“Thời nay, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo hơn và nhiều khi có toan tính cá nhân ngoài tình cảm”.
Đó là chia sẻ của bà Lê Thị Tân Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội (VHTT&DL), nhân dịp xuân mới, - Giáp Ngọ 2014.
“Thăm thầy cô kết hợp... xin điểm”
Bà Lê Thị Tân Trang cho rằng, Tết xưa và nay khác nhau rất nhiều. Thời nay, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo hơn và nhiều khi có những toan tính cá nhân ngoài tình cảm.
Theo bà, thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, có những biến tướng trong hoạt động được coi là “nét đẹp truyền thống”. Ví dụ, câu chuyện “Tết thầy”. Ngày xưa, học trò thật lòng đến thăm thầy, nhưng bây giờ cũng có kết hợp xin điểm”.
Bà Trang cũng chỉ ra sự khác nhau nữa, đó là ngày nay con người sống hối hả và “dịch vụ” hơn.
Bà nói rằng, chuyện ăn uống ngày Tết không phải là vấn đề quá quan trọng, nhưng ba ngày tết phải đảm bảo mỗi một ngày có hai hoặc ba bữa cơm cúng các cụ. Đó cũng cách để bày tỏ đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Bà Lê Thị Tân Trang cho rằng, thời nay, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo hơn.
“Tự tay gói bánh chưng, làm giò xào hay nấu chè kho... có thể không ngon, không đẹp như ở nhà hàng nhưng cho thấy sự thành kính đối với ông bà tổ tiên”.
Bây giờ các em, các cháu trẻ nghĩ cái gì tiện thì làm, dịch vụ rất sẵn. Bà nói: “Tôi không phê phán, nhưng bao giờ tôi cũng thích tự tay nấu canh hơn là xách cặp lồng ra mua về, bỏ vào lò vi sóng rồi thắp hương”.
“Nếu đã nghỉ Tết tại nhà, sao ta không tự tay làm những việc đó. Chưa kể, mua đồ ở ngoài về có nguy cơ không an toàn thực phẩm”.
Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết, năm nào bà cũng về quê ăn Tết và gói bánh chưng, làm món ăn mang phong cách dân dã.
Kết hợp hài hòa giữa truyền thống và đổi mới
Trước những ý kiến cho rằng nên gộp Tết Tây và Tết cổ truyền để tránh lãng phí, bà Lê Thị Tân Trang nói: “Tôi không thấy đây là việc làm hay”.
Tính về mặt kinh tế, nhiều doanh nghiệp khốn khó sau kỳ nghỉ Tết dài ngày bởi công nhân chưa trở lại với công việc. Với công nhân, nghỉ thêm sẽ mất một vài ngày lương nhưng hiệu quả sản xuất của cả công ty sẽ bị ảnh hưởng do dây chuyền sản xuất bị đình trệ.
Tuy nhiên, theo bà Trang, ăn Tết theo lịch âm đã đi vào trong tâm thức người Việt. Một số nước ở Đông Nam Á, Tết cổ truyền phụ thuộc nhiều vào truyền thống, tâm linh chứ “không đơn thuần phụ thuộc một quyết định hành chính nào cả”.
Bà cũng nói: “Những gì linh thiêng nhất đến vào Tết Nguyên đán và thời khắc giao thừa”. Bên cạnh đó, lịch âm được đúc kết từ một nền văn minh chứ không phải chỉ riêng Việt Nam xây dựng nên.
Nước ta đi từ nền sản xuất nông nghiệp, với trên 68% nhân dân làm nông nghiệp, người ta vẫn hiểu “Tháng riêng là tháng ăn chơi”. Phải ăn Tết xong mới vào tiết trời cày bừa, cấy hái...
Bà Lê Thị Tân Trang cho rằng, về ý tưởng có nên kết hợp Tết Tây và Tết cổ truyền phải có lộ trình nghiên cứu kết hợp hài hòa giữa truyền thống và đổi mới.
Ví dụ như đồng bào dân tộc Tày ở Việt Bắc ăn Tết vào tháng Giêng và không coi trọng Tết Nguyên đán cổ truyền. Lúc ấy người ta mới thịt lợn, gói bánh chưng, đi thăm hỏi nhau... Đặc biệt, con cháu về rất đông đủ. Đó cũng là bản sắc riêng của người ta, không ai có quyền cấm họ ăn Tết vào tháng Giêng.
Bà Trang giải thích thêm, thông thường Tết dương lịch được nghỉ 1 ngày, Tết âm lịch nghỉ 3 ngày. Nhưng do liền kề với các ngày nghỉ khác nên Nhà nước ghép lại mới thành ra được nghỉ dài.