Lựa chọn nuôi mô hình chim trĩ, chàng trai trẻ thành công ngay trong lần đầu khởi nghiệp; có người ở tuổi xế chiều vẫn bỏ túi trăm triệu hàng năm.
Đây chính là câu chuyện của chàng trai Thế Vĩnh (30 tuổi, ấp Phước Tâm, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Tốt nghiệp đại học với tấm bằng khá trên tay, Vĩnh vẫn chẳng thể chen chân tìm được việc làm ở nơi đất chật người đông. Chàng trai người dân tộc Tày quyết định về quê nhà một thời gian, chờ tìm cơ hội mới, nào ngờ lại bén duyên với cái nghề nuôi chim trĩ.
Chim trĩ có lợi nhuận kinh tế gấp 2, 3 lần so với chăn nuôi gà.
Vĩnh chia sẻ: “Trong những ngày chờ tìm việc, tôi nuôi lấy vài con chim trĩ vì vốn là người thích tìm tòi cái mới. Nhưng càng nuôi mới càng thấy tiềm năng kinh tế ở loài vật này, tôi liền nhen nhóm ý tưởng nuôi số lượng lớn. Nghĩ lại vẫn thấy thời điểm đó mình liều lĩnh, vì trong tay chẳng có một đồng nào”. Vâỵ là vay mượn gia đình, người quen được số vốn vài chục triệu, Vĩnh tự tay xây chuồng để bắt đầu công cuộc “khởi nghiệp".
Vĩnh cho biết thêm, loài chim trĩ có hình dáng và màu sắc rất đẹp, không chỉ nuôi lấy thịt, trứng mà còn có thể làm cảnh. Trứng và thịt chim trĩ có hàm lượng dinh dưỡng cao nên được thị trường ưa chuộng. Ban đầu, anh mua 4 con giống giá 2 triệu đồng về thử nghiệm. “Chim trĩ là vật nuôi mới, chưa có nhiều người nuôi ở địa phương. Ban đầu, tôi gặp nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc vì chẳng có chút kinh nghiệm nào”, Vĩnh nhớ lại.
Anh đến tham khảo nhiều mô hình nuôi chim trĩ thành công ở các nơi khác và tham gia các nhóm, hội nuôi chim trên internet để tìm hiểu phương pháp làm chuồng trại đạt chuẩn cũng như quy trình chăm sóc chim trĩ. Sau một thời gian, may mắn là loài chim này có khả năng thích ứng khá tốt với điều kiện khí hậu tại địa phương.
Trứng và thịt chim trĩ cho hàm lượng dinh dưỡng cao nên được thị trường ưa chuộng.
Chuồng trại nuôi chim trĩ không đòi hỏi quá cầu kỳ. Tuy nhiên phải làm chuồng chắc chắn, phía trên nóc phải vây kín vì chim có thể bay ra ngoài. Chuồng rộng, thiết kế nhiều cành cây cho chim đậu, bay nhảy thì chim sẽ nhanh lớn và sinh sản tốt...
Bên cạnh bán thịt thương phẩm, anh Vĩnh còn bán cả chim trĩ làm giống cho nhiều người có đam mê nuôi làm cảnh hoặc nuôi quy mô lớn như anh. Khi chim được khoảng 3 tháng, anh bắt đầu tách mái nuôi riêng để lấy trứng. Chuồng nuôi chim đẻ trứng để với tỷ lệ 4 con mái, 1 con trống. Chim trĩ đẻ trứng theo mùa, kéo dài khoảng 6 tháng từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Nhưng chim đẻ đạt nhất từ tháng 1 đến tháng 4. Khi đó, tỷ lệ ấp nở đạt từ 80% trở lên.
4 năm sau ngày khởi nghiệp, trang trại của anh Vĩnh hiện nuôi hơn 2000 con chim trĩ.
Sau khoảng 4 - 4,5 tháng, chim trĩ có thể đạt trọng lượng từ 1-1,2 kg đối với con mái và từ 1,4-1,5kg đối với con trống. Giá chim thịt thương phẩm hiện nay có giá dao động khoảng 200.000 đồng/kg. Sau khi đạt đủ điều kiện xuất chuồng, sẽ có thương lai từ các nơi đến tận cơ sở của Vĩnh để thu mua. Tổng kết năm ngoái, sau khi trừ đi chi phí, anh Vĩnh thu về khoảng 300 triệu đồng.
Cũng như Vĩnh, ông Minh Tiến (50 tuổi, thôn Nhơn Hà, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) là một trong những người đầu tiên đem mô hình nuôi chim trĩ thương phẩm về tỉnh. Bỏ phố về làng sau hơn 25 năm ở Sài Gòn, ông Tiến bắt tay với nghề nuôi chim trĩ để làm thú vui tuổi già, nhưng không ngờ lại thành công hơn mong đợi. Bởi đây là mô hình còn mới lạ ở Gia Lai.
Mô hình nuôi chim trĩ dần đang được biết đến nhiều hơn ở Gia Lai.
“Sau mấy mươi năm ở đất khách quê người, giờ già rồi tôi muốn về quê, kiếm gì đó làm cho đỡ cuồng chân tay, vừa kiếm thêm chút thu nhập. Mô hình nuôi chim trĩ vốn dĩ ban đầu chỉ phục vụ cho bà con trong xã, nào ngờ cứ lan rộng ra rồi nhiều ngày càng người biết đến hơn", ông Tiến nói.
Bắt tay vào làm, ông Tiến cũng gặp nhiều khó khăn nhưng cứ ngày ngày mày mò tìm hiểu, ông dần dần cải tiến được phương pháp nuôi hơn. Ông cho biết, chim trĩ có thể ăn cám, gạo, bắp, rau, củ và rất thích các loại trái cây. Loại chim này cũng dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, thức ăn thì chỉ bằng một nửa so với nuôi gà thả vườn. Chim có sức đề kháng mạnh nên rất ít khi mắc bệnh, nếu có cũng chủ yếu là bệnh phổi, bệnh Ecoli và cũng dễ điều trị.
“Tuy vậy, người nuôi cũng không vì thế mà có thể chủ quan, vì không để ý kỹ thì rất dễ nuôi mầm bệnh ảnh hưởng đến cả đàn. Muốn chim trĩ đẹp mã thì nên bổ sung thêm tinh dầu vào thức ăn, muốn thịt chắc thì nên cho ăn nhiều rau và hạn chế ăn cám. Sau hai vụ nuôi, tôi để chuồng trống cách vụ, xử lý môi trường để tránh dịch bệnh”, ông Tiến chia sẻ. Cơ sở nuôi chim trĩ của ông Tiến tuy không quá lớn vì tuổi cũng đã cao nhưng mỗi tháng đều đặn ông vẫn thu về khoảng 10 triệu đồng.
Chim trĩ là loài dễ nuôi, nhưng để năng suất cao vẫn cần chăm sóc kỹ.
Chị Nguyễn Thị Châu ở thôn 4, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu cũng là người thử nghiệm mô hình nuôi chim trĩ. Sau nhiều lần thất bại, chị vẫn mạnh dạn đầu tư để theo đuổi đam mê nuôi loài chim này.
“Được biết thịt chim trĩ rất ngon, dai, ngọt và thơm, đặc biệt có hàm lượng protein cao, được ví như "siêu thịt gà". Trong y học cổ truyền thịt của loài chim này được sử dụng như một vị thuốc, với nhiều công hiệu khác nhau. Cũng chính vì vậy, sản phẩm từ loại vật nuôi này hiện nay rất được thị trường ưa chuộng”, chị Châu nói.
Sau nhiều năm, chị Châu đã thành công trong mô hình này với hơn 500 con chim trĩ hiện đang nuôi. Mỗi năm, chị Châu thu về hơn 200 triệu đồng nhờ bàn tay chăm sóc của mình.