Những người làm nghề buôn đồng nát từ trước đến nay không được nhiều người đánh giá cao vì bẩn thỉu, vất vả, khó khăn. Thế nhưng ít người biết rằng đã có rất nhiều người giàu lên từ buôn đồng nát, bằng chính việc mua lại những thứ người khác bỏ đi.
“Ai nhôm, đồng nát, sắt vụn bán đê” có lẽ là câu rao quen thuộc mà chúng ta vẫn thường nghe tới hàng ngày đến từ các cô, các chị làm nghề thu mua đồng nát, phế liệu.
Chỉ cần gia đình bạn có thứ gì không dùng đến, đồ đạc nào hỏng hóc bỏ đi, thì đều là những thứ có thể mang đi bán lại cho các chị buôn đồng nát, phế liệu.
Những người làm nghề thu mua đồng nát, phế liệu đều phải cặm cụi tìm kiếm những thứ bỏ đi, cũ kỹ nhưng vẫn có thể tái chế, sử dụng được. Họ len lỏi vào từng con hẻm, từng ngóc ngách, bất kể nắng mưa, nặng nhọc.
Đồng nát thì có 5, 7 loại khác nhau, từ giấy báo, bìa carton cũ cho đến vỏ lon, chai nhựa, đôi dép hỏng, đồ vật vứt đi,... Thậm chí xe máy cũ nát, xe đạp rỉ sét bỏ đi cũng có thể được coi như phế liệu, đồng nát.
Nhiều chị em từ bỏ công việc làm nông vất vả, thu nhập thấp để tìm kiếm cơ hội tốt hơn trên thành thị. Tuy vất vả, cực nhọc thế nhưng không bao giờ những người thu mua đồng nát lại về nhà với bàn tay trắng sau một ngày làm việc.
Nhiều người mới vào nghề, hôm nào “đắt hàng” cũng có thể kiếm được từ 100.000 đến 200.000 đồng mỗi ngày. Còn đối với những chủ buôn đồ phế liệu, đồng nát từ những người đi nhặt nhạnh từ khắp nơi thì thậm chí họ có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày.
Mặc dù là một nghề ổn định, thu nhập tốt, thế nhưng những chị em làm nghề thu mua đồng nát, phế liệu vẫn có thể gặp phải nhiều rủi ro. Một trong số đó là bị kim loại cắt vào tay, vào chân, gây nhiễm trùng, sẹo,... Do đó mà việc đeo găng tay là điều bắt buộc đối với mỗi chị em làm công việc này.
Nhiều lúc nghề đồng nát còn bị nhiều người đánh đồng là nghề trộm cắp, thấy người khác hở ra cái gì là bị lấy mất. Điều này vô hình chung khiến cho nhiều chị em cảm thấy tủi thân, buồn bã.
Một số ngôi làng tỷ phú giàu lên trông thấy từ việc kinh doanh phế liệu, thu mua đồng nát có thể kể đến như: Làng Diễn Tháp (Diễn Châu, Nghệ An); làng Quan Độ (Yên Phong, Bắc Ninh); xã Hải Minh (Nam Định),... Người dân những ngôi làng này đều có nhà lầu, xe sang, biệt thự mọc san sát nhau chỉ bằng việc kinh doanh phế liệu, sắt vụn.
Có thể nói rằng, nghề đồng nát là một nghề lạ nhưng lại có thể giúp trang trải cuộc sống và cải thiện thu nhập cho rất nhiều người. Do đó mà nhà nước nên chính thức công nhận đây là một ngành nghề để có cơ chế hỗ trợ đối với những người bị tai nạn lao động hoặc khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.