Liên quan đến sự việc “vỡ trận” tiêm chủng vắc xin dịch vụ Pentaxim (5 trong 1) tại 182 Lương Thế Vinh (Hà Nội), sáng ngày 26/12, Bộ Y tế họp khẩn cung cấp thông tin y tế xoay quanh những vấn đề này.
11h40: Hỏi đáp với các nhà chuyên môn gồm ông: Trương Quốc Cường (Cục trưởng Cục Quản lý Dược), ông Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng), ông Nguyễn Nhật Cảm (GĐ Trung tâm Y tế Dự phòng HN), ông Đặng Đức Anh (Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ).
PV Báo tuổi trẻ: Việc tổ chức đăng ký tiêm vắc xin tại HN trong thời gian tới sẽ như thế nào, đăng ký trên mạng có quản lý được các cháu có nhu cầu trên thực tế? Một số doanh nghiệp cho biết, nếu tăng giá thì trong vòng 10 ngày, họ có thể nhập ngay một số lượng là 100.000 liều vắc xin. Vậy cục đàm phán từ bao giờ, đàm phán ra sao?
PV Tạp chí Khám phá: 1. Trước sự việc lộn xộn ở 182 Lê Văn Lương, trách nhiệm thuộc về ai. Tới đây Hà Nội tổ chức tiêm vắc xin này, vậy biện pháp cụ thể nào để không xảy ra tình trạng lộn xộn nữa?
2. Liệu có phải chúng ta ký cam kết với đơn vị tài trợ vắc xin Quinvaxem, nên khi đạt đủ % mới đẩy vắc xin dịch vụ ra ngoài vào dịp cuối năm?
3. Vấn đề xảy ra tai biến sau tiêm vắc xin Quinvaxem chủ yếu là ở nông thôn. Liệu đây có phải vấn đề chất lượng đội ngũ bác sĩ và trang thiết bị khám bệnh còn yếu kém?
PV Báo VOV: Trong đợt tháng 12 về 160.000 liều, vì sao tại miền Bắc chỉ có hơn 15.000 liều mà miền Nam thì hơn 100.000 liều?. Có lo ngại vắc xin từ miền Nam bán lòng vòng ra ngoài miền Bắc không? Xin ông Cường cho biết, vắc xin đang thử nghiệm ở Thái Bình là của hãng nào sản xuất?
Trả lời của TS Trương Quốc Cường: Tất cả những nơi phân phối vắc xin đều phải có đủ điều kiện tiêm chủng, có 161 điểm. Còn POLYVAC tiêm trước là do tổ chức. Không có chuyện vắc xin ở Campuchia bán cho Việt Nam, vì nước này không có và không sản xuất được vắc xin. Tôi khuyến cáo người dân không nên tiêm những loại vắc xin xách tay này.
Về giá vắc xin, nếu điều chỉnh giá thì chúng tôi phải điều chỉnh theo tỷ giá và theo luật. Tôi khẳng định, không có vắc chuyện vắc cùng loại ở nước khác rẻ hơn Việt Nam.
Tại Singapore, vắc xin “5 trong 1” của họ là vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng của họ, nên họ có vắc xin này. Còn Việt Nam vắc xin tiêm chủng mở rộng là Quinvaxem.
Nhiều ý kiến cho rằng, đang có chuyện cơn sốt ảo vắc xin dịch vụ. Tôi khẳng định, đây là cơn sốt thật vì vắc xin 5 trong 1 đang thiếu trên toàn cầu.
Trả lời của GS Đặng Đức Anh (Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ): Vắc xin Quinvaxem đang tiêm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là dõ Quỹ hỗ trợ toàn cầu tài trợ cho Việt Nam, đây là vắc xin đã được kiểm định rất kỹ càng. Đây không phải là toàn bộ tài trợ ở tổ chức quốc tế mà có cả sự hỗ trợ ở Chính phủ Việt Nam.
Về phản ứng của vắc xin Quinvaxem, ở Việt Nam tỷ lệ tai biến thấp hơn so với tỷ lệ cho phép của vắc xin. Đối với các trường hợp tử vong, đa số các trường hợp đều trùng hợp với các bệnh bẩm sinh, đối với các cháu này thì cần phải có sự hỗ trợ của gia đình mới có thể hỗ trợ được.
Trả lời của TS Nguyễn Nhật Cảm – GĐ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội: Để không xảy ra lộn xộn, chúng tôi sẽ có phương án tối ưu nhất, như đang ký qua mạng, qua mail… Người dân sẽ truy cập vào các trang web của các điểm tiêm chủng để đăng ký. Sau đó, chúng tôi sẽ có thông báo về ngày giờ tiêm, giấy tờ cần mang theo… Các bậc phụ huynh cần phải hết sức chú ý theo dõi, để không mất công đi xếp hàng.
Về điểm tiêm chủng 182 Lương Thế Vinh, là địa điểm có cấp phép và đủ điều kiện tiêm. Tuy nhiên, hình thức tổ chức không khoa học, không lường trước được và họ đã tổ chức rút kinh nghiệm. Bộ Y tế và Bộ Y tế đã có yêu cầu làm rõ trách nhiệm.
Tại Hà Nội, đến nay số trẻ tiêm ngoài tiêm chủng mở rộng khoảng 60.000 liều. Với số vắc xin được đáp ứng là hơn 40.000 liều thì chỉ đáp ứng khoảng 60-70%. Còn để đáp ứng đủ cả tiêm nhắc lại thì Hà Nội cần phải đáp ứng 80.000 liều. Chúng tôi không phân biệt trẻ ở tỉnh nào đến tiêm, tất cả trẻ đến tiêm đủ điều kiện sẽ đều được tiêm, kể cả là người nước ngoài. Điều này, thực hiện cả trong tiêm chủng mở rộng và dịch vụ.
11h15: TS Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, không có vắc xin cũng rất lo ngại, mà có vắc xin như tình trạng hiện nay cũng rất khổ.
TS Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế)
Hiện nay trên thế giới có 3 nhà sản xuất vắc xin vô bào là Nhật Bản, Sanofi và GSK. Chúng tôi đã liên hệ với Nhật Bản để nhập khẩu nhưng phía Nhật Bản kiên quyết không xuất khẩu mà chỉ phục vụ trong nước.
Hiện chỉ còn Sanofi và GSK, tuy nhiên năm trước khi kiểm tra các nhà chức trách phát hiện một số lô không đủ kháng thể. Bởi vậy, dẫn đến việc khan hiếm vắc xin. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh trỗi dậy cũng là vấn đề khiến vắc xin khan hiếm.
Đông đảo phóng viên tham dự buổi họp báo
Điển hình, ngay ở Pháp - nơi sản xuất vắc xin cũng thiếu. Nhưng ở Pháp không nặng nề như chúng ta, bởi không có vắc xin này họ dùng vắc xin khác.
Mặc dù rất khan hiếm, nhưng chúng tôi vẫn tìm mọi cách để tìm nguồn vắc xin và khuyến khích tất cả các công ty nếu tìm được công ty nào có vắc xin vô bào thì chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho nhập.
Về các lô vắc xin khi đã về Việt Nam, chúng tôi đã yêu cầu đưa ra các trung tâm tiêm chủng và công khai giá vắc xin dịch vụ. Tính đến thời điểm này có 161 điểm tiêm chủng trên toàn quốc và giá không tăng so với các năm trước.
Hiện nay, chúng tôi đang triển khai thử nghiệm vắc xin “6 trong 1” tại Thái Bình cho 354 trẻ từ 61 đến 91 ngày tuổi và đã tiêm đủ 3 mũi. Hiện đang trong quá trình theo dõi, nếu đảm bảo đến tháng 6/2016 sẽ cho nghiệm thu. Nếu không sau khi tiêm nhắc lại mũi thứ tư, tức là đến tháng 2 năm 2017 sẽ nghiệm thu và tháng 6/2017 mới có thể cấp phép lưu hành.
Trả lời của PGS Trần Đắc Phu: Việc khám sàng lọc để phát hiện các bệnh bẩm sinh là rất khó, còn tất nhiên trình độ ở Hà Nội sẽ tốt hơn các địa phương khác.
Thời gian tới chúng tôi sẽ mời BV Nhi Trung ương tập huấn cho các cán bộ tiêm chủng, để làm sao khám sàng lọc được tốt nhất.
Để thay thế một loại vắc xin thì cần phải có một chiến lược, chứ không phải muốn là thay được. Tôi phải khẳng định, vắc xin nào cũng có phản ứng trong tiêm chủng.
11h: PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định sự việc lộn xộn ngày 25/12 ở Lương Thế Vinh là do đăng ký, ngay như bây giờ nếu điểm tiêm chủng nào tổ chức đăng ký không tốt thì sẽ xảy ra lộn xộn ngay.
"Chúng tôi quán triệt rõ ràng, dù đăng ký dưới hình thức nào cũng phải đảm bảo an toàn công bằng cho người dân. Đặc biệt, không nhờ, không thuê, không nhờ cò xếp hàng…
Khi đi xếp hàng tiêm chủng, đặc biệt không đưa trẻ đi cùng bởi với thời tiết hiện nay, nếu đưa trẻ ra điểm tiêm chủng xếp hàng có lẽ chưa đăng ký được thì trẻ đã mắc các bệnh khác.
PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đang phát biểu tại cuộc họp
Ngoài ra, các điểm tiêm chủng cần phải hẹn lịch tiêm đối với từng người đã đăng ký. Đồng thời yêu cầu các điểm đăng ký bố trí lực lượng, thậm trí là công an để đảm bảo an ninh.
Nếu trong trường hợp hết vắc xin không đủ cung cấp thì cần phải chấp nhận tiêm đợt sau. Trong trường hợp khan hiếm vắc xin thì phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin Quinvaxem để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh của trẻ.
Trong khi thực hành tiêm chủng cần phải thực hiện đúng quy trình cùa Bộ Y tế về khám sàng lọc, theo dõi khi tiêm…
Nếu ở đâu phát hiện trường hợp cán bộ y tế đến tận nhà tiêm, tiêm xách tay hay đẩy giá lên hàng triệu đồng thì hãy bao ngay cho chúng tôi, để có phương án xử lý. Nếu cần thiết chúng tôi sẽ mời công an vào cuộc", ông Phu nhấn mạnh.
10h40: PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay nước ta tiêm gần 30 loại vắc xin, trong đó tiêm chủng mở rộng là 12 loại, còn lại là các loại vắc xin dịch vụ. Muốn thanh toán được bệnh tật, thì vấn đề quan trọng nhất là tiêm vắc xin. Chỉ có vắc xin mới làm được vấn đề phòng bệnh, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm.
Hiện nay, việc tiêm vắc xin vẫn đang còn vẫn nhiều vấn đề, đó chính là việc so sánh vắc xin mở rộng và vắc xin dịch vụ. Điều này chỉ có ở nước ta, ở nước ngoài không có trường hợp này.
Tình trạng chen lấn diễn ra tại Phòng tiêm chủng và dịch vụ POLYVAC –VNUH ngày hôm qua 25/12
Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng có vắc xin 5 trong 1 có thành phần tương đương với vắc xin dịch vụ “5 trong 1”, và đảm bảo cung cấp đủ. Mỗi năm chúng ta mỗi năm tiêm khoảng 4,5 triệu liều vắc xin Quinvaxem.
Nhưng năm gần đây, với việc thiếu vắc xin dịch vụ, Bộ Y tế đã chỉ đạo các điểm tiêm chủng dịch vụ tiêm vắc xin Quinvaxem, đặc biệt là TP Hà Nội và HCM. Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam luôn đạt trên 90%, nếu tỷ lệ tiêm chủng dưới 60% thì chắc chắn bùng phát bệnh. Ví dụ điển hình nhất đó chính là: bệnh bạch hầu ở Quảng Nam, ho gà ở Hà Nội.
"Điểm tiêm chủng lộn xộn ở Lương Thế Vinh là không được. Ngay sau đó, chúng tôi đã có công văn yêu cầu thực hiện tốt việc triển khai tiêm chủng. Chúng tôi quán triệt các điểm tiêm chủng cần phải vụ tốt nhất cho người dân, tổ chức đảm bảo khoa học và đảm bảo tính an toàn khi tiêm chủng.
Chúng tôi nghiêm cấm việc trục lợi từ khan hiếm vắc xin dịch vụ để đẩy giá hoạc tuồn vắc xin từ cơ sở nhà nước ra ngoài.
Bộ Y tế không nghiêm cấm hình thức tiêm nào, nhưng tôi cũng phải khẳng định tiêm chủng mở rộng là rất quan trọng. Cần truyền thông để người dân không hoang mang, bỏ tiêm chủng mở rộng", ông Phu nói.
Trước đó, từ đêm ngày 24 đến 10 giờ sáng ngày 25/12, tại điểm tiêm chủng dịch vụ Polyvac (cơ sở 2) đóng tại đường Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã xảy ra sự cố chen lấn, xô đẩy khi đứng chờ tiêm vắc xin dịch vụ “5 trong 1” cho con.
Sự cố này khiến cho hoạt động tiêm chủng như đã thông báo trước đã phải tạm hoãn để đảm bảo an toàn và an ninh trật tự. Ngay sau sự việc trên, Bộ Y tế đã tổ chức họp nóng và yêu cầu tạm dừng tất cả các cơ sở tiêm đang tiêm loại vắc xin này. Đồng thời, Bộ Y tế và các bên liên quan đã “ngồi lại với nhau” để bàn phương án giải quyết cũng như tiêm chủng sao cho khoa học và hợp lý nhất.