Nao lòng bé gái không biết mặt cha, đói rách từng ngày

Ngày 02/06/2014 14:30 PM (GMT+7)

Giữa cái nắng như đổ lửa tháng 5, chúng tôi về thôn An Ngoại, xã Tiên Hiệp, Phủ Lý, Hà Nam và được nghe câu chuyện xúc động, buồn rơi nước mắt về bé gái Nguyễn Thị Vinh thiểu năng trí tuệ, tàn tật, rách rưới bị người mẹ bỏ rơi đang sống vật vờ với bà ngoại bệnh tật và ông ngoại thần kinh.

Men theo con đường đất đá gập ghềnh, khói bụi quanh khu núi Đọi, chúng tôi có mặt tại nhà em Vinh, khi em đang tập viết trên nền nhà ẩm thấp, nóng bức và nồng nặc mùi khói bếp. Nhìn các đầu ngón tay bị cụt đang cố gắng viết tên mình cùng với những giọt mồ hôi trên trán khiến chúng tôi cảm động rơi nước mắt.

Thấy có khách đến, bà Lê Thị Bé năm nay gần 70 tuổi, là bà ngoại em Vinh đang nằm trên giường bệnh, gượng dậy nói giọng mệt mỏi: “Mấy hôm nay bệnh thoái hóa cột sống và bệnh rối loạn tiền đình lại hành hạ tôi, tôi không đi làm được nên gia đình phải ăn muối trắng anh ạ!”. Quay sang nhìn cháu Vinh đang viết trên nền nhà, bà lại khóc sụt sùi: “Khổ lắm anh ơi! Cháu bệnh thiểu năng trí tuệ bẩm sinh, tật nguyền, mẹ lại bỏ nhà đi biệt tích 9 năm nay, thương cháu mà không làm gì được. Cứ thế này cháu nó chết mất”. Nói đến đây bà lại òa khóc trong sự tuyệt vọng. Những giọt nước mắt vàng đục lăn trên khuôn mặt khắc khổ như một sự minh chứng cho cái nghèo, sự khốn khổ đến cùng cực, sự bất hạnh và bệnh tật bủa vây.

Nao lòng bé gái không biết mặt cha, đói rách từng ngày - 1

Khốn khó, bệnh tật nhưng bé Vinh luôn cháy bỏng khát khao được đi học.

Bé Vinh khi chào đời chỉ nặng 1,1 kg, toàn thân tím tái, sốt co giật, hai cánh tay co chặt không duỗi ra được, 6/10 đầu ngón bị cụt và dính chặt vào nhau. Vinh vừa tròn 3 tháng tuổi, chưa từng biết mặt cha, còn người mẹ tâm thần của em lên cơn bỏ đi biệt tích. Nỗi đau của người mẹ mất con và thương đứa cháu tật nguyền khiến bà Bé như chết đi sống lại, nhiều lần bà toan tìm đến cái chết để giải thoát thân phận khốn khổ nhưng tiếng khóc thơ dại của cháu Vinh đã níu bà trở lại với cuộc sống cay đắng.  

Nao lòng bé gái không biết mặt cha, đói rách từng ngày - 2

Mái nhà tuềnh toàng đến nao lòng của hai ông bà già và đứa cháu không cha, không mẹ.

Nao lòng bé gái không biết mặt cha, đói rách từng ngày - 3

Chẳng có nổi viên phấn trắng nên em đành lấy mảnh ngói vỡ nhặt ngoài đường làm phấn viết...

Nao lòng bé gái không biết mặt cha, đói rách từng ngày - 4

... trên đôi tay tật nguyền một cách khó khăn.

Nao lòng bé gái không biết mặt cha, đói rách từng ngày - 5

Những cọng rau là thức ăn chính của em và hai ông bà bao năm nay.

Thương cháu bị bệnh tật hành hạ ngày đêm và người chồng bị bệnh thần kinh, hơn 100m2  đất hương hỏa tổ tiên để lại bà đã mang bán lấy tiền chữa bệnh, chỉ để lại 20m2  làm căn lều ở và bếp để sinh sống. Nhưng khoản tiền ấy cũng chẳng thấm vào đâu với muôn vàn bệnh tật bủa vây bé Vinh, bà lại đi vay nặng lãi. 5 năm theo đuổi để chữa bệnh cho chồng, cho cháu, nhưng bệnh tình hai ông cháu chưa khỏi mà tiền hết, kinh tế kiệt quệ khiến cho gia đình cô lâm vào con đường khốn khó.

5 năm nay, mọi người dân nghèo ở An Ngoại đã quen với cái cảnh thức khuya, dậy sớm, về muộn của bà và quen với cảnh cõng cháu, dắt chồng đi cấp cứu ở các bệnh viện. Cuộc sống cùng cực như vậy nhưng chưa bao giờ khiến bà đánh mất niềm tin. Ngoài vài sào ruộng khoán, thấy ở đâu có người thuê làm, bà lặn lội tới nơi xin bằng được, dù ngày công có thể chỉ được vài chục nghìn đồng. Nhưng chính vài chục nghìn ấy lại nuôi sống 3 miệng ăn nghèo khó. Số ruộng khoán kia không đủ tiền chữa bệnh một tháng cho hai ông cháu, chưa kể đến khoản nợ gần khổng lồ treo lơ lửng trên đầu. Lao động kiệt sức, cái ăn không có khiến bà bị bệnh đau xương khớp, thoái hóa cột sống và rối loạn tiền đình gần 3 năm nay.

Nghèo khó khốn cùng nhưng thấy những đứa trẻ hàng xóm được cắp sách tới trường khiến bà như thắt từng khúc ruột. Nuốt nước mắt đắng cay, bà vay mượn tiền bạc, xin với nhà trường cho Vinh được đi học, với mong muốn được biết đến cái chữ cho đỡ khổ và thua thiệt.

Cô Trần Thị Dịu, giáo viên chủ nhiệm nói giọng buồn rầu: “Ở trường này, chưa có trường hợp nào lại khổ tâm như em Vinh. Mong sao trước mắt em được phẫu thuật các ngón tay cho lành lặn để học hành với các bạn”.

Vừa nắn các ngón tay bị cụt của em Vinh, cụ Lưu Thị Múc (90 tuổi) hàng xóm nói giọng xót xa: “Khổ thân cháu, tí tuổi đầu đã chịu nhiều khổ hạnh, không biết say này khi ông bà ngoại về với tiên tổ, cháu sẽ sống ra sao?”.

Nghe xong câu chuyện dài đẫm nước mắt về hoàn cảnh của em Vinh và gia đình bà Bé khiến chúng tôi không cầm được nước mắt. Khi chúng tôi thực hiện bài viết này cũng là lúc em Vinh đang phải giành giật sự sống hàng ngày với hàng trăm thứ bệnh. Bà em thì đang nằm liệt giường vì bệnh tật bủa vây.

Mọi sự giúp đỡ tới bé Vinh xin gửi về: Gia đình bà Lê Thị Bé, đội 2, thôn An Ngoại, xã Tiên Hiệp, Phủ Lý, Hà Nam.

Theo Đức Tùy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Việc tử tế