Tại xứ Mường, tỉnh Hòa Bình, có một loại cây đã giúp người nông dân đổi đời nhờ đem lại hiệu suất kinh tế cao, đó chính là cây hạt dổi vẫn được người ta truyền tai nhau rằng mỗi cây dổi đổi một cây vàng.
Ông Minh Thành (48 tuổi, xóm La Văn Cầu, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) sở hữu vườn cây dổi 2 ha, là người đầu tiên trong xã dám chặt bỏ cả vườn cây ăn trái chỉ để chuyên canh trồng dổi. “Mới đầu bắt vào làm, ai cũng cho tôi là dại vì chặt bỏ cả vườn cây ăn trái đang sinh lời. Những lúc đó cũng nản vì chẳng mấy ai ủng hộ, nhưng nhận ra tiềm năng phát triển của cây dổi trong tương lai, tôi vẫn quyết tâm làm cho đến cùng, dẫu thất bại cũng cam lòng", ông Thành nói. Vài năm sau, đúng như ông Thành dự đoán, cây dổi có giá trị riêng của nó, không phải ai cũng nhìn ra.
Cây dổi vốn là một loài gỗ quý, thớ mịn, không cong vênh và có mùi thơm, chỉ có người giàu mới dám dùng đồ mộc gỗ dổi như cửa, tủ, bàn ghế và làm phản. Hạt dổi nướng than giã nhỏ trộn muối, làm món chấm thịt gà, thịt lợn hoặc nấu canh cá măng chua, món ăn độc đáo của người dân vùng Tây Bắc. Và do nhu cầu của thị trường ẩm thực trong nước, hạt dổi thơm dùng làm gia vị mấy năm nay rất có giá. Vì vậy, sau nhiều năm, giờ đây mỗi cây dổi trị giá hơn cả cây vàng.
Vườn dổi bạt ngàn của các hộ dân tại Hoà Bình.
Suốt 20 năm kiên trì trồng cây, chịu bao áp lực và có cả những lời ra, lời vào của nhiều người cho rằng mình không thức thời, giờ đây, cây dổi đã trả công cho người trồng chính là ông Thành. Ngày ngày ông cùng gia đình chăm sóc vườn dổi. Mùa thu hoạch dổi bắt đầu từ tháng 10 kéo dài tới hết năm. Vườn dổi là của để dành của ông. Cây dổi mang lại hiệu quả kép vừa cho thu hạt vừa cho thu gỗ.
Đến với hợp tác xã trồng dổi tại huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình, không khó để người ta bắt gặp những vườn dổi rộng và cao như “cột chống trời". Vốn là thủ phủ của trồng cam nhưng giờ đây cây hạt dổi đã đem đến nguồn thu nhập khủng cho vùng đất này. Ông Toàn (53 tuổi) là trưởng hợp tác xã chia sẻ: “Vụ mùa hạt dổi năm qua hợp tác xã thu về hơn 6 tỷ đồng. Điều này đã giúp người dân trong hợp tác xã cải thiện cuộc sống đáng kể. Từ loại hạt cho không, giờ hạt dổi đã trở thành loại "vàng đen" đối với chúng tôi".
Bao đời nay, người dân vẫn chỉ trồng ngô, trồng lúa làm cây lương thực và thu nhập chính, thế nên cuộc sống khó khăn, đói nghèo đeo bám. Khoảng những năm đầu 2000, thương lái bắt đầu đến các vùng Tây Bắc tìm mua hạt dổi làm thương phẩm với giá thành cao, người dân mới bắt đầu chuyên tâm trồng loại cây này hơn. Trong huyện giờ đi đâu cũng thấy cây dổi. Có 80 hộ dân thì cả 80 hộ trồng dổi. Thương lái vào tận nơi mua hạt, ít cũng mua mà nhiều cũng mua. Thậm chí chỉ vài kg họ cũng vào mua hết. Giá lại cao nên cũng giúp người dân xóa đói giảm nghèo đi nhiều.
Loại hạt được ví như “vàng đen" của xứ Mường.
Trên thị trường hiện nay, giá hạt dổi có giá dao động từ 3 - 3,5 triệu đồng/kg. Hạt dổi, cùng với hạt mắc khén là 1 trong 2 loại gia vị đặc trưng bậc nhất của ẩm thực Tây Bắc. Loại hạt này có mùi hương đặc trưng và rất thơm, có thể sử dụng để làm gia vị chấm, và gia vị ướp các món ăn cổ truyền như thịt bò, trâu, lợn khô. Để thu được thành phẩm hạt dổi thơm ngon làm gia vị, loại hạt này phải được nướng trên than hồng thì mới dậy mùi thơm, rồi xay nhỏ ra là có thể sử dụng được.
Cây dổi trong quá trình ươm.
Cây dổi đã giúp nhiều hộ nông dân đổi đời.
Cây dổi có tên khoa học là Michelia tonkinensis, thuộc chi Ngọc Lan. Đây là loại cây gỗ lớn, thân cao đến 30m, đường kính thân có thể đạt tới 1m. Cây phân bổ tự nhiên chủ yếu ở vùng núi các tỉnh phía Bắc và tập trung nhiều ở tỉnh Hòa Bình. Bên cạnh hạt dổi, thân cây dổi cũng cho gỗ với giá cao. Gỗ dổi có mùi thơm đặc biệt, thớ gỗ mịn, vàng, vân gỗ đẹp, sắc nét, gỗ nhẹ và bền, không bị mối mọt, không bị cong vênh nên có giá trị kinh tế cao. Vì vậy mà có thể dùng gỗ dổi để làm nhà (nhà gỗ), làm sàn gỗ, đóng đồ nội thất hay làm những sản phẩm mỹ nghệ.