Nghề nuôi chim yến lấy tổ đem lại thu nhập khủng cho người nông dân trẻ tuổi lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
Tại vùng đất thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai có Hội những người trồng yến sào, gọi là Hội Yến sào Chư Sê. Chủ tịch Hội Yến sào Chư Sê là ông Phạm Tiến Dũng (51 tuổi), đã có kinh nghiệm hơn 6 năm trong nghề. Theo ông nông dân này, 6 năm trước huyện Chư Sê được xem là thủ phủ hồ tiêu của Gia Lai, cũng như vùng Tây Nguyên khiến cuộc sống của người dân nơi đây thay đổi ngoạn mục.
Ông Dũng bên nhà yến ở thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai
Đến năm 2018, cây tiêu ở Chư Sê, Chư Pưh bỗng nhiên bị chết sạch và rớt giá thảm hại. Từ cảnh đổi đời nhờ cây tiêu, nhiều nông dân đã rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất, buộc phải tìm hướng đi mới, làm nhiều ngành nghề, thử nghiệm nhiều mô hình kinh tế khác nhau. Thời điểm đó, ông Dũng cũng là người đầu tiên liều lĩnh thử nghiệm với nghề nuôi chim yến ở huyện sau khi thua lỗ gần 15 tỷ đồng với việc trồng hồ tiêu.
“Chim yến ở vùng Chư Sê này rất nhiều, mỗi chiều thường tập trung ở khu vực dân cư. Tôi đã ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi về mô hình nuôi chim yến trên sách, báo… và quyết định thử nghiệm vì nhận thấy Chư Sê rất thích hợp phát triển nghề này vì khí hậu ít lạnh, nguồn thức ăn dồi dào”, ông Dũng chia sẻ.
Mô hình nhà yến. Nhà nuôi yến có đặc điểm không được quá sáng hoặc quá tối, nhiệt độ trong nhà phải duy trì từ 27-29 độ C, độ ẩm 80-90%...
Ông đã học hỏi trên mạng Internet về cách xây nhà, dẫn dụ chim yến vào làm tổ, lắp đặt camera quan sát, đồng hồ hẹn giờ, cảm biến để điều chỉnh nhiệt độ. Năm 2014, ông xây dựng mô hình nuôi yến trên diện tích 90m2 nhà có sẵn và số tiền tích góp hơn 120 triệu đồng mua sắm vật tư, trang thiết bị. Sau 4 tháng, nhà ông Dũng đã có đàn chim yến đầu tiên vào làm tổ. Những chú chim yến cần mẫn nhả từng sợi "vàng trắng" làm tổ, ông Dũng rất phấn khởi vì công sức bỏ ra được đền đáp xứng đáng.
Sau 3 năm, ông Dũng đã thu được lượng yến thô đầu tiên và bán với giá từ 18-19 triệu đồng/kg tại thời điểm đó. Nhẩm tính mỗi mét vuông nhà yến đầu tư hết khoảng 3,5 - 3,8 triệu đồng. “Mỗi tháng, nhà tôi thu về khoảng 30kg yến thô. Với giá thị trường 18-19 triệu đồng/kg yến thô và 34 triệu đồng/kg yến tinh chế, gia đình tôi thu lãi từ 500 triệu đồng/tháng", ông Dũng cho biết.
Tổ yến tinh chế được ví như "vàng trắng"
Thừa thắng xông lên, ông Dũng vay mượn thêm mở rộng mô hình, làm thêm 4 căn nhà yến. Trong đó, 3 căn ở thị trấn Chư Sê, 2 căn ở xã H'Bông và xã Ia Pa. Bà con xung quanh vùng thấy nghề nuôi loài chim lấy nước bọt làm tổ này mang lại nguồn thu nhập ổn định liền “kéo nhau” đến gặp ông Dũng để học hỏi.
Được sự tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình của chủ tịch Hội nuôi Yến Sào Chư Sê, nhiều nông dân mạnh dạn thử nghiệm mô hình này và thu về lợi nhuận hàng trăm triệu/tháng. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn huyện Chư sê đã có gần 230 nhà yến phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn.
Còn ở Nha Trang - Khánh Hoà, do hoàn cảnh khó khăn nên anh Nguyễn Văn Tú (SN 1989) chỉ mới học xong cấp 2, phải bỏ quê vào miền Nam làm thuê phụ giúp gia đình. Tình cờ biết mô hình nuôi chim yến trong nhà mang lại hiệu quả kinh tế cao ở quê nhà, anh Tú quyết định về quê khởi nghiệp với loài chim này.
"Nghề nuôi yến không khó khăn nhiều, chỉ tốn tiền đầu tư xây nhà yến, vật tư, trang thiết bị phục vụ cho việc dẫn dụ. Trong nhà yến cần lắp đặt camera, đồng hồ hẹn giờ, cảm biến để điều chỉnh nhiệt độ… qua điện thoại thông minh”, chàng thanh niên này cho biết. Chỉ mới 6 tháng, anh Tú đã thu hơn 6 lạng yến thô nguyên tổ. Đến nay, bước sang năm thứ 3, anh thu hoạch 5kg yến thô/tháng. Nếu giá thị trường ổn định, anh nông dân thu lãi gần 100 triệu đồng/tháng. Hiện nhà yến của anh đang tạo nơi trú ngụ cho hơn 5.000 con chim yến. Mỗi năm anh duy trì bán được khoảng 50-60 kg yến thô.
Hệ thống cảm biến nhà yến.
Anh Tú chia sẻ khi bắt tay vào nuôi anh cũng gặp phải một sự cố khiến nhiều con chim yến chết một lúc. Những ngày đầu, chim yến về làm tổ rất đông, sinh sản định kỳ. Nhưng khi cái lạnh của mùa đông tràn về cũng là lúc chim yến lăn ra chết. Chính vì vậy, nắm vững kỹ thuật nuôi chim yến để phát triển bầy yến là vô cùng quan trọng.
Anh Tú còn phát triển các mặt hàng yến sạch, yến tinh chế, yến chưng với giá bán cao hơn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Năm 2017, anh Tú phát triển thêm 12 dòng sản phẩm từ tổ yến tinh chế… mỗi tháng doanh thu hơn 500 triệu/tháng. Hiện tại, trang trại của anh đang tạo công ăn việc làm cho hơn 12 lao động với mức lương từ 10-15 triệu đồng/người/tháng.
Cũng là một nông dân trẻ khởi nghiệp với mô hình nuôi chim yến, anh Nguyễn Văn Đồng (SN 1986) đã quyết định trở về quê ở thôn Thống Nhất, xã Nam Điền (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) để lập nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học Nông Lâm. Qua nghiên cứu tài liệu và tìm hiểu trên mạng Internet, anh nhận thấy nghề nuôi chim yến đem lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm từ loài chim này giàu giá trị dinh dưỡng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Bên cạnh đó, nuôi yến công sức bỏ ra không nhiều, trên địa bàn Hà Tĩnh số người nuôi còn rất ít nên anh Đồng quyết định thử sức ở mô hình này.
Anh Đồng đã vay mượn 400 triệu đồng rồi thuê một ngôi nhà cũ để cải tạo lại, đồng thời xây thêm một dãy liền kề theo cấu trúc của nhà nuôi chim để làm nhà cho yến ở. Với toàn bộ diện tích 300m2 này có thể làm chỗ cho khoảng 10.000 con chim yến sinh sống. Quá trình xây dựng nhà yến phải tuân thủ nghiêm ngặt các thông số kỹ thuật thì yến mới đến sống và làm tổ. Môi trường trong nhà yến là yếu tố tiên quyết đến thành công hay thất bại của việc nuôi. Ví dụ, nhà nuôi yến có đặc điểm không được quá sáng hoặc quá tối, nhiệt độ trong nhà phải duy trì từ 27-29 độ C, độ ẩm 80-90%, xung quanh nhà phải đặt ống thông gió, sát mái nóc của phòng lượn phải trừ ô cửa đủ rộng cho yến bay vào…
Chim yến bay rơp trời.
Đến năm 2019, thấy có nhiều thuận lợi, anh Đồng đã đầu tư phát triển thêm một nhà mới, diện tích khoảng 300m2, với chi phí gần 700 triệu đồng. “Mỗi một tổ yến mà chúng tôi thu hoạch, đồng nghĩa với việc có thêm một đôi chim yến ra đời rồi trưởng thành. Mỗi năm 2 căn nhà của tôi thu hoạch khoảng 3.500 tổ yến thì có 3.500 đôi chim mẹ và ít nhất cũng nở được 3.000 đôi chim non”, anh Đồng tự hào chia sẻ về quy trình nuôi và bảo tồn loài chim yến.
Bình quân mỗi năm, 2 căn nhà của anh Đồng thu hoạch được khoảng 30 kg tổ yến, giá bán 1kg khoảng 25 triệu đồng, đem lại cho gia đình anh tổng doanh thu khoảng 750 triệu đồng. Sau gần 3 năm triển khai nuôi yến, anh Đồng đã chi trả được toàn bộ số tiền vay mượn đầu tư xây dựng khoảng trên 1,1 tỷ đồng.