Lợn đen vốn là đặc sản của đồng bào dân tộc ở nhiều tỉnh phía Bắc nước ta, dễ nuôi bằng thức ăn tự nhiên có trong vườn nhà nhưng mang lại giá trị kinh tế cao.
Lợn đen là giống lợn được người dân vùng cao nuôi từ xa xưa, là đặc sản của bà con dân tộc phía Bắc nước ta. Giống lợn này nhỏ con, da mỏng màu đen, lông thưa, mõm dài, xương nhỏ, bụng xệ... rất dễ nuôi, thích ứng với môi trường tự nhiên, ít tốn chi phí thức ăn và đỡ tốn công chăm sóc hơn so với lợn trắng.
Lợn đen là giống lợn của người dân tộc ở miền núi phía Bắc.
Nuôi lợn đen chỉ cần thả tự nhiên, không tốn công chăm sóc.
Đặc biệt, thịt của lợn đen thơm, ngọt tự nhiên và có mùi đặc trưng nên rất được ưa chuộng. Ghé đến các nhà hàng đặc sản dân tộc, các món ăn từ thịt lợn đen (nướng riềng mẻ, xào sả ớt…) rất được lòng thực khách và luôn là những món ăn bán chạy nhất.
Chính vì vậy, không quá lời khi nói nhu cầu tiêu thụ thịt lợn đen ngày càng cao, trong khi giống lợn này vẫn chưa được nuôi phổ biến đáp ứng nguồn cung. Nhận thấy tiềm năng phát triển của lợn đen, anh Nguyễn Quốc Duy ở xã Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đã đầu tư để xây chuồng trại và học hỏi kỹ thuật nuôi đàn lợn đen trong vườn nhà rộng gần một sào.
Trước đây, gia đình anh Duy chủ yếu mưu sinh bám vào nghề đi rừng (bắt tắc kè, hái chuối rừng, lấy mật ong...) nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều bấp bênh. Năm 2012, thông qua một đoạn phóng sự trên tivi giới thiệu về giống lợn đen ở phía Bắc, anh Duy quyết định nghiên cứu nuôi thử nghiệm. Mới nuôi nhưng thấy đàn lợn phát triển nhanh, anh dự tính để lại thêm nhiều con nái phát triển đàn.
Mô hình chuồng trại nuôi lợn đen.
Xuất bán lứa đầu tiên, anh Duy nhẩm tính với giá thịt 120.000-150.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, mỗi con trưởng thành sẽ cho lãi khoảng 4-4,5 triệu đồng. "Nuôi chơi thôi, nhưng đàn lợn đen mang về vài chục triệu mỗi năm", anh chia sẻ. Thấy tiềm năng phát triển của giống lợn đen này, anh quyết định “lấy lãi tái đầu tư” mua giống mới, đồng thời kết hợp cặp lợn đen phối giống để sinh sản.
Theo anh Duy, nuôi lợn đen rất nhàn, cứ thả chúng đi ăn tự do. Lợn đen ủi đất ăn giun dế, côn trùng, cây cỏ mọc tự nhiên. Thỉnh thoảng anh xin những phụ phẩm thừa như ngô, bí đỏ, vỏ dưa, xơ mít... về băm ra cho đàn lợn ăn dặm. Khi rảnh rỗi, anh đi chặt thêm chuối rừng, vớt bèo ao thả vào bổ sung thức ăn cho chúng. Ngoài ra, anh Duy còn tận dụng cơm thừa, hèm nấu rượu cho đàn lợn.
Anh Duy bên đàn lợn đen trong vườn nhà
Cách nuôi lợn, vỗ béo đàn lợn bằng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên không những giúp anh Duy giảm chi phí một cách tối thiểu trong khâu chăm sóc mà còn làm tăng chất lượng thịt cho đàn lợn.
Lợn nặng khoảng 35-40kg sẽ được xuất chuồng lợn đen thành phẩm và luôn đắt hàng. Do thịt lợn đen nuôi tự nhiên, không ăn cám lại có mùi vị thơm ngon nên được xem như đặc sản, cứ xuất chuồng đến đâu là thương lái đến tận nơi mua hàng. Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến hay có lễ hội là thịt lợn đen bán rất chạy bởi theo phong tục địa phương, ăn thịt lợn đen miền núi trong ngày Tết sẽ mang lại may mắn.
"Chưa đến Tết mà đã có người ở Phan Thiết và Ma Lâm gọi điện lên dặn trước. Đặc sản nên không bao giờ sợ ế hàng. Dù giá cao nhưng năm nào các mối hàng cũng gọi đặt trước vì sợ hết", anh Duy cho hay. Đặc biệt, thịt lợn đen rất giữ giá, không biến động như thịt lợn thông thường mà tăng đều qua các năm nên người nông dân nuôi lợn đen không bao giờ lo lỗ do biến động thị trường.
Không riêng gì anh Duy, nhiều nông dân phía Nam cũng khởi nghiệp từ mô hình chăn nuôi lợn đen và gặt hái nhiều thành công không kém cạnh. Bà Huỳnh Thị Ít (Long Thành, Đồng Nai) là một ví dụ điển hình. Năm 1990, bà Ít di cư vào Đồng Nai cùng chồng để kiếm kế sinh nhai, bà phải đi phụ hồ, làm thuê, làm mướn khắp nơi chắt bóp từng đồng một.
Năm 2005, bà Ít tích cóp được một khoản tiền, mua 4 con lợn con của bà con trong bản về nuôi vỗ béo. Thế nhưng năm đó có dịch long móng lở mồm, 4 con lợn nhà bà “lăn đùng ra chết”. Không nản chí, bà tìm hiểu giống lợn đen của người dân tộc, vốn sống trong tự nhiên nên sức đề kháng rất tốt. Vay mượn họ hàng, bà Ít mua một cặp lợn đen về nuôi thử.
Bà Ít và nhiều nông dân thành công với mô hình này.
Nhờ được chăm sóc tốt, 2 con lợn hay ăn chóng lớn, chẳng mấy chốc đã xuất bán và thu được lời. Sau hơn 15 năm gắn bó với nghề nuôi lợn đen, bà Huỳnh Thị Ít không những trả hết nợ gốc, lãi cho ngân hàng mà còn có tiết kiệm được 1 khoản để tái đầu tư, phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa.
Theo kinh nghiệm của bà Ít, để đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt, phải tiêm phòng đầy đủ, mỗi ngày phải rửa chuồng trại một lần. “Muốn đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt, khi lợn con sinh được 5-10 ngày tuổi phải tiêm sắt. Tiêm sắt giúp lợn con tăng sức đề kháng, không bị còi cọc, chậm lớn. Khi lợn con được 1,5 tháng đến 2 tháng tuổi phải tách khỏi lợn mẹ. Định kỳ từ 2-3 tháng tiêm thuốc phòng dịch cho lợn một lần”, bà Ít tiết lộ.
Cứ 3 tháng 1 lần nhà bà Ít cho xuất chuồng từ 8-10 con lợn đen thương phẩm. Ngoài bán lợn thịt, bà còn bán cả lợn giống. Trung bình mỗi năm trừ đi các chi phí thức ăn, thuốc thang, gia đình bà Ít thu về khoản lợi nhuận lên đến 300 triệu đồng.
Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, nhờ đàn lợn đen mà giờ bà Ít đã có của ăn của để, con cái được đi học đàng hoàng, gia đình nhà bà còn xây được căn nhà khang trang, sắm xe ô tô để đi lại. Chia sẻ về dự định trong tương lai, bà Ít cho biết đầu năm 2022, gia đình bà dự định mở rộng trang trại trồng thêm cây ăn trái và đào ao nuôi cá. Đồng thời con trai lớn của bà Ít vừa tốt nghiệp Đại học Nông Lâm cũng sẽ về tiếp quản công việc của ba mẹ tại trang trại, nối nghiệp gia đình làm giàu từ giống lợn đen này.