Ngành học này mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây nhưng vô cùng tiềm năng trong tương lai. Đây là một trong những ngành thuộc top có điểm chuẩn cao của Đại học Bách khoa Hà Nội trong mùa tuyển sinh 2023.
Sự ra đời của Luật An toàn thông tin mạng; Luật An ninh mạng; Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025 và tầm nhìn 2030... là minh chứng cho thấy nhu cầu xã hội, thách thức về bảo mật thông tin và an ninh mạng ngày càng cấp thiết. Ngành An toàn không gian số - Cyber security ra đời không chỉ nhằm bảo vệ thông tin và tài sản của các cá nhân, doanh nghiệp mà còn đóng góp vào việc bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn thông tin toàn cầu.
PGS.TS Trần Quang Đức, Giám đốc Trung tâm An toàn – An ninh thông tin, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, sau giai đoạn thực hiện tin học hóa và số hóa, các cơ quan và tổ chức tại Việt Nam đã tích lũy được một khối lượng lớn các thông tin, dữ liệu quý giá. Chính điều này đòi hỏi các cơ quan, tổ chức càng phải chú trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ "kho tài sản" đó.
Không chỉ vậy, khi người dân tiếp cận ngày càng nhiều các dịch vụ trên không gian số, họ càng dễ có nhiều nguy cơ gặp các loại tội phạm mạng khác nhau. Vì thế, nước ta đang ngày càng chú trọng việc đẩy mạnh, triển khai và bảo mật các hệ thống ứng dụng khai thác dữ liệu, cung cấp dịch vụ tới người dân trong bối cảnh chuyển đổi số.
Thống kê của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cũng cho thấy, tổng số nhân sự trong lĩnh vực an ninh mạng Việt Nam năm 2023 là 3.600. Tỉ lệ dù tăng trưởng 11,6% so với năm 2022 nhưng cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu bảo mật của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trước những đợt tấn công ngày một tăng trong thời đại số.
Tại hội nghị cấp cao Lãnh đạo CNTT và ATTT 2022 do Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, đại diện nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả những ngân hàng lớn cũng thừa nhận, việc thiếu nhân lực an toàn thông tin dẫn đến khó triển khai các giải pháp an toàn thông tin mới.
Như vậy, nước ta vẫn đang thiếu hụt hàng trăm nghìn nhân lực trong tương lai. Điều đó cho thấy, cơ hội việc làm của sinh viên học ngành An toàn không gian số luôn luôn rộng mở và cần thiết cho xã hội.
Ngành An toàn không gian số học gì? Mức lương ra sao?
An toàn không gian số (Cyber Security) hay An ninh mạng chính là ngành nghiên cứu về cách bảo vệ máy tính cùng các thông tin quan trọng, bảo mật khỏi nguy cơ bị xâm nhập, đánh cắp. Các chuyên gia an toàn không gian số cần phát hiện, ngăn chặn và chống lại các cuộc tấn công. Để làm được điều đó, họ cần tạo ra các hàng rào ngăn cản nhằm chống lại những cuộc tấn công từ bên trong và bên ngoài.
PGS.TS Quang Đức chia sẻ, điều khó nhất nhưng cũng thú vị của ngành học này đó là sự đổi mới liên tục, đòi hỏi sinh viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức. Bởi lẽ, những kẻ tấn công hệ thống mạng luôn phát hiện nhanh chóng những lỗ hổng mới, trong khi những nhà bảo mật an ninh mạng cần tìm hiểu mọi cách thức tấn công để phòng thủ.
Bên cạnh hệ thống kiến thức và kỹ năng cần thiết về Công nghệ thông tin như: Phân tích dữ liệu, quản trị mạng, mạng lưới thông tin,… sinh viên theo học ngành An toàn không gian số còn được rèn luyện các kỹ năng chuyên môn như: Rủi ro không gian mạng, phòng thủ không gian mạng, an toàn truy nhập dữ liệu từ xa, điện toán đám mây, bảo mật hệ thống mạng, an toàn công nghệ thông tin,…
Với vai trò được xem “sống còn” cho sự phát triển của kinh tế – xã hội, chuyên gia an toàn không gian số đang là một trong những ngành nghề “hot” với mức lương vượt trội. PGS. TS Trần Quang Đức cho biết, sinh viên học ngành này có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc khác nhau liên quan đến an toàn bảo mật thông tin.
Theo đó, các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các bộ phận vận hành, quản trị mạng an toàn; tham gia ứng cứu sự cố hay điều tra phân tích an ninh mạng tại các tập đoàn đa quốc gia, các ngân hàng, cơ quan hay tổ chức nhà nước. Ngoài ra, sinh viên có thể công tác tại các bộ phận phát triển phần mềm, cung cấp dịch vụ số an toàn cho cá nhân/doanh nghiệp… hay phát triển các ứng dụng tích hợp, chế tạo thiết bị phát hiện, ngăn chặn và phòng chống tấn công xâm nhập mạng, mã độc và đảm bảo an ninh phần mềm, hệ thống thông tin cũng rất rộng mở.
Báo cáo của TopDev - nền tảng tuyển dụng chuyên IT tại Việt Nam về thị trường nhân lực ngành Công nghệ thông tin năm 2023 nêu rõ, vị trí kỹ sư an toàn bảo mật có mức thu nhập trung bình khoảng 45 triệu đồng/tháng. Mức lương này chỉ đứng sau các vị trí như Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu. Hay với vị trí chuyên gia an ninh mạng có thể nhận được mức trung bình là 50 triệu đồng/tháng, vượt trội so với hầu hết các vị trí khác.
Ở Việt Nam, các trường đại học đã và đang không ngừng hoàn thiện chương trình giảng dạy chuyên ngành an toàn không gian số để chất lượng giảng dạy tốt hơn và đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Những trường có chương trình chuyên đào tạo ngành này tại nước ta phải kể đến: Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật mật mã, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học Công nghệ Thông tin – ĐH Quốc Gia TP.HCM…
Năm 2023, trường Đại học Bách Khoa lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển đối với ngành An toàn không gian số là 28,05 điểm, Đại học Công nghệ Thông tin – ĐH Quốc Gia TP. HCM lấy 26,3 điểm, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông lấy 26,04 điểm,...
Dự báo trong năm 2024, với phổ điểm thi THPT Quốc gia tăng, điểm chuẩn của các ngành thuộc Công nghệ thông tin, An toàn không gian số sẽ tăng theo. Hiện chỉ còn 2 ngày nữa là kết thúc việc thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học, hi vọng các thí sinh sẽ có sự lựa chọn phù hợp để đạt được ước mơ của mình.