Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, những người Cựu chiến binh (CCB) tại TP.HCM, Đồng Nai khi trở về quê hương, đã gây dựng kinh tế từ hai bàn tay trắng khiến bao người nể phục.
Chuyện làm giàu của “Kiệt ong”
Đến thăm gia đình của CCB Võ Văn Kiệt ở đường Nguyễn Ảnh Thủ, Q.12, ai nấy đều ngạc nhiên trước cơ ngơi khang trang của ông. Ít ai biết rằng, hơn 30 năm nay đây mai đó tưởng chừng bao phen trắng tay vì ong. Giờ đây, “Kiệt ong” đã thành ông chủ với thương hiệu mật ong riêng, hàng năm xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu từ 500 tấn đến 1.500 tấn mật ong, thu nhập bình quân từ 1 đến 2 tỷ đồng. Trưởng thành từ lính trinh sát của trung đoàn 263 mặt trận 979 năm 1985, CCB Võ Kiệt xuất ngũ trở về quê hương chợ Lách, Bến Tre với hai bàn tay trắng. Được nhận vào làm nhân viên kỹ thuật tại trại ong thuộc Sở NN&PT Bến Tre, nhưng đến năm 1991 khi giảm biên chế, ông trở về quê.
Cựu chiến binh Võ Văn Kiệt phổ biến kinh nghiệm nuôi ong cho các đồng đội.
Yêu con ong từ thời còn nhỏ, ông Kiệt liền thử sức với nghề nuôi ong. Lấy ngắn nuôi dài, 30 đàn ong ban đầu, anh nuôi dưỡng thành những đàn ong mạnh rồi bán đi lấy lời. Tính toán lời lãi, “Kiệt ong” thấy nuôi ong nội hiệu quả kinh tế không cao và quyết định chuyển sang nuôi ong ngoại (giống ong của Ý). “Kiệt ong” nhớ lại: “Hồi đó nuôi ong Ý chưa có điều kiện và đủ như bây giờ. Cứ 6 tháng khai thác ong lấy mật, 6 tháng nuôi dưỡng, cho ong ăn đường rồi hút phấn hoa. Chưa bán được mật, tôi chạy xe ôm duy trì lấy vốn”.
“Sống với ong như bạn thì mới nuôi ong được”, CCB Võ Kiệt quả quyết vậy. Nhiều lần trắng tay do ong chết hàng loạt; giá bán mật ong rẻ như cho, đôi khi ông nản và buồn lắm. Để có một đàn ong mạnh phải tốn kém rất nhiều công sức, tiền bạc. Ông coi công việc của mình như kẻ du mục nay đây mai đó thay đổi theo mùa, quanh năm suốt tháng tìm về những nơi thật nhiều hoa di chuyển cả đàn ong để chúng hút mật. Mỗi lần thất bại là một bài học. Đến nay CCB Võ Kiệt đã khôi phục đàn ong, xây dựng 100 cơ sở nuôi ong vệ tinh có chất lượng.
Mật ong Võ Kiệt đặc sánh mùi thơm dễ chịu giờ đã tìm được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu từ 500 tấn đến 1.500 tấn/năm. Khi đã có “của ăn của để”, ông quay lại giúp đỡ nhiều CCB khác cùng vươn lên. Từ mô hình nuôi ong Ý, “Kiệt ong” đã phổ biến, nhân rộng lên 100 cơ sở nuôi ong khắp miền Nam, miền Trung. Theo Phó Chủ tịch Hội CCB TP.HCM Trần Đình Hạng: CCB Võ Văn Kiệt là gương điển hình làm kinh tế giỏi, là tấm gương cho nhiều CCB khác vượt khó vươn lên.
Nữ du kích Lai Vu thành bà chủ giày da
Năm 17 tuổi, Nguyễn Thụy Út tham gia đội nữ du kích Lai Vu làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Phú Lương và cầu Lai Vu (tỉnh Hải Dương) những năm 1970-1973, con đường giao thông huyết mạch đi các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh. Sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị em, trong đó có 2 người anh hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bà đã cùng các nữ du kích Lai Vu dạo đó nổi tiếng cả nước và đi vào thơ Tố Hữu: “Chuyện o du kích xóm Lai Vu/Rắn quấn bên chân, vẫn bắn thù”. Nay khi hòa bình thống nhất, chị lại dấn thân trên con đường làm giàu, là chủ cơ sở sản xuất giày da tại đường Quang Trung, P.10, Q. Gò Vấp và tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động.
Cơ sở sản xuất giày da tại đường Quang Trung, P.10, Q. Gò Vấp của bà Út tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động.
Bà Út kể, năm 1987, gia đình bà chuyển vào Nam sinh sống, thời gian đầu cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn. Bà Út đã mạnh dạn gửi người con trai lớn tên Cường theo học giầy da ở một cửa tiệm Q.6. Khắc ghi lời mẹ dặn: Học ko phải làm thợ mà làm chủ, để cứu những người không có công ăn việc làm như chúng ta bây giờ. Từ học nghề và truyền dạy lại cho những người trong gia đình. Cơ sở sản xuất giày da Thụy Út ra đời vào năm 1996 bằng công sức của cả nhà. Ban đầu với quy mô hộ gia đình, chị chỉ làm những sản phẩm bán trong nước. Nhưng từ năm 2006, khi Việt Nam gia nhập WTO bà đã mạnh dạn chuyển hướng kinh doanh những sản phẩm có thể xuất khẩu.
Việc kinh doanh của CCB Nguyễn Thụy Út phất lên nhanh chóng. Mới đầu mở cơ sở chỉ có 7,8 người thợ, sau khi gia nhập WTO lúc đông nhất cả cơ sở lên tới hơn 100 người. Hàng đặt gối đầu lên tới 1.000 đôi giày. Nhu cầu tăng cao, chị tiếp tục đầu tư hàng tỷ đồng để mua 30 máy chuyên dụng để mở rộng sản xuất và giải quyết việc làm cho hơn 50 công nhân là con CCB, bộ đội xuất ngũ, phụ nữ nghèo... Nhiều công nhân coi cơ sở sản xuất của chị Út là mái nhà chung. Ở đây, các công nhân được bao ăn, bao ở nên cuộc sống ổn định. Lương tháng công nhân mới vào làm việc là 3 triệu đồng, người cao nhất là 9 triệu/tháng. Ông Lê Trọng Dân-Chủ tịch Hội CCB phường 10 (Q. Gò Vấp) cho biết: Không chỉ là gương kinh doanh giỏi, nữ CCB Nguyễn Thụy Út còn tích cực tham gia các công tác xã hội từ thiện, chữa bệnh cho người nghèo, con em học giỏi vượt khó đóng góp vào quỹ vì biển đảo do Thành phố phát động.
Cựu chiến binh làm giàu từ vườn cây trái
Đến Thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), chúng tôi gặp CCB Nguyễn Mạnh Đậu (61 tuổi, ngụ tổ 12, ấp Núi Tung, xã Suối Tre, Thị xã Long Khánh) khi ông đang cặm cụi chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình. Từ hai bàn tay trắng và 3 ha đất được cấp sau ngày xuất ngũ, người lính từng chiến đấu qua nhiều mặt trận từng bước lập nghiệp trong điều kiện vô cùng khó khăn. Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, 10 năm làm nhiệm vụ tại chiến trường Campuchia; hàng chục năm bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1991 ông xuất ngũ, quay về Long Khánh, xây dựng kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Mạnh Đậu (đứng giữa) với con đường bê - tông hóa tại địa phương.
Với đức tính cần cù của người nông dân, ông đã tạo dựng trên mảnh đất được cấp vườn cây ăn trái với đủ các loại cây như chôm chôm, ổi, mít, trang trại nuôi bò, ao nuôi cá,… mang lại thu nhập cho gia đình lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đến mùa vụ thu hoạch, ông còn tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Khi kinh tế gia đình đã dần đi vào ổn định, ông Nguyễn Mạnh Đậu còn đứng ra kêu gọi những CCB ủng hộ tiền làm đường giao thông nông thôn và đường điện lưới. Chỉ vào con đường bê - tông hóa dài 300 mét, thẳng tắp đi vào ấp Núi Tung, ông Đậu cho biết đời sống người dân nơi đây còn nghèo, vì muốn giúp mọi người có con đường khang trang đi lại nên ông đứng ra vận động dân làng và ứng tiền của mình để xây dựng, riêng gia đình ông cũng đóng góp hàng chục triệu đồng.
Là một trong những CCB tích cực vận động xây dựng quê hương, ông Đậu cho biết, trong quá trình thực hiện các chủ trương của Nhà nước, bà con nhân dân rất hưởng ứng và đồng lòng với chính quyền địa phương, vậy nên Long Khánh mới có bộ mặt khang trang, hiện đại như ngày hôm nay. “Những gì dân đồng thuận thì làm nhanh lắm, hiệu quả lắm”, ông Đậu vui mừng nói.
Nữ thương binh mở phòng công chứng tư
Cũng trên mặt trận tỉnh Đồng Nai, chiến trường Xuân Lộc năm xưa được xem là ác liệt hơn cả. Gặp bà Đỗ Thị Thuận, nữ chiến sĩ đội Cối Xuân Lộc anh hùng, chúng tôi được nghe bà kể nhiều về điều kiện khó khăn của địa phương khi đất nước vừa thống nhất. Đội Cối Xuân Lộc mà bà Thuận vinh dự góp công được thành lập từ năm 1968 trong bối cảnh cần thiết phải có lực lượng hỏa lực yểm trợ cho bộ binh và đây được xem là một trong những đơn vị hỏa lực nữ chiến đấu đầu tiên ở miền Đông Nam bộ. Thành lập và chiến đấu trong thời gian không quá 7 năm, nhưng đội Cối Xuân Lộc đã lập nhiều chiến công góp phần quan trọng vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Bà Đỗ Thị Thuận chia sẻ về những hành động thiết thực trong xây dựng quê hương.
Hòa bình lập lại, là thương binh hạng 4/4, mất 35% sức lao động, bà Thuận tranh thủ đi học thêm Luật, Anh văn, vi tính và Đại học Kinh tế, nhờ đó mà bà nắm vững được nhiều kiến thức ứng dụng trong công tác. Khi về hưu, bà Thuận đã mở một văn phòng công chứng tư Thuận Tâm tại thị trấn Xuân Lộc nhằm phục vụ người dân trong địa phương, mỗi ngày giải quyết hàng chục hồ sơ cho những người có nhu cầu. Trước đây, khi gia cảnh còn nhiều khó khăn nhưng bà vẫn cố gắng nuôi các con ăn học cho tới nơi, tới chốn. Hiện 3 người con của bà Thuận đều đã tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định, có người đã lập gia đình và về sống cùng với bà tại Xuân Lộc.
Trong công chuyện với phóng viên, bà Thuận tâm sự: Những ai đi qua cuộc chiến, chịu cảnh gian lao khi kinh tế nước nhà còn khó khăn thì mới thấy được sự quý giá của hòa bình, niềm vui trước những thành quả kinh tế của đất nước. Với bà, được đóng góp một phần vào xây dựng quê hương đổi mới, tham gia các phong trào đoàn, hội và các tổ chức từ thiện giúp đỡ mọi người giờ là một niềm vui, nghĩa cử sống đẹp ở đời bà muốn truyền dạy cho con cháu...