Đào trồng trên những ngôi mộ, nở hoa bên bát hương. Đó là vườn đào nghĩa địa còn sót lại sau quy hoạch của làng La Cả.
Khoảng đầu năm 2000, hai làng đào nổi tiếng nhất Hà Nội là Phú Thượng và Nhật Tân bị thu hồi đất để xây khu đô thị mới Ciputra. Đào phải di tản về La Cả (phường Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội). Từ đó, thôn La Cả được biết đến như là một làng trồng hoa đào lớn nhất miền Bắc.
“Không biết ai là người đầu tiên mang đào Nhật Tân về trồng trên đất làng, nhưng đến năm 2002 đào đã phủ đỏ trên khắp ruộng. Mỗi dịp Tết đến, khách đặt đào, lái buôn từ khắp nơi lại đổ về”, ông Dương Văn Hùng, 50 tuổi nhớ lại.
Nhưng, cánh đồng rộng hàng trăm ha nhuộm màu hồng tươi, kẻ mua người bán mỗi độ xuân về giờ chỉ còn trong ký ức. Làng đào La Cả cũng không thoát khỏi cơn lốc độ thị hóa. Tết năm 2010 được coi như vụ đào cuối của làng, khi gần như toàn bộ diện tích đất trồng hoa màu phải bàn giao để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Dương Nội.
Vườn đào rộng chừng hơn 1ha là khu nghĩa trang của thôn La Nội (Dương Nội, Hà Đông, HN) đang phải di dời
Không còn đất canh tác, nhưng người dân chẳng nỡ bỏ cái nghiệp đã nuôi sống mình bao năm qua. Nhiều người thuê đất ở Đại Mỗ để tiếp tục trồng đào. Những người trung tuổi, nhà neo người không thuê được đất phải tận dụng từng tấc đất ven đường, vượt ruộng trũng, thậm chí tận dụng cả đất nghĩa địa để trồng đào.
Ngày giáp Tết, chúng tôi tìm về làng La Cả. Đường làng vẫn tấp nập người qua lại, nhưng đợi mỏi mắt mới thấy một bóng xe chở hoa đào. Phía sau dãy nhà cao tầng của khu đô thị mới là bãi đất trống đã san phẳng, cỏ dại mọc um tùm, thấp thoáng một vạt hồng tươi của vườn đào giữa nghĩa địa, vài người đang cặm cụi tưới nước, vặt nụ héo.
Đang tưới, thấy có người hỏi chuyện đào, ông Dương Văn Sơn, 56 tuổi (La Nội, Dương Nội) dừng tay, nhìn về khoảng đất mênh mông cỏ mọc. Ông ngậm ngùi : “Khu này vốn là nghĩa trang của thôn La Nội, nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng. Do một số ngôi mộ chưa chuyển đi nên chúng tôi xin với chủ đầu tư tận dụng để trồng đào đến khi mộ chuyển đi hết sẽ đánh đào đi. Đất bỏ hoang mà mình không làm thì xót lắm. Giờ, cả khu đất rộng khoảng hơn 1ha, 30 hộ chia nhau, mỗi hộ trồng được hơn một trăm gốc”.
Chiều cuối năm, trời rét đậm, trên những khoảng đất còn sót lại, người nông dân vẫn cặm cụi bên gốc đào thưa thớt.
Những ngôi mộ đã chuyển đi, người dân đập gạch, đổ đất lên để tận dụng trồng đào
Những cây đào nở sớm nhuộm đỏ một góc vườn
Hoa nở bên những bát hương
Tiếc những khoảng đất bỏ không, người dân rủ nhau tiếp tục trồng đào
Ông Dương Văn Sơn chăm sóc đào để ra kịp ra hoa ngày Tết
Đào trồng ở khu nghĩa địa hầu hết là đào cành, thời gian trồng ngắn
Một cây đào thế hiếm hoi trong vườn
Vườn đào này sẽ bị san phẳng, trả lại đất cho dự án khi những ngôi mộ di dời hết.
Ông Dương Văn Thọ, 60 tuổi ngắm “đường đào” của mình. Từ sau khi không còn đất canh tác, ông tận dụng đoạn đường ở thôn Ỷ La (Dương Nội, Hà Đông, HN) để trồng gần 300 gốc đào. “Đường đào” của ông Thọ năm nay ra hoa sớm nhưng ông không lấy làm buồn. Lão nông tâm sự: “Tôi trồng đào để vận động lúc tuổi già, trồng cho đỡ nhớ đào”.
Dường như đào cũng có duyên với đất và người La Cả nên dù trồng ở vệ đường, đào vẫn cho ra hoa cánh dày, màu tươi thắm. Trong “cơn lốc đô thị hóa” hiện nay, liệu những “phận đào” La Cả sẽ di tản về đâu?