Miền Bắc nắng nóng gay gắt đến gần 40 độ C khiến nhiều người, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ trở bệnh nặng.
Hô hấp, tiêu chảy tấn công trẻ nhỏ
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, số trẻ đến khám trong mấy ngày nắng nóng gần đây có tăng lên một chút. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng phải nhập viện tăng lên đáng kể. Nguyên nhân là do sức đề kháng của trẻ vốn yếu, khi bị bệnh trong thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng quá gay gắt rất dễ trở nặng. Trẻ đến khám và nhập viện chủ yếu về các bệnh tiêu hóa, hô hấp. “Trời nóng quá, trẻ ngồi điều hòa, quạt, tắm nhiều hơn, uống nước lạnh nhiều hơn. Hệ hô hấp của trẻ trở nên yếu do niêm mạc mất nước, họng, mũi khô vì ngồi nhiều dưới điều hòa, máy lạnh nên khi bị nhiễm khuẩn đường hô hấp nếu không được điều trị sớm, chăm sóc đúng trẻ rất dễ trở nặng”, PGS.TS Dũng nói.
Nắng nóng, trẻ ốm nhanh trở nặng
Theo BS Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi TƯ, trong mấy ngày nắng nóng này số lượng bệnh nhân đến khám có tăng lên nhưng không đông bằng thời điểm giao mùa. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng lại tăng lên đáng kể. “Nhiều trẻ bị tiêu chảy nặng, mất nước phải nhập viện. Sáng nay có cháu bé được mẹ đưa đến trong tình trạng mất nước trầm trọng, mặt hốc hác. Người nhà cho biết cháu bị tiêu chảy đến 10 lần/ngày, đi toàn ra nước, bác sĩ phải cho nhập viện và bù nước gấp cho bé, đề phòng biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe”, BS Nhuận cho biết.
Tại Viện Lão Khoa, số ca bệnh đột quỵ, cao huyết áp chiếm tỷ lệ cao. BS Nguyễn Trung Anh, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, người già trong những ngày nắng nóng rất dễ mắc các bệnh liên quan đến nắng nóng như say nắng, say nóng, suy nhược vì mất nước … hoặc tái phát các bệnh mãn tĩnh như tăng huyết áp, tim mạch.
Nắng nóng, uống nước bao nhiêu là đủ?
PGS.TS Dũng cho biết, những ngày nắng nóng, đồ ăn rất dễ ôi thiu, gây ngộ độc, tiêu chảy cho trẻ. Trời nóng người lớn hay để trẻ lăn lê thoải mái dưới nền nhà cho mát, cũng chính vì thế mà trẻ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn tiêu hóa hoặc mắc các bệnh tay chân miệng, bệnh về da nhiều hơn, đặc biệt là với trẻ nhỏ có thói quen mút tay, gặm đồ chơi. Do đó, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ luôn phải chú ý đến thực phẩm cho trẻ ăn và giữ vệ sinh nhà cửa, đồ dùng, đồ chơi của trẻ sạch sẽ.
BS Cấn Phú Nhuận khuyến cáo, việc bù nước cho trẻ bị tiêu chảy rất quan trọng. “Hầu hết cha mẹ đều biết phải bù nước cho trẻ khi bị sốt, tiêu chảy bằng dung dịch oresol, tuy nhiên có không ít người pha không đúng liều lượng, gây nguy hiểm cho trẻ. Quy định một gói oresol phải pha với 200ml nhưng nhiều bà mẹ sợ con uống không hết san nửa gói pha với 100ml. Nhiều trẻ không thích uống nước oresol nhiều mẹ sợ con uống ít không đủ bù nước liền pha cả gói với vài thìa nước và cho rằng trẻ uống được cả gói sẽ được bù nước đầy đủ. Những sai lầm này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ, nước oresol pha loảng không có tác dụng bù nước, uống pha đậm đặc càng khiến trẻ bị mất nước, tiêu chảy nhiều hơn, bệnh vì thế mà trở nặng hơn”.
Đề phòng bệnh trong những ngày nắng nóng, với trẻ nhỏ, PGS.TS Dũng cho rằng quan trọng là cha mẹ có các biện pháp chống nóng, cho trẻ chơi trong phòng điều hòa hoặc quạt mát. Tuy nhiên, không để điều hòa quá thấp, chênh lệch nhiệt độ lớn so với môi trường bên ngoài. Khi đã ở trong phòng điều hòa thì không nên để trẻ chạy ra vào phòng liên tục, sự thay đổi nhiệt độ ngột cũng khiến trẻ dễ đổ bệnh. Tùy theo lứa tuổi của trẻ, cha mẹ nên bật quạt số to hay nhỏ. Trẻ sơ sinh thì không nên để quạt quá gần trẻ, cách 2m trở lên, số nhỏ nhất, không nên để quạt thốc thẳng vào mặt. Chú ý tắm rửa cho bé sạch sẽ, giữ vệ sinh tốt, vệ sinh da, đừng để trẻ ra mồ hôi nhiều, dễ bị viêm da. Bên cạnh đó, cần cho bé ăn, uống đủ nước, không uống đủ dễ dẫn đến mất nước, khiến trẻ mệt. Đồng thời ăn thêm hoa quả, bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng.
Đối với người lớn, BS Trung Anh khuyến cáo, việc uống nước đủ và đúng trong những ngày trời nóng rất quan trọng. Nếu là người phải lao động chân tay nặng nhọc trong thời tiết nắng nóng thì cần phải uống 4 cốc nước mát mỗi giờ. Không nên uống các loại chất lỏng chứa cồn hay quá nhiều chất đường bởi chúng chỉ làm cơ thể thêm mất nước. Tránh các loại đồ uống lạnh vì nó có thể gây co dạ dày. Những người làm việc ngoài trời không nên làm việc từ 11h trưa đến 15h chiều.
Với người mắc các bệnh mãn tính, theo BS Trung Anh phải định sẵn một lượng nước cần uống, không phải cứ uống nhiều nước là tốt, đặc biệt nếu uống nhiều nước mà không ra mồ hôi thì cần phải cẩn trọng. Những người bị suy tim không nên uống nhiều nước, chỉ uống khi thấy khát vì nếu uống nhiều sẽ làm tăng khối lượng tuần hoàn dẫn tới suy tim nặng hơn.
Ngoài ra, bác khuyên người lớn nên tập thể dục sớm hơn về buổi sáng và muộn hơn về buổi chiều, thời gian tập cũng nên rút ngắn lại.