Trong khi rồng ở một số nơi được người dân chê bai, ví như rắn, lươn, giun… thì cặp rồng tại tỉnh Bình Dương được cộng đồng mạng dùng những cụm từ rất kiêu để khen ngợi như “rồng nhà người ta”, “đệ nhất song long”. Cặp rồng ở Bình Dương hiện đang làm thủ tục để được công nhận xác lập kỷ lục Việt Nam.
Ghi nhận của phóng viên báo Tiền Phong, đến sáng 27/1, cặp rồng tại tỉnh Bình Dương đã được các nghệ nhân hoàn thiện.
Linh vật rồng được thiết kế để chào đón Tết Giáp Thìn 2024, đặt tại đường Hồ Văn Cống (phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một). Đây là làng nghề truyền thống có tuổi đời hơn 300 năm.
Điểm độc đáo và được đánh giá “độc nhất vô nhị” của cặp rồng tại Bình Dương là vật liệu để tạo thành đề từ lu, hủ, loại gốm sứ truyền thống nổi tiếng.
Anh Thuận, nghệ nhân chính, chịu trách nhiệm thực hiện cặp rồng này cho biết, mỗi con rồng có tới 38 cái lu cỡ lớn và có khoảng 20.000 chiếc hủ.
Ngoài ra, có nhiều chi tiết để tạo nên một con rồng hoàn chỉnh cũng được dùng bằng gốm, loại đất sét được nung lên.
Phần đầu rồng được thiết kế rất tinh xảo, hoàn toàn bằng gốm.
Điểm rồng phun lửa.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Tám, chủ cơ sở lò lu ở phường Tương Bình Hiệp là người tài trợ toàn bộ số lu, hủ để thực hiện cặp rồng ấn tượng này. Cơ sở lò lu gia truyền của ông Tám có tuổi đời hơn 160 năm.
Phần đuôi rồng cũng được dùng loại đất sét, đặc trưng làng nghề truyền thống Tương Bình Hiệp.
Chia sẻ với phóng viên báo Tiền Phong, đại diện chính quyền phường Tương Bình Hiệp cho biết, đang làm thủ tục để được công nhận xác lập kỷ lục cho cặp rồng mang đặc trưng vùng miền này.
Chân rồng được thiết kế với nhiều hủ nhỏ xếp chồng vào nhau.
Cặp rồng không chỉ để chào đón Tết Giáp Thìn 2024, mà để xuyên suốt, trở thành một biểu tượng của làng nghề Tương Bình Hiệp.
Từ sáng sớm, người dân đã tới cặp rồng để check - in.
Nhiều lu, hủ được bố trí bên đường rất đẹp, mang đặc trưng của làng nghề gốm sứ Bình Dương.