Loại quả này có nhu cầu tiêu thụ cao, mang đến nhiều cơ hội kiếm tiền cho người nông dân.
Quả sim thường được gọi là hồng sim, dương lê, đào kim nương, nẫm tử, sơn nẫm… là loại quả vô cùng quen thuộc với tuổi thơ của thế hệ 8X - 9X, đặc biệt là các bạn nhỏ lớn lên ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trước đây, quả sim mọc dại nhiều ở vùng triền đồi núi như ở Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh nhưng theo thời gian rừng bị khai hoang để làm nông, loại quả này cũng dần ít đi do môi trường sống bị thu hẹp.
Giống cây sim con được trồng từ hạt
Ở xã Thanh Lâm (Thanh Chương, Nghệ An) có khoảng 60ha sim rừng được bà con tại đây nhân giống và trồng trên các triền đồi. Không còn là loại quả dại, quả sim giờ đây là một thức quà vặt “xa xỉ”. Thi thoảng tại các cửa hàng, xe đẩy hay gánh hàng rong vẫn có bán quả sim với giá rất đắt đỏ. Ngoài ra, sim còn được dung để ngâm rượu, làm siro, làm trà sim… hoặc làm thuốc dân gian trị bệnh nên rất đắt khách. Nắm bắt được xu thế của thị trường, anh nông dân Bùi Văn Khánh (35 tuổi) đã thuê người chặt phá rừng keo để chuyển sang trồng cây sim dại.
“Thời gian đầu, bà con trong vùng nhìn gia đình chúng tôi trồng cây sim trong “ái ngại”. Trước đó dù cây sim mọc hoang dại ở các đồi, quả sai lúc lỉu hái ăn không hết, bán không ai mua nhưng lại không có giá trị kinh tế. Thế nên đa phần sim đã bị chặt bỏ để trồng keo trồng thông và cây dành dành phát triển nông nghiệp. Thế nhưng vợ chồng tôi quyết tìm lối đi cho loại quả rừng này vì tôi biết nhu cầu của quả sim rất lớn. Chưa kể là xuất cho nhà máy sản xuất rượu, đến cả người dân các tỉnh thành phố đều rất thích thưởng thức loại quả này”, anh Khánh chia sẻ.
Để trồng được 2 vạn gốc sim trên diện tích chừng 2 ha, vợ chồng anh Khánh đã phải đầu tư hơn 200 triệu đồng. “Cây sim vốn sống trên đất cằn, sỏi đá và chịu hạn rất tốt, nhưng khi mình bứng về trồng ở vùng đất mới, phải thường xuyên tưới nước để cây có sức và dần quen với đất lạ. Hai vợ chồng tôi phải nai lưng ra gánh nước lên đồi tưới hằng ngày. Chưa kể công đi bứng từ trên triền đồi về”, anh Khánh nhớ lại.
Thế nhưng cây sim khi bén đất rồi thì rất dễ chăm sóc, chỉ bón phân nhẹ, tưới nước là đã cho ra trái to, đều và mật sim nhiều hơn. Ở dải đất miền Trung này, trong khi trồng các loại cây trồng khác như keo, cao su, dành dành… người dân luôn phải lo lắng vì sợ bão quật gãy thì cây sim không bao giờ cần lo. Theo anh, mỗi bụi sim, nếu chăm sóc tốt sẽ cho 1 - 3 kg quả. Với diện tích ban đầu hơn 2ha, khoảng 20 nghìn cây sim, mỗi vụ anh thu hoạch được từ 20 đến 60 tấn sim. Với giá bán trung bình từ 30.000 – 35.000 đồng/kg, mỗi mùa sim gia đình anh Khánh thu về hơn 600 triệu đồng, trừ đi hết các chi phí còn lãi đến hơn 400.000.000 đồng/năm.
Sim ra hoa vào tháng ba và quả chín cho thu hoạch vào khoảng tháng 6 âm lịch. Thời gian thu hoạch kéo dài đến tháng 9. Cứ vào mùa sim chín rộ, từ sáng sớm tinh mơ, nhân công nhà anh Khánh lại tập trung thành từng nhóm lên các đồi, núi hái sim để kiếm thêm thu nhập.
“Mùa sim chín cũng là thời điểm nông nhàn, con cái nghỉ hè nên sáng sớm 2 vợ chồng cùng 2 con đi hái sim. Trong khoảng 3 tiếng đồng hồ, từ 5h sáng – 8h sáng, 4 người cũng hái được 20kg sim. Mỗi 1kg sim hái thuê sẽ được trả 5.000 – 7.000 đồng. Đây là nguồn thu không nhỏ đối với những gia đình thuần nông như chúng tôi”, chị Nguyễn Thị Lành - một nông dân tại xã Thanh Lâm cho biết.
Đồ nghề chị Lành mang theo để hái sim rất đơn giản: Găng tay, túi bóng, làn nhựa, rổ nhựa đi hái sim. Cứ men theo triền đồi, vợ chồng chị Lành hái trên cao, 2 con hái ở những cây lưng chừng thấp. “3 tháng thu hoạch sim cũng có hàng chục triệu đồng, đủ để trang trải các khoản chi lớn trong năm”, vừa thoăn thoắt hái sim chị Lành vừa bộ bạch. Nghề hái sim dại này mới chỉ xuất hiện tại xã Thanh Lâm vài năm trở lại đây, khi mà nhiều nông dân như anh Khánh thành công với mô hình trồng cây sim dại.
Theo chị Lành, không chỉ tạo thêm công ăn việc làm cho người lớn mà mùa sim chín cũng trùng khớp với thời điểm nghỉ hè. Trẻ con trong vùng có thể phụ giúp ba mẹ hái sim để có thêm thu nhập, các em còn có một mùa hè ý nghĩa, bổ ích, tránh xa được các hoạt động không lành mạnh, sa vào các tệ nạn và yêu lao động hơn.
Em Nguyễn Thị Lan (14 tuổi, xã Thanh Lâm) cho biết, tranh thủ thời gian nghỉ hè, Lan cùng mẹ thường lên ngọn núi cạnh nhà hái sim rừng về bán. Trung bình mỗi ngày Lan hái được từ 10 – 15kg sim, mỗi ngày cũng được từ 300.000 – 350.000 đồng. “Thời gian rảnh rỗi còn lại em tranh thủ học bài để không quên kiến thức”, Lan cho biết. Nhờ có nghề hái sim dại, năm học mới cô bé 14 tuổi có thể tự mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập và sắm đồng phục mới mà không cần xin tiền cha mẹ.
Người dân xã Thanh Lâm đi hái sim bên triền đồi.
Dụng cụ hái sim khá đơn giản.
“Kinh nghiệm trồng sim lâu năm của tôi là phải nắm chắc được địa hình, địa thế, chỗ nào cây sim phát triển tốt, trĩu cành, quả to, đẹp mới đậu trái được nhiều, trái to chất lượng bán được giá cao. Cây sim quả to, mọng nước thường mọc ở những vùng đất ẩm ướt, tơi xốp. Cây sim choằn, lá vàng, quả nhỏ, chín không đều có vị chát thường mọc ở những vùng đất khô cằn nên bán giá thấp. Theo kinh nghiệm của tôi, sau một đợt nắng nóng, sim rừng chín rất nhiều, ngọt và mọng nước” - chị Hoàng Mỹ Linh, một chủ trang trại 2ha trồng sim khác trên địa bàn xã Thanh Lâm chia sẻ bật mí.
Năm nay thời tiết tốt, sim lớn hơn mọi năm.
Sau khi thu hái về, quả sim được thương lái thu mua tận nơi với giá cao. Tại xã Thanh Lâm có 3-5 đại lý chuyên thu mua sim tươi. Tại đây, các đại lý sẽ chọn lọc, phân loại rồi xuất ra thị trường phía Bắc, phía Nam. Theo lời của anh Nguyễn Hải Thọ, một thương lái chuyên thu mua sim trái, cứ vào mùa là gia đình anh lại bận rộn thu gom sim trái, người dân đến nhập chừng nào là thu mua hết chừng đó vẫn không đủ xuất đi. Trung bình mỗi mùa đại lý nhà anh thu mua và xuất đi hàng vài chục tấn sim trái, giá thu mua dao động từ 30.000-35.000 đồng/kg. Có thể xuất trực tiếp đến các công ty sản xuất rượu, siro sim… cũng có thể xuất bán cho các đầu mối ở Hà Nội hay các thành phố lớn khác.