Chồng qua đời nhưng vì không có giấy kết hôn nên chị không được đại diện ở trước pháp luật.
Bị đâm chết vì đang nhậu bị vợ gọi về
Ngay từ sáng sớm ngày 14/5/2014, khá nhiều người thân của Phạm Tiến Nhựt (SN 1982, tỉnh Bình Định) đến TAND TP.HCM tham dự phiên tòa sơ thẩm. Theo hồ sơ vụ án, khoảng 19 giờ ngày 23/1/2013, Nhựt và Nguyễn Anh Dũng cùng nhau đi uống rượu tại quán cháo ở phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM. Xong, hai người cùng đi bộ về thì Dũng rủ Nhựt vào một quán tạp hóa của chị Nguyễn Thị Bồng nhậu tiếp. Nhựt gật đầu đồng ý. Khi vào quán, anh Dũng kêu chị Bồng bán 5 chai bia Sài Gòn xanh. Chị Bồng đem ra hai chai bia cùng ca nhựa đựng nước đá. Nhựt mở hai chai bia đổ vào ca nhựa.
Ngay lúc này, chị Nguyễn Thị Mỹ Xuân (vợ anh Dũng) đến kêu anh Dũng về ngủ. Nhựt đứng dậy đi vào nhà anh Bảy Minh gần đó để trả cái áo Nhựt mượn lúc chiều. Khi quay trở lại, anh Dũng hỏi Nhựt: “Sao không nhậu?”. Nhựt chửi thề: “…Vợ con ông chửi vậy mà nhậu cái gì”. Nghe Nhựt chửi thề, anh Dũng nói: “Mày có tin tao chọi chai bia chết mẹ mày”. Nhựt thách thức: “Ông ngon thì ra đây”. Hơi men chấp choáng, cả hai ôm nhau vật lộn.
Trong lúc say, Nhựt đã đánh chết bạn nhậu
Nhựt đè anh Dũng nằm ngữa xuống đất rồi ngồi lên bụng dùng hai tay bóp cổ, đồng thời nắm đầu anh Dũng đập xuống đường. Chị Bồng đến can ngăn, kéo Nhựt ra. Nhựt bỏ đi thì anh Dũng đứng dậy đi theo sau dùng chân đạp vào lưng làm anh Nhựt té nhúi về phía trước.
Nhựt quay lại dùng tay, chân tiếp tục đánh, đá làm anh Dũng ngã xuống đường bất tỉnh. Sau đó, Nhựt đi về phòng trọ. Cho rằng chồng bị say rượu nên chị Xuân kêu người thân khiêng về nhà. Đến 24 giờ cùng ngày chị Xuân phát hiện anh Dũng đã chết nên báo cho công an phường Tam Bình. Khoảng 1 giờ ngày hôm sau, công an quận Thủ Đức đã bắt giữ Nhựt. Theo kết luận pháp y, nạn nhân tử vong do suy hô hấp cấp do sặc dịch dạ dày và chấn thương sọ não.
Đứng trước vành móng ngựa, Nhựt thừa nhận cái chết của anh Dũng là do mình gây ra. Tuy nhiên, Nhựt phản cung cho rằng trong cáo trạng thể hiện mình dùng tay bóp cổ, đập đầu nạn nhân xuống đường là không đúng. “Trong các lời khai trước đây, bị cáo khai như vậy là bị ép cung”, Nhựt nói.
HĐXX phân tích: “Khi gây án, chỉ có bị cáo biết mình làm gì còn công an thì không hề biết nên không thể vạch rõ ý cho bị cáo khai. Trong khi đó, lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của chị Xuân cũng như giải phẫu tử thi. Trong quá trình lấy lời khai ban đầu, có hai luật sư tham gia. Do đó, điều bị cáo khai là không chính xác”.
Không còn nước mắt để khóc
Trong phiên tòa hôm đó, chị Xuân lặng người lắng nghe từng lời khai của Nhựt. Chị cho biết, lời khai của Nhựt là không đúng. Bởi, khi vụ án xảy ra, chị và đứa con trai lên sáu có chứng kiến. “Mặt Nhựt lúc đó nóng bừng, giận dữ. Nhựt không chỉ bóp cổ mà còn đập đầu chồng tôi xuống đường nhiều lần. Lúc đó, tôi và chị Bồng cùng kéo ra mà không được”, chị kể lại.
Im lặng một lúc, chị kể tiếp: “Khi anh Dũng bị đánh xong, tôi cứ nghĩ vì say rượu nên anh không ngồi dậy nổi. Ngay lúc đó, tôi nhờ người thân khiêng về. Đêm đó, tôi và con trai vẫn nằm bên anh. Đến gần 24 giờ đêm, tôi thức giấc, định gọi anh dậy ăn cơm, uống nước vì sợ bị trúng gió. Thế nhưng, gọi mãi anh vẫn không dậy. Tôi đưa tay lên mũi, anh không còn thở nữa. Trái tim tôi như bị bóp nghẹt. Tôi hét lớn cầu cứu và mọi người chạy đến. Anh ra đi từ lúc nào tôi cũng không hay”.
Chị Xuân cũng không biết chồng chết từ lúc nào
Đôi mắt buồn hiu, chị cho biết, sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở tỉnh Bình Thuận. Lớn lên, chị theo chân người quen vào TP.HCM buôn bán đủ mặt hàng với mong muốn kiếm thật nhiều tiền. Trong khoảng thời gian này, chị gặp anh Dũng và kết nối lương duyên.
Hai anh chị cũng cưới hỏi đàn hoàng. Tuy nhiên do cuộc sống quá khó khăn, hai người không đăng ký kết hôn. Vợ chồng thuê phòng trọ nhỏ ở quận Thủ Đức để ở. Sống với nhau hơn 6 năm, chị vẫn không có thai. Mong muốn có đứa con mọn để chăm sóc, hai vợ chồng dắt díu nhau đến bệnh viện khám. Lúc này, vợ chồng đớn đau khi bác sĩ thông báo cả hai không thể có con.
Về nhà, hai vợ chồng bàn tính và xin một đứa bé trai làm con nuôi. Cả hai xem con nuôi như con ruột. Dù cuộc sống khó khăn, chị vẫn cố chăm lo cho cháu có cuộc sống tốt nhất. Anh Dũng từng mong ước, sau này sẽ nuôi con học hành đàn hoàng để trở thành người công dân tốt.
Mặc dù vậy, do cuộc sống quá khó khăn, vợ chồng chị chưa kịp làm giấy khai sinh cho con. Cũng vì vậy, khi anh qua đời, đứa bé vẫn không có bất kì giấy tờ nào chứng nhận là con.
Mặc dù là vợ, có con nuôi chung với anh Dũng nhưng chị Xuân đến tòa chỉ với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. “Chồng tôi mất mà tôi không được nhà nước công nhận là vợ. Chúng tôi có con chung mà tôi không có quyền đòi gia đình bị hại cấp dưỡng cho con mình”, chị thở dài.
Giờ nghị án kết thúc, HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ vì xích mích nhỏ, bị cáo đánh khiến nạn nhân tử vong nên cần có bản án nghiêm khắc để noi gương cho những kẻ khác. Tuy nhiên, Tòa cũng xem xét các tỉnh tiết giảm nhẹ như lần đầu phạm tội, thành khẩn, hối hận, gia đình đã bồi thường một phần thiệt hại… nên quyết định tuyên phạt 18 năm tù giam.