, duy nhất có dịp Tết Nguyên đán là người dân nơi đây thờ cúng bằng thịt chuột. Còn lại cả năm không cúng bái, không thắp hương.
Ông Lê Văn Thìn (người dân xóm Bương) cho biết, để có thịt chuột làm cúng trong ngày Tết, bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 những nam giới khỏe mạnh bắt đầu đi săn chuột. Sau khi săn chuột về họ làm lông, bỏ ruột rồi treo thịt chuột lên gác bếp cho khô.
Ông Thìn cho biết, thịt chuột là vật không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết.
Với những gia đình không có điều kiện đi bắt chuột thì họ phải mua lại của cánh thợ săn để đến ngày Tết phải có 2-3 con chuột khô góp cho nhà ông Mo làm lễ ở miếu làng.
Còn tại gia đình, thịt chuột được đặt lên trên một chiếc lá (theo phong tục không dùng đĩa) từ ngày 30 Tết, sau đó gọi ông bà tổ tiên về hưởng lộc. Tùy theo mỗi gia đình, có nhà chỉ để đến mùng 2, nhưng có nhà đến đến ngày mùng 4.
Sau khi làm lễ tại gia đình, đến ngày mùng 2 Tết, các gia đình sẽ mang đến nhà ông Mo 2-3 con chuột để mang ra miếu làng tiếp tục làm lễ. Thịt chuột này có thể lấy từ bàn thờ tổ tiên mang đi, chứ không nhất thiết phải là chuột mới.
Ông Thìn cho rằng người dân nơi đây cúng chuột chứ không thờ thần chuột.
“Ngày mùng 2 Tết, cả xóm góp lại được vài mâm chuột cùng ông Mo ra cúng ở miếu làng, sau đó mọi người lại mang về nhà ông Mo để cùng nhau ăn. Khi đó, mỗi gia đình phải có 1 người đại diện dù đó là bất kể ai”, ông Thìn nói.
Đối với tục cúng thịt chuột, ông Thìn khẳng định rằng: “Ý nghĩa của việc cúng chuột nhằm mục đích cầu mùa cầu màng tốt tươi, năm mới làm ăn phát đạt hơn. Chuột chỉ giống như lễ vật cúng để thờ và nhớ ơn ông khai hoang ra mảnh đất này chứ không phải là thờ thần chuột”.