Ngày mai, Hà Nội xét nghiệm nhanh COVID-19 ở tất cả các chợ đầu mối

Ngày 17/04/2020 17:50 PM (GMT+7)

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các đơn vị chuyên môn của Hà Nội thực hiện xét nghiệm COVID-19 tại các chợ đầu mối để đánh giá mức độ dịch lây lan trong cộng đồng…

Sáng 17-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội.

Tại cuộc họp, đại diện xã Mê Linh (huyện Mê Linh) cho biết, đến nay sau 10 ngày thiết lập cách ly y tế, công tác dập dịch ở thôn Hạ Lôi xã Mê Linh đã được triển khai hiệu quả, 2 ngày qua không phát sinh ca nhiễm mới.

Đại diện xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) cho biết do liên quan đến ổ dịch ở thôn Hạ Lôi, trên địa bàn xã có 16 trường hợp F1, 109 F2 được cách ly tại gia đình. Xã đà rà soát được 620 người thường xuyên đến chợ hoa Mê Linh mua bán và ra quyết định cách ly tại nhà với 337 trường hợp.

Xã cũng đang tiếp tục xác minh, làm rõ các trường hợp liên quan đến phòng tập Gym ở khu đô thị Tiền Phong… Với nguy cơ lây nhiễm còn cao, xã đề xuất TP hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm với tất cả các trường hợp nói trên…

Ngày mai, Hà Nội xét nghiệm nhanh COVID-19 ở tất cả các chợ đầu mối - 1

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung 

Liên quan đến bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại xã Dũng Tiến, đại diện huyện Thường Tín cho biết, ngày 16-4 huyện đã ra quyết định cách ly y tế với xóm trên của thôn Đông Cứu với 399 hộ và 1.367 nhân khẩu. Trường hợp F1 có 48 người; đưa đi cách ly có 46 người có kết quả âm tính, 2 người đang chờ kết quả; F2 có 187 người.

Huyện Thường Tín đã thành lập 50 chốt để bảo đảm an toàn cho công tác cách ly, bố trí lực lượng rà soát, bám chắc các trường hợp có sức khỏe yếu và có bệnh nền để có phương án chăm sóc sức khỏe khi cần thiết; 8 tổ chăm sóc sức khỏe cho người dân, thường xuyên tiến hành phun khử khuẩn. Cấp thẻ ra vào trên địa bàn xã, khi có việc cần thiết ra ngoài.

Tai cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cảnh báo hiện tượng tái nhiễm tại Vũ Hán, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Từ đó, ông đề nghị cần phân tích rõ cần xây dựng các kịch bản xấu nhất xảy ra, có phương án dự phòng và nhấn mạnh: "Chúng không lạc quan vội mà cần tiếp tục công tác chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất và những điều kiện để đối phó và ứng phó nhanh nhất với dịch bệnh này".

Ông Chung cũng dẫn chứng về 3 kịch bản của đại dịch COVID-19 mà các chuyên gia quốc tế khuyến cáo.

Cụ thể, kịch bản 1 đại dịch sẽ kéo dài thêm khoảng ba tháng và được khống chế và kiểm soát trên phạm vi khu vực và phạm vi toàn cầu. Đây kịch bản tốt nhất đối với mọi quốc gia và cả thế giới, dù ít nhiều bị ảnh hưởng sau đó các hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Các trường học và công sở sẽ mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh buôn bán, giao thông, du lịch, khách sạn, nhà hàng dần khôi phục. Theo kịch bản này, đa phần các nước bị ảnh hưởng và thiệt hại nhưng thiệt hại sẽ sớm được khắc phục theo thời gian

Kịch bản thứ 2 dịch bệnh có thể kéo dài từ 1 đến 3 năm, cho đến khi con người chế tạo được một loại thuốc đặc trị để điều trị hiệu quả các bệnh nhân nhiễm COVID -19. Lúc này COVID -19 xem như một loại cúm mùa, không loại trừ được hoàn toàn nhưng có thể sống chung với nó; hầu hết các quốc gia và kinh tế thế giới bước vào giai đoạn suy thoái, con người sống trong điều kiện khắc khổ, trong khi vẫn phải dành nguồn lực đáng kể trong phòng chống dịch bệnh.

Kịch bản thứ 3, là COVID - 19 tiếp tục lây lan với tốc độ khủng khiếp như hiện nay trong một thời gian dài, bất chấp các biện pháp gì mà nhiều nước đang áp dụng; số ca nhiễm, số người chết vẫn duy trì đều đặn ở mức cao. Theo kịch bản này, số người chết có thể tăng lên 1.000.000 người, hàng chục triệu người có khả năng bị nhiễm khiến hệ thống y tế công cộng, hệ thống phòng dịch bị thất thủ. Các hậu quả đối với kinh tế thế giới vô cùng bi đát, phát triển của thế giới có thể bị kéo lùi lại hàng thập kỷ; đi kèm theo đó là nghèo đói, bệnh tật, bạo lực hoành hành.

"Trong khi chúng ta hy vọng điều tốt đẹp nhất thì chúng ta cũng cần phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất" – ông Chung nói.

Chủ tịch Hà Nội cũng đồng ý đề xuất tổ chức xét nghiệm tất cả người dân còn lại ở thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, Thường Tín), đông thời yêu cầu tổ chức xét nghiệm trên diện rộng tại các chợ đầu mối như ngã tư Sở, Long Biên, chợ hoa quả Hoàng Mai, chợ hải sản, chợ gia cầm Hà Vĩ Thường Tín…

“Kết quả xét nghiệm với các người dân thường xuyên đi lại, giao thương với các tỉnh thành này sẽ là một nguồn dữ liệu đánh giá tốc độ lây nhiễm trên địa bàn TP"  - ông nói. Theo đó, Chủ tịch Hà Nội giao Sở Y tế phải tập huấn cho y tá, bác sĩ nâng cao năng lực xét nghiệm để lấy được khoảng 5.000 – 6.000 mẫu tại chỗ mỗi ngày cũng như nâng cao hiểu biết về COVID-19, xác định ứng phó lâu dài với dịch bệnh, nắm chắc các phác đồ điều trị.

COVID-19 ngày 17/4: Vũ Hán bất ngờ sửa số liệu người tử vong, số mới tăng gấp rưỡi
Nguyên nhân sửa đổi số ca nhiễm và tử vong được nhắc đến trong thông báo của thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Theo TRỌNG PHÚ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19