Khác với bạn bè đồng trang lứa yêu thích những loại hình giải trí đơn thuần, Minh Duy (lớp 9, THCS Tân Lợi, Đak Lak) chọn cho mình thú vui nhuộm xương tiêu bản động vật. Niềm đam mê được cậu gói gọn trong vài câu chữ "lưu giữ vẻ đẹp cho cái chết".
Bài đăng chia sẻ về đam mê nhuộm xương cho tiêu bản động vật của Minh Duy trong nhóm Cộng đồng Designer Việt Nam nhận được hơn 35.000 lượt thích, gần 2000 bình luận. Ai nấy đều trầm trồ và thán phục sự sáng tạo của cậu học sinh 15 tuổi. Không giáo trình, không được đào tạo bài bản mà chỉ nhờ vào sự hướng dẫn của một số tiền bối đi trước, rồi từ đó tự mày mò tài liệu nước ngoài, thử nghiệm để cho ra công thức phù hợp nhất.
Cơ duyên đến với công việc này xuất phát từ một lần nhìn thấy mẫu tiêu bản nhuộm xương trên mạng, cộng thêm vốn sẵn thích hoá thạch khủng long và yêu khoa học. Minh Duy bắt tay vào làm, thời gian đầu cậu phải làm lén, thiếu cơ sở vật chất nên thành phẩm không được như ý muốn.
Việc nhuộm xương cho tiêu bản động vật đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác 100% vì đây là một quá trình cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ngộ độc, ung thư, bỏng mù, vô sinh...Nếu không cẩn thận, không những ảnh hưởng tới bản thân mà còn gây hại phát tán vào môi trường xung quanh. Nhuộm xương cũng là dạng tiêu bản khó khăn nhất so với việc ngâm, nhựa hoá hay độn xác...
Chính vì vậy Minh Duy có phòng thí nghiệm riêng để làm việc và trang bị đầy đủ các loại đồ bảo hộ trong quá trình nghiên cứu. Để hoàn thành được một tác phẩm như cá, động vật giáp xác, lưỡng cư nhỏ thì có thể mất từ 2 đến 3 tuần tuỳ theo kích thước và độ dày của thịt, còn đối với các tiêu bản động vật lớn hơn như chim, bò sát thì có thể mất tới vài tháng. Tiêu bản rắn 1,2m là động vật lâu nhất mà cậu từng làm, mất 3 tháng mới ra được thành phầm.
Hóa chất được dùng để làm tiêu bản cũng rất khó mua tại Việt Nam, phải nhờ người thân từ Mỹ, Canada mua giúp rồi gửi về. Trong một lần sơ suất, câu bị hoá chất bắn vào mắt nhưng rất may mắn vì nồng độ thấp, loãng nên chỉ kích ứng nhẹ, không ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Phòng thí nghiệm của Minh Duy
Tiêu bản nhuộm xương từ rắn
Quy trình để hoàn thiện trải qua nhiều bước như xử lý phần da, nội tạng của động vật đã chết, rồi dùng hoá chất để tẩy đi protein trong mẫu vật khiến da thịt trở nên trong suốt, sau đó mới dùng công thức nhuộm màu lên tiêu bản. Các mẫu vật sẽ được bảo quản trong dung dịch chống nấm mốc để giữ được vĩnh viễn. Các hoá chất dư thừa sẽ được Duy xử lý ở trong phòng thí nghiệm hoặc đưa đến nhà máy để xử lý đúng cách, mẫu bi hỏng sẽ để cho sâu ăn xác giải quyết. Mỗi một lần gửi đến nhà máy xử lý rác thải chi phí từ 120.000 đến 300.000.
Duy nhận được sự ủng hộ từ gia đình và bạn bè, nhưng trước đây cậu cũng đã mất khá nhiều thời gian để thuyết phục. Không chỉ dùng lý lẽ suông mà cậu cố gắng tập trung việc học, cân bằng với đam mê nhuộm xương. Chứng minh cho mọi người biết sản phẩm làm ra được lấy từ xác của những động vật đã chết chứ không phải giết mổ khi còn sống.
Nguồn xác động vật được Duy lấy từ các cửa hàng thú y, các hàng cá, hoặc được bạn bè, những người quen biết đem đến tặng. Sau 2 năm học cách "lưu giữ vẻ đẹp cho cái chết", cậu đã có bộ sưu tập đa dạng tiêu bản động vật như rồng Úc, cá ngựa, các loại kỳ đà, nhiều và thành công nhất là các mẫu tiêu bản từ cá và rắn.
Hiện tại, chàng trai đang theo đuổi đam mê này vừa để sưu tầm và kinh doanh, tuy nhiên mục đích chính của nam sinh này chủ yếu vẫn là sưu tầm. Sau khi bài đăng được đăng tải, có rất nhiều cư dân mạng đã ngỏ ý mua những tiêu bản nhuộm xương này về trưng bày.
Là một người yêu thích khoa học nhưng cũng có niềm đam mê với lịch sử, Minh Duy mong muốn trở thành một người nghiên cứu lịch sử, giữ đam mê làm tiêu bản nhuộm xương và có thể trở thành nghề tay trái trong tương lai.
Phương pháp nhuộm xương cho tiêu bản động vật (Diaphonization) đã có từ năm 1897, được phát minh bởi một nhà khoa học người Đức. Cách thức để thực hiện phương pháp này là tẩy cho phần thịt của động vật trở nên trong suốt, sau đó sẽ tiến hành nhuộm màu cho phần xương và sụn. Các mẫu vật thường dùng để nhuộm màu đa số là các động vật nhỏ như cá nhỏ, chim, bò sát…
Ban đầu, phương pháp này chủ yếu dùng để phục vụ cho mục đích nghiên cứu về sinh vật. Nhưng ngày nay, kỹ thuật này không còn được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực khoa học vì sự phát triển của công nghệ mô phỏng 3D, cho phép so sánh và đối chiếu trực quan hơn. Thay vào đó, nhuộm xương cho tiêu bản động vật dần chuyển sang như một hình thức nghệ thuật, phục vụ cho việc trưng bày mẫu vật trong các viện bảo tàng, hoặc để sưu tầm và trưng bày đối với những người có hứng thú.
Ảnh: NVCC