Dù không phải là một loài động vật có thị trường tiêu thụ lớn nhưng rắn ri voi vẫn có thị trường ngách ổn định. Với những dân nhậu thứ thiệt, các món ăn từ rắn ri voi luôn là “mồi nhắm” khoái khẩu.
Rắn ri voi (ri tượng) có tên khoa học là Enhydris Bocourti, thuộc loài rắn nước, nhưng chúng to hơn các loài rắn nước khác, có con nặng tới 7-8 kg. Đặc biệt, thịt rắn thơm và tỷ lệ thịt trên một đơn vị trọng lượng cơ thể của rắn ri voi cao hơn nhiều so với các loài rắn nước khác. Với những dân nhậu thứ thiệt, các món ăn từ rắn ri luôn là “mồi nhắm” khoái khẩu.
Nhìn bề ngoài đáng sợ nhưng với những dân nhậu thứ thiệt, các món ăn từ rắn ri voi luôn là “mồi nhắm” khoái khẩu.
Ở khu vực ĐBSCL trước đây, rắn ri voi rất nhiều do khí hậu ấm áp, thích hợp với điều kiện sinh sống và phát triển của các loài rắn nước, trong đó có loài rắn ri voi. Sau này do sông ngòi ngập mặn, môi trường sinh sống của loài rắn này bị thu hẹp nên khá khó để tìm thấy rắn ri ở môi trường tự nhiên. Từ đó, ý tưởng nuôi rắn ri thương phẩm được nhen nhóm trong anh nông dân đất Hậu Giang Nguyễn Văn Kiên (32 tuổi).
“Hiện tại mình có 50 con rắn ri voi (loại rắn sinh sản), cung ứng cho thị trường trên 500 con rắn giống", anh Kiên chia sẻ. Mô hình nuôi rắn ri của chàng thanh niên trẻ này cũng rất đơn giản: Dùng can nhựa cắt hở 1/2, bỏ bùn và đất thêm nước ngọt vào can nhựa rồi thả rắn ri vào. Diện tích 1/2 bể được thả lục bình, lá chuối khô… diện tích còn lại để trống là bãi để mồi cho rắn ăn.
Ban đầu anh Kiên gặp khó khăn do chưa nắm rõ tập tính loài rắn ri voi
Thời điểm ban đầu, anh Kiên gặp không ít khó khăn do chưa nắm rõ tập tính của rắn ri voi, khiến nuôi hoài bầy rắn không tăng trưởng. Dần dà, tự học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm trên Internet, anh đã nắm vững kỹ thuật nuôi và nhân giống loài bò sát này.
Rắn ri voi thích ăn nhất là động vật tươi sống như nòng nọc, ếch nhái, lươn con, trùng, các loại cá không vảy hoặc vảy nhỏ. Cứ bình quân 3-4 kg thức ăn thì rắn sẽ tăng trọng 1 kg. Lượng thức ăn hằng ngày khoảng 3-5% trọng lượng rắn trong ao. Tùy theo khả năng tăng trọng của rắn mà tăng hoặc giảm khẩu phần thức ăn, không nên để thức ăn dư thừa, làm thối nước.
Theo anh Kiên, số rắn trên đều được anh nuôi trong can nhựa và mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, mỗi con anh nuôi trong 1 can nhựa riêng, với cách làm này, rắn ít vận động nên nhanh lớn, sinh sản tốt, tránh được tình trạng rắn nuốt nhau (ăn đối phương) và không phải tốn chi phí đầu tư nhiều. Khi rắn đạt trọng lượng hơn 1kg là có thể xuất bán thương phẩm, giá 600.000 - 700.000 đồng/kg. Nhẩm tính, mỗi năm người nông dân đất Hậu Giang này thu về lợi nhuận vài trăm triệu đồng.
Cũng khởi nghiệp với giống rắn ri voi như anh Kiên, ông Trần Văn Tuấn - huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) cho biết: "Các thương lái, nhà hàng đến tận nhà mua rất nhiều nên đa số những hộ nuôi rắn ri voi ở đây không đủ số lượng rắn để bán". Lúc đầu nuôi trong can nhựa thấy rắn sinh sản ít, lại không nuôi đủ số lượng xuất bán nên ông Tuấn đã mạnh dạn đầu tư hệ thống bể nuôi rắn ri. Đáy bể và thành bể được trát láng xi măng. Trong bể cho vào 0,1-0,2 m là đất thịt, đất bùn, nước cao từ 0,3-0,4 m.
Nhiều nông dân làm giàu từ rắn ri.
Theo ông Tuấn, rắn ri không chỉ cho lợi nhuận cao, đầu ra ổn định mà còn rất ít tốn công chăm sóc. Một tuần mới cho ăn một lần, nếu rắn đang mang trứng thì khoảng 10 ngày mới cho ăn. Rắn khoẻ mạnh, sức đề kháng tốt nên ít bị bệnh, chỉ cần dọn bể thay nước mới thường xuyên. Ông Tuấn cho biết không cần phải sử dụng bất kỳ biện pháp y học, sinh học nào để chăm sóc sức khỏe của đàn rắn.
Cũng ở huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang có ông Phạm Minh Ngôn - tận dụng sân thượng còn trống trong căn nhà 3 tầng của gia đình để lắp bể kính nuôi rắn. Với diện tích tầng thượng chỉ có 60m2, ông đặt gần 100 hồ kiếng chồng lên nhau. Mỗi bể kính dài 1,2 m, chiều cao và ngang 0,5 m. Ở đáy bể có gắn van xả nước thải nên dễ dàng xử lý thay nước.
Chi phí đầu tư mỗi bể gần 1 triệu đồng để nhốt 1 cặp rắn ri voi sinh sản. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp nuôi rắn bằng bể kính là rất dễ quan sát. Khi rắn có dấu hiệu trở bệnh hay lột xác, đến mùa động dục… thì đều kịp thời tách đàn hoặc xử lý.
Nuôi rắn ri trong bể kính dễ quan sát, chăm sóc
Theo ông Ngôn, lúc trước ông làm nghề sửa chữa điện cơ điện lạnh, tuy nhiên thu nhập bấp bênh do đời sống bà con nâng cao, ít người sửa chữa đồ đạc cũ. Năm 2016, được hàng xóm tặng cặp rắn ri voi tự nhiên, ông mua hồ kính thả nuôi trên sân thượng như thú cưng. Thấy rắn phát triển tốt, cho sinh sản, ông nảy sinh ý tưởng nuôi phát triển kinh tế.
Theo kinh nghiệm của ông Ngôn, quan trọng nhất là khâu chọn giống. Nếu chọn loại con giống nhỏ, mới đẻ cỡ 50 con/kg, thường có vào khoảng tháng 3 âm lịch. Nếu chọn rắn ri cha mẹ thì 0,4 – 0,6 kg/con trở lên. Mật độ nuôi từ 5 – 10 con/m2. Nuôi dưỡng chúng từ mùa khô, đầu mùa mưa rắn mang bầu, vào tháng 4 – 5 dương lịch rắn mẹ đẻ ra rắn con khoảng 50 con. Nhân đàn thành công, từ đàn rắn vài chục con rắn ri voi giống ban đầu nay đã tăng lên số lượng duy trì ổn định trên 2.000 con.
Để rắn tăng trọng nhanh, phát triển tốt, ông Ngôn cho rắn ri ăn các loại cá tạp và cá mòi mua tại các trại bán cá giống. Cá sau khi mua về phải nuôi vỗ béo bằng thức ăn công nghiệp, sau đó mới cho vào bể làm thức ăn cho rắn. “Để tránh cho rắn bị đói, tranh giành mồi cắn nhau làm trầy xước da dẫn đến bệnh, tôi luôn kiểm tra. Thấy cá trong bể ít sẽ tiếp tục mua cá đổ vào đầy đủ và liên tục", ông nói.