Nhiều phụ huynh băn khoăn “nên hay không nên” cho con học tiền tiểu học và đặt ra sự so sánh xem cái nào có lợi hơn. Cùng nghe ý kiến của những người làm trong ngành giáo dục về vấn đề này.
Những ngày qua, phụ huynh có con sắp vào lớp 1 tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM bắt đầu rục rịch tìm lớp tiền tiểu học trên các diễn đàn, nhóm hội về giáo dục mầm non, tiểu học... Song cũng có người băn khoăn “nên hay không nên” cho con học tiền tiểu học và đặt ra sự so sánh xem cái nào có lợi hơn.
Thực tế, có phụ huynh muốn dành cho con thêm nhiều thời gian vui chơi, tạo hứng khởi trước khi bước vào năm học mới; có người lại lo con không thể theo kịp chương trình học, bị bạn bè “vượt xa” khi mới bắt đầu… Vậy ở góc nhìn của người làm công tác giáo dục, trực tiếp giảng dạy học sinh sẽ khuyên phụ huynh nên lựa chọn như thế nào?
Chị Nguyễn Thảo (39 tuổi) – quản lý hệ thống trường mầm non tư thục tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, trong quá trình làm giáo dục mầm non đã bắt gặp 2 luồng ý kiến về giáo dục tiền tiểu học. “Luồng ý kiến thứ 1 là phụ huynh muốn con biết mọi kiến thức trước khi vào lớp 1: làm toán ở mức nào, cộng trừ ra sao; biết đọc biết viết thành thạo… Vì thế phụ huynh ra sức cho con đi học thêm để không chậm so với các bạn, không bỡ ngỡ khi bước vào lớp 1.
Luồng ý kiến thứ 2 cho rằng tiền tiểu học chỉ nên là tự lập, tự chăm sóc bản thân, tự đi vệ sinh, tự chuẩn bị cặp sách… Họ quan niệm các con sẽ phát triển tự nhiên, học kiến thức theo đúng mong muốn và hiểu biết của mình. Họ còn cho rằng con chỉ cần thoải mái, vui vẻ, các cô dạy đúng kĩ năng trong chương trình học của mầm non, không cần thiết phải học thêm”, chị Thảo nói.
Chị Nguyễn Thảo (39 tuổi) – quản lý hệ thống trường mầm non tư thục tại quận Hà Đông (Hà Nội).
Hai luồng ý kiến trên trái ngược nhau hoàn toàn và suốt năm tháng làm nghề chị Thảo nhận rõ điều đó ở các bậc phụ huynh… Chị thường đưa ra quan điểm trẻ 5-6 tuổi luôn có đầy đủ nhận thức, hiểu biết. Vì thế con vừa có thể chăm sóc bản thân vừa tiếp cận kiến thức tiếng Việt – Toán ở mức độ vừa phải trước khi vào lớp 1 để không bị bỡ ngỡ.
“Theo tôi việc cần thiết và quan trọng nhất đối với bậc phụ huynh khi con chuẩn bị vào lớp 1 chính là tâm lý của con. Bởi mỗi giai đoạn chuyển tiếp của con đều có sự thay đổi tâm lý.
Khi đó, cha mẹ cần nói chuyện, động viên và chuẩn bị đồ dùng học tập cho con để con không “choáng ngợp”, bỡ ngỡ khi bước vào môi trường học tập cũng như chăm sóc khác biệt hoàn toàn với bậc mầm non. Về phía nhà trường, cũng sẽ có những bước đệm giúp các con yêu thích trường tiểu học hơn, giúp con làm quen với những thói quen, kỹ năng học tập: ngồi đúng tư thế, tạo nhóm học…”, chị Thảo chia sẻ.
Khi đặt ra vấn đề “phụ huynh muốn dạy con tại nhà trước khi vào lớp 1 thay vì tham gia các lớp tiền tiểu học, như vậy có được hay không?”, chị Thảo thẳng thắn đưa ra quan điểm cha mẹ đồng hành cùng con trong các giai đoạn cuộc đời là cần thiết và rất tuyệt vời. Song không phải ai cũng có nhiều thời gian ngồi cùng con học mỗi tối, cũng có nhiều phụ huynh không được đào tạo kỹ năng sư phạm, thiếu sự kiên nhẫn nên có thể nhờ các thầy cô giáo hỗ trợ.
Cha mẹ đồng hành cùng con trong các giai đoạn cuộc đời là cần thiết và rất tuyệt vời.
Cô Trần Ngọc Tú (27 tuổi) – giáo viên tiểu học tại một trường tiểu học thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết phụ huynh cần “công bằng” với các con. Việc học tiền tiểu học nên dựa trên sở thích, ham học hỏi của con hơn là “phải học tiền tiểu học”.
“Thực tế có nhiều học sinh không học tiền tiểu học nhưng vào năm học mới vẫn nắm bắt kịp kiến thức cùng các bạn. Hơn cả, phụ huynh cần biết mục tiêu khi hoàn thành chương trình lớp 1 là học sinh biết đọc, biết viết nên các giáo viên sẽ hỗ trợ, kèm cặp học sinh một cách tối đa để các con đạt được điều đó”, cô Tú nói.
Cô giáo trẻ cũng đưa ra lời khuyên khi con vào năm học, cha mẹ nên đồng hành, hướng dẫn con sắp xếp thời gian học hợp lý. Sau đó cha mẹ hãy dành thời gian rèn con ý thức học tập ở nhà. Như vậy con sẽ bắt nhịp với bài giảng của cô trên lớp nhanh hơn.