Ngày 5-2, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết, lượng khách đổ về các bến xe cũng chỉ tăng nhẹ so với ngày thường.
Khác hẳn với mọi năm, do kỷ nghỉ Tết Nguyên đán 2014 kéo dài, người dân đã rải rác về Thủ đô từ ngày 3-2 (mùng 4 Tết), tình trạng ùn tắc xung quanh các ngả đường về bến xe đã giảm đáng kể.
Bến xe thông thoáng
Ngày 5-2 đã là ngày nghỉ cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ nhưng lượng người từ khắp các nơi đổ về các bến xe như Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát khá bình thường. Không còn cảnh ùn tắc, người người chen lấn, xô đẩy lên xe buýt như mọi năm.
Theo Công ty bến xe Hà Nội, kể từ ngày 31-1 đến 5-2, thì ngày 4 và 5-2, lượng khách đổ về Hà Nội đông nhất. Lượng xe khách về các bến xe Giáp Bát, Gia Lâm và Mỹ Đình đạt đến trên 2.600 xe/ngày, tương đương với 50.000 hành khách về Hà Nội.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho hay, trong ngày 4 và ngày 5-2, lượng xe khách về bến chỉ tăng khoảng 15-20% so với ngày thường. “Từ ngày 2-2, tại bến Mỹ Đình, đã rải rác có người dân trở về Thủ đô. Bởi vậy, đến ngày nghỉ cuối cùng 5-2, lượng khách cũng tăng không đảng kể. Không còn xảy ra tình trạng ùn ứ, đông nghẹt như mọi năm”.
Tương tự, tại bến xe Giáp Bát, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, lượng khách đổ về bến xe trong ngày 5-2 cũng chỉ tăng khoảng 15-20% so với ngày thường. “Năm nay, do kỳ nghỉ Tết kéo dài nên lượng khách đi ô tô khách về Thủ đô rải rác trong nhiều ngày. Bởi vậy, đã hạn chế được tình trạng ùn ứ xảy ra tại bến xe”.
Các bến xe không bị quá tải sau ngày nghỉ Tết
Theo ông Thành, mặc dù đã là cuối ngày 5-2 nhưng bến xe Giáp Bát vẫn chưa phải sử dụng xe buýt tăng cường, đưa người dân từ bến xe đi về các nơi như mọi năm.
Tại bến xe Mỹ Đình cũng như Giáp Bát, lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT và nhân viên bến xe luôn luôn túc trực, phân luồng từ xa, đảm bảo giao thông cho các cung đường dẫn vào bến xe.
Dù lượng xe khách về các bến xe trên địa bàn Thủ đô chỉ tăng nhẹ, nhưng hành khách bắt xe trở về Thủ đô cũng không kém phần vất vả. Chị Đỗ Thùy An, ở TP Ninh Bình bức xúc: “Sáng 5-2, tôi bắt xe về Hà Nội mà xe nào cũng chật cứng. Ban đầu lên xe còn có ghế ngồi tử tế, sau họ bắt khách dọc đường, nhồi nhét, cuối cùng chỉ còn ghé được nửa ghế ngồi, đến Hà Nội thì người đau ê ẩm”.
Hàng không vất vả
Lượng khách đổ về các bến xe không đông như mọi năm, nhưng trên các con đường cửa ngõ dẫn về Thủ đô lượng xe cộ khá đông đúc, tình trạng ùn ứ đã xảy ra. Phần đông là lượng xe máy, xe con cá nhân.
Trên đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, các phương tiện lưu thông khá dày, nối đuôi nhau di chuyển hướng về thành phố. Bắt đầu từ gần trưa ngày 4-2, kéo dài hết ngày 5-2, lượng phương tiện đã tăng cao. Đây là cửa ngõ phía Nam thành phố nên vào các kỳ nghỉ lễ, Tết thường xày ra ùn tắc trong các ngày cao điểm.
Tại cửa ngõ phía Bắc thành phố, cầu Chương Dương vẫn là điểm nóng lưu thông trong vài ngày qua. Phương g tiện, nhất là xe ô tô nhỏ và xe máy từ các tỉnh đổ về thành phố tăng đột biến nên nhiều thời điểm cầu Chương Dương bị ùn ứ.
Hành khách chen chân làm thủ tục tại sân bay Nội Bài
Để giảm tải cho cầu Chương Dương, lực lượng cảnh sát giao thông đã phân luồng xe khách, xe tải đi sang nội đô theo cầu Vĩnh Tuy và cầu Thanh Trì.
Trái ngược với tình cảnh giảm lượng khách ở các bến xe, nhà ga, từ ngày 3-2 đến ngày 5-2, tại khu vực ga trong nước thuộc sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM), sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) đông nghẹt khách.
Hàng trăm HK đi các tuyến từ TP HCM, Hà Nội đến các tỉnh, thành phố khác phải chờ cả tiếng đồng hồ để làm thủ tục, thậm chí sau vài tiếng nhiều HK vẫn chưa làm được thủ tục để lên máy bay.
Thông tin từ các hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines, VietJet Air hay Jetstar, do giá vé máy bay đi Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng từ ngày mùng 4 Tết trở đi rất phải chăng nên nhiều người chọn máy bay làm phương tiện đi lại.